Người dân sẽ “quên” vàng  khi giá trị đồng tiền ổn định và tăng trưởng kinh tế dài hạn vững chắc.
Sau khi tăng mạnh hơn 3 triệu đồng lên gần 40 triệu đồng/lượng vào chiều ngày 6/7, sáng ngày 7/7, giá vàng SJC lại rơi tự do hơn 2 triệu đồng/lượng. Vì sao giá vàng lại trở nên bất thường như vậy. Và người dân nên có ứng xử thế nào đối với thị trường vàng để tránh những thiệt hại không đáng có. Phóng viên có cuộc phỏng vấn Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa để tìm rõ căn nguyên những bất ổn đang diễn ra trên thị trường vàng.
Theo ông, đâu là tác nhân gây ra biến động mạnh của giá vàng trong mấy ngày qua?
Tôi cho rằng, trước hết, biến động giá vàng trong nước phần nào đó đang chịu ảnh hưởng mạnh từ thị trường vàng thế giới. Thị trường vàng thế giới lại chịu tác động từ sự kiện Anh sẽ rời khỏi châu Âu. Thế nhưng chúng ta phải phân tích thật kỹ việc rời khỏi châu Âu của Anh là sự kiện có ý nghĩa tác động ngắn hạn và dài hạn thế nào. Theo tôi, đây chỉ là một cú sốc tâm lý mà chủ yếu về mặt chính trị và trong chừng mực nhất định nó có thể ảnh hưởng tới vị thế của nước Anh ở châu Âu cũng như trên trường quốc tế. Nhưng điều đó tuyệt nhiên không phải là một thảm họa chính trị hay kinh tế.
Nền tảng kinh tế châu Âu nói chung hay nước Anh nói riêng vẫn vững vàng và không có vấn đề gì tạo ra thảm họa kinh tế cho toàn cầu. Trên nền tảng đó, tôi thấy rằng việc tăng giá vàng thế giới chỉ có tính tâm lý. Và trong chừng mực nhất định từ nay đến khi nước Anh có Thủ tướng mới, tôi nghĩ sau đó giá vàng sẽ dần ổn định trở lại, thậm chí có thể đi xuống.
Ở Việt Nam mấy ngày gần đây cũng do tác động tâm lý, cộng với một vài tin đồn… dân chúng có vẻ lo ngại nhiều hơn. Vì vậy, có thời điểm trong khi giá vàng thế giới có xu hướng giảm nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng. Đây là điều tôi cho rằng, dân chúng cần hết sức tỉnh táo và cẩn trọng. Hay nói cách khác, không nên chạy theo các thông tin phi chính thống dẫn đến chuyện thua lỗ trong việc mua bán vàng trong giai đoạn hiện tại, hoặc có thể tạo ra khủng hoảng tài chính gia đình.
Ông có lời khuyên gì với người dân trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh như hiện nay?
Tôi nghĩ rằng bây giờ người dân có rất nhiều cách tiếp cận thông tin nhưng quan trọng là chúng ta nên tiếp cận thông tin một cách rất hiểu biết, có phân tích. Ở góc độ vĩ mô, kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại cũng như trong trung, dài hạn không có dấu hiệu gì cho thấy đang gặp khó khăn. Thực tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn là một trong bốn nước có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Mà chúng ta đang có Chính phủ với nhiệm kỳ mới năng động, hành động với ba phương châm chính: kiến tạo, đổi mới và liêm chính. Trên thực tế trong mấy tháng gần đây, Chính phủ đang rất quyết liệt điều hành theo hướng này. Chúng tôi tin tưởng rằng kinh tế của Việt Nam trong ngắn, trung, dài hạn có thể là hoàn toàn ổn định, không còn dấu hiệu nào chứng tỏ có những khó khăn lớn.
Gần đây Hiệp hội kinh doanh vàng cho biết hiện đang có 500 tấn vàng trong dân và đặt vấn đề huy động vàng để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Theo tôi việc huy động vàng trong dân là một ý tưởng tốt nhưng phải rất thận trọng. Thứ nhất, vì số vàng đấy không phải là quá nhiều. Thứ hai, việc huy động gắn liền với tâm lý cất trữ, đầu cơ vàng rất phức tạp. Nếu không cẩn thận lại gây ra lộn xộn trên thị trường vàng, từ đó ảnh hưởng đến thị trường khác như hối đoái, tín dụng. Vì thế, muốn huy động vàng trong dân cần có đề án cụ thể, cẩn trọng và được xem xét dưới nhiều khía cạnh.
