Lịch sử và ý nghĩa Ngày Quốc tế Lao động 1/5
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.
Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C.Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.
Ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân.
Cùng với đó, công nhân các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan…tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.
Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với Ngày Quốc tế Lao động 1/5
Từ những năm đầu của thế kỷ XX, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam, giúp công nhân lao động (CNLĐ) Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô - Viết.
Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng xác định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với CNLĐ thế giới.
Ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đó, Ngày Quốc tế Lao động (1/5) hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của GCCN và nhân dân lao động Việt Nam.
Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân. Nghị quyết nêu rõ “xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[1]; Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống với tinh thần trên cần “chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế…”[2]. “Định hướng và quản lý tốt sự ra đời và hoạt động của các tổ chức công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”[3] gắn với việc nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người lao động cho đoàn viên và người lao động.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Phát huy tinh thần đại đoàn kết của cán bộ, đảng viên người lao động, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin, khí thế thi đua sôi nổi, tinh thần phấn khởi trong đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN); ngay từ đầu năm 2023, Đảng ủy BHTGVN đã ban hành Hướng dẫn số 1344-HD/ĐU, ngày 17/01/2023 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2023, trong đó Đảng ủy BHTGVN đã nhấn mạnh việc:
Tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong Đảng bộ BHTGVN; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận xã hội để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III và Đại hội đại biểu Đảng bộ BHTGVN lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên, người lao động hiểu rõ hơn về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội và với BHTGVN.
Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển BHTGVN ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Phạm Thanh Bình - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy BHTGVN