1. Cần có những quy định pháp lý và các tiêu chuẩn khi cần can thiệp vào các vấn đề của ngân hàng gặp khó khăn
Tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoặc các tổ chức đảm bảo an toàn tài chính khác cần xây dựng cơ chế luật định về việc can thiệp sớm vào các vấn đề của một ngân hàng gặp khó khăn cũng như quyết định một ngân hàng có đổ vỡ hay không. Các tiêu chuẩn cho phép can thiệp phải bao gồm cả các chỉ số định lượng và định tính. Chỉ số định lượng như thẩm định vốn điều lệ và chất lượng tài sản. Chỉ số định tính như đánh giá chất lượng quản lý, các thiệt hại vật chất do vi phạm quy định về hoạt động an toàn lành mạnh, vi phạm các quy định pháp luật hoặc ngân hàng mất khả năng chi trả cho người gửi tiền.
2. Đội ngũ thẩm định chuyên nghiệp cần đánh giá chính xác khả năng tài chính của ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ
Cần xây dựng một đội ngũ có chuyên môn và kinh nghiệm từ cơ quan giám sát và/hoặc tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoặc các chuyên gia độc lập để thẩm định tình hình tài chính của ngân hàng gặp khó khăn. Các tiêu chuẩn thẩm định phải dựa trên giá trị thị trường. Nếu cơ quan giám sát yêu cầu ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ phải có kế hoạch thực hiện chi tiết với khung thời gian cụ thể, ngân hàng đó phải đưa ra 1 kế hoạch khả thi và được chấp thuận, giám sát bởi cơ quan giám sát tài chính và/hoặc tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
3. Cần xây dựng cơ chế chính sách và cơ chế hoạt động khẩn cấp hiệu quả để xử lý đổ vỡ ngân hàng riêng lẻ
Để xử lý đổ vỡ ngân hàng riêng lẻ một cách chuyên nghiệp, tin cậy và có tín nhiệm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải xây dựng quy trình và chính sách xử lý hiệu quả. Cần quy định cách thức áp dụng biện pháp xử lý với chi phí tối thiểu, giải quyết ảnh hưởng dây chuyền do 1 ngân hàng lớn bị đổ vỡ gây ra, phương thức tránh gián đoạn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng ở từng thị trường hoặc khu vực cụ thể, và các biện pháp khẩn cấp có thể thực hiện nếu tình hình có chiều hướng xấu đi nhanh chóng hơn là dự kiến.
4. Nỗ lực tối đa hóa các khoản thu hồi tài sản của ngân hàng đổ vỡ nhờ biện pháp bám sát thị trường
Thông thường, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là chủ nợ lớn nhất của ngân hàng bị phá sản sau khi đã đền bù cho người gửi tiền được bảo hiểm và trở thành chủ nợ của ngân hàng đổ vỡ đó. Do đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần nỗ lực tối đa hóa các khoản thu hồi nhờ vào cơ chế kiểm soát chặt chẽ (như là Hội đồng chủ nợ) đối với những người thanh lý tài sản của ngân hàng đổ vỡ, hoặc nhờ vào phát mại tài sản của ngân hàng bị đổ vỡ bằng các biện pháp theo luật, sử dụng các văn phòng bất động sản, và các biện pháp thị trường khác như cơ chế thu hồi đến mức có thể nhằm giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi thu hồi lại được các khoản chi trả.
5. Các hoạt động xử lý cần phải dựa trên cơ chế và nguyên tắc thị trường
Áp dụng cơ chế và nguyên tắc thị trường khi xử lý đổ vỡ là một kinh nghiệm rất tốt cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Việc áp dụng cơ chế và nguyên tắc này bao gồm:
- Tiếp nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ (chia sẻ rủi ro) từ các tiổ chức đảm bảo an toàn tài chính khác trước khi thực hiện quy trình xử lý.
- Đề ra phương án xử lý cụ thể nhằm huy động tất cả các người mua tiềm năng tham gia.
- Đảm bảo chất lượng của công tác kiểm toán nội bộ và ngoài ngành trong quá trình xử lý.
- Theo sát thị trường trong quá trình định giá.
- Sử dụng các chuyên gia giàu kinh nghiệm để thực hiện các nghiệp vụ liên quan một cách hiệu quả.
- Các biện pháp xử lý phải hiệu quả và hiệu suất (tiết kiệm chi phí mà mang lại kết quả tốt) hơn là chỉ chú trọng đến việc tìm ra một giải pháp có chi phí tối thiểu.
6. Đề ra những điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ chế thị trường khi xử lý đổ vỡ
Để quy trình xử lý lấy thị trường làm cơ sở có thể thành công thì cần phải đề ra những điều kiện thuận lợi theo luật định để hỗ trợ, như là:
- Ưu đãi về thuế: tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáp nhập và tiếp nhận và xóa nợ xấu.
- Ưu đãi hành chính: giảm bớt các chi phí tuân thủ, nâng cao mức thu hồi nợ hoặc đăng ký phá sản.
7. Đảm bảo hiệu quả chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền
Ưu tiên hàng đầu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi là chú trọng vào việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền thông qua quy trình chi trả bảo hiểm hiệu quả. Một ví dụ về quy trình chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền một cách hiệu quả là:
- Rút ngắn thời gian đến mức có thể từ khi rút giấy phép hoạt động của ngân hàng đến lúc tiến hành chi trả bảo hiểm thực tế.
- Liên tục thông tin đến công chúng trong suốt quá trình thanh lý tài sản và chi trả bảo hiểm bao gồm cả việc thông tin cho người gửi tiền các chi tiết liên quan và thời gian chi trả.
- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể kiểm tra hệ thống xử lý dữ liệu được sử dụng để đánh giá chất lượng hồ sơ tiền gửi và có thể tiếp cận hồ sơ đó của ngân hàng trước khi ngân hàng đóng cửa nhằm xúc tiến quy trình chi trả bảo hiểm.
- Cần có các quy định luật pháp về các hạng mục sẽ bị loại trừ và bù trừ. Việc hướng dẫn về thế quyền đòi nợ cũng phải được quy định rõ ràng.
- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần xây dựng quy trình thanh toán từng phần trong trường hợp người gửi tiền muốn được nhận tiền chi trả khẩn cấp trước khi tiến hành chi trả thực tế.
8. Các quy định hướng dẫn việc thanh lý cần phải rõ ràng
Quy định về quy trình thanh lý, trách nhiệm báo cáo của người thanh lý, thời hạn pháp lý và phân chia giữa các chủ nợ cần phải được xác định rõ ràng bằng văn bản. Những yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng thu hồi trong quá trình thanh lý cũng cần phải được kiểm soat và quản lý, bao gồm xếp hạng ưu tiên người gửi tiền, thời hạn pháp lý, nguyên tắc bù trừ, nguyên tắc thế chấp hóa các yêu cầu đòi tiền, khả năng khiếu kiện. Ngoài ra, các nguyên tắc về thế quyền đòi nợ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng cần được quy định rõ ràng.