Ngày 21/12/2016 tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia đã tổ chức phiên họp thường kỳ quý IV/2016. Các chuyên gia kinh tế khẳng định kết quả nổi bật thời gian qua là lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 12, lãi suất bắt đầu “nóng” lên. Dù vậy, đa số các ngân hàng chỉ điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Còn ở kỳ hạn dài, mức lãi suất cao nhất vẫn là 8%/năm. Mức lại suất này chỉ được áp dụng ở một vài ngân hàng.
Tăng kỳ hạn ngắn
Kể từ ngày 21/12, ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank) áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, lãi suất được điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn ngắn. Ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tăng từ 4,9%/năm lên 5,1%, 5,2% và 5,3%/năm tùy thuộc vào số tiền khách hàng gửi.
Ở kỳ hạn 12 và 13 tháng, lãi suất tại VPBank tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Ngân hàng cộng thêm 0,1%/năm so với gửi tại quầy đối với các khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên. Ở các kỳ hạn dưới tháng, lãi suất không được vượt quá 5,5%/năm.
Kể từ ngày 14/12, ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) tăng thêm lãi suất từ 0,1 – 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 4 tháng tăng lên 5,5%/năm, kỳ hạn 7 tháng là 6,2%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất từ 0,1% tới 0,3%/năm. Theo đó, kể từ 1/12, lãi suất cá kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 36 tháng tại Techcombank lần lượt là 5,4%/năm, 6,8%/năm và 7%/năm.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng tại Pvcombank lần lượt được đẩy lên 5,4%/năm, 6,5%/năm và 7,5%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, Pvcombank là một trong những ngân hàng áp dụng lãi suất cao nhất.
Lãi suất tại ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chỉ nhích nhẹ khoảng 0,1%/năm. Sau 14/12, lãi suất theo tháng tại ngân hàng này dao động từ 4,7%/năm lên 6,9%/năm.
“Trần” vẫn là 8%
VPBank tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn ngắn nhưng không thay đổi “trần” lãi suất. Hiện tại, mức lãi suất tại ngân hàng này vẫn là 8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đi kèm với điều kiện số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng phải từ 5 tỷ đồng trở lên.
8%/năm cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên toàn hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Ngoài VPBank, ngân hàng Quốc Dân (NCB) cũng duy trì mức lãi suất này ở kỳ hạn 24 tháng. Tuy nhiên, khác với VPBank, NCB không đặt ra điều kiện về số tiền đối với khoản tiền gửi.
Ở các kỳ hạn khác, NCB cũng niêm yết mức lãi suất khá cao như 7,8%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, 7,5%/năm cho 5 kỳ hạn và 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Còn tại VPBank, có tới 3 kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng được áp dụng lãi suất từ 7,6%/năm tới 7,9%/năm.
Có thể thấy VPBank và NCB là hai ngân hàng có mức lãi suất cao nhất hệ thống ngân hàng.
Trước đây, VietCapital Bank thường xuyên áp dụng lãi suất 8%/năm. Tuy nhiên, trong thời gian này, mức lãi suất cao nhất tại VietCapital Bank chỉ còn 7,9%/năm.
Tăng lại suất ở các kỳ hạn ngắn nhưng mức lãi suất cao nhất tại TPBank lại giảm nhẹ từ 7,65%/năm xuống 7,6%/năm ở kỳ hạn 37 tháng. Còn nếu gửi theo hình thức thông thường tại quầy, lãi suất sẽ thấp hơn một chút. Mức cao nhất được TPB áp dụng là 7,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng. Đặc biệt, để nhận mức lãi suất này, khách hàng phải gửi từ 100 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, TPBank cũng có nhiều mức lãi suất cao như 7,45%/năm (kỳ hạn 36 tháng), 7,4%/năm (kỳ hạn 25 tháng),…
Sau khi đồng loạt tăng lãi suất từ 0,2% tới 0,4%, Pvcombank ghi tên mình vào danh sách những ngân hàng có lãi suất cao nhất. Ở kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng, lãi suất tại Pvcombank “đồng hạng” 7,7%/năm.
Lãi suất tiết kiệm thông thường tại Eximbank không cao, chỉ tối đa là 6,9%/năm. Tuy nhiên, nếu tham gia chương trình “Gửi dài lâu, thêm tài lộc”, khách hàng có cơ hội nhận lãi suất lên tới 7,6%/năm nếu gửi ở kỳ hạn 36 tháng và không rút trước hạn dưới 90 ngày.