Về lâu dài tôi cho rằng quan trọng nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, giá trị đồng tiền ổn định và tăng trưởng kinh tế dài hạn vững chắc, người dân sẽ quên dần vai trò của vàng với tư cách là nguồn lực quan trọng có thể khuynh đảo thị trường. Và dần dần vàng chỉ là của để dành. Và trong chừng mực nào đó có thể làm trang sức, xuất khẩu đồ trang sức ra nước ngoài. Còn quan điểm của tôi, vàng huy động trong dân không phải là vấn đề quá bức xúc, hay nguồn lực lớn để kỳ vọng. Chính vì vậy cần phải rất cẩn thận.
Ông có thể nói rõ hơn?
Chúng ta đều biết, trong vài chục năm gần đây, nước ta trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng kinh tế vĩ mô, lạm phát cao, và vàng trở thành một thứ tài sản tác động mạnh đến tâm lý người dân. Cho đến giờ phút này người dân Việt Nam vẫn ở trong tâm trạng rất nhạy cảm, hễ có một cơ chế của Chính phủ liên quan đến vàng là bắt đầu lo ngại, không biết có việc gì xảy ra trong trung, dài hạn không. Cho nên huy động vàng vẫn phải chịu tác động tâm lý đó.
Những tác động nhạy cảm có thể gây rắc rối khi có biến động nhất định trên thị trường nội địa cũng như quốc tế. Ví dụ như nếu có biến động nào đó trong cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam chẳng hạn, thì nó sẽ tác động rất nhanh đến vàng. Tôi giả định nếu chúng ta cho phép huy động và cho vay bằng vàng, nó sẽ có những tác động, biến động lãi suất khó lường cho cả phía người gửi và người vay. Vì thế, có thể gây xáo trộn lớn cho thị trường tín dụng, trong khi khối lượng vàng huy động chuyển thành nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh chẳng đáng là bao.
Theo tôi có chăng nên xem xét một cơ chế huy động và sử dụng vàng phục vụ cho thị trường trang sức của Việt Nam hiện nay. Hiện tại, các DN kinh doanh vàng trang sức lớn cũng đã đầu tư rất nhiều và kỳ vọng ngành kinh doanh này phát triển, nhất là cho xuất khẩu. Vì hiện tại xuất khẩu vàng trang sức có lợi thế khi trình độ nhân công kỹ nghệ vàng tương đối tốt, giá nhân công lại rẻ… Chứ không nên hy vọng dùng lượng vàng huy động được trong dân có thể làm thay đổi tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo chiều hướng là nguồn lực tài chính lớn đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Về dài hạn, không gì bằng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền. Và trên nền tảng đó chúng ta có thái độ nhẹ nhàng hơn trong dài hạn đối với vàng.
Còn đối với việc DN huy động vàng trong dân thì sao, thưa ông?
Hiện việc phân định DN có quyền hay không được huy động vàng vẫn chưa rõ ràng. Nhưng theo tôi không nên để DN làm tự phát như vậy. Nếu DN có nhu cầu thực sự làm vàng trang sức thì NHNN nên có kế hoạch cho họ. Tức là phải nghiên cứu thật kỹ nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ cả việc cung ứng vàng nguyên liệu cũng như khối lượng sản phẩm vàng trang sức, xuất khẩu, tránh tình trạng nhập khẩu vàng về đầu cơ ảnh hưởng đến tỷ giá. Chứ còn nếu chỉ một lượng vàng nhỏ dùng để sản xuất vàng trang sức và NHNN kiểm soát chặt chẽ thì tôi nghĩ không có vấn đề gì lớn. Hiện tại DN cũng vừa làm vừa run, không biết có vi phạm pháp luật hay không.
Tôi cho rằng, NHNN cũng nên có một thái độ rất rõ ràng đối với vấn đề này. NHNN có thể khảo sát để nắm được nhu cầu nhập khẩu và sản xuất vàng trang sức hàng năm là bao nhiêu thì chỉ cấp phép nhập khẩu khối lượng vàng như vậy cho mục tiêu kinh doanh vàng trang sức. Nếu DN sử dụng sang mục tiêu khác thì thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm minh.
Xin cảm ơn ông!