Hiện nay, theo phản ánh của dư luận, lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng của các NH, công ty tài chính (CTTC) đang áp ở mức cao, mặc dù trong một số trường hợp là để phòng ngừa rủi ro của khách hàng. Song vấn đề ở đây là cần phải làm rõ giữa lãi suất cho vay trong các TCTD và lãi suất trong hoạt động cho vay dân sự.
Cũng liên quan tới vấn đề này, Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) quy định hạn mức lãi suất tối đa mà các bên được thỏa thuận đã được hạ xuống, đồng thời pháp luật đã mở rộng quyền thỏa thuận cho các bên trong trường hợp hợp đồng cho vay có tính lãi, nhưng không xác định lãi cụ thể.
Theo đó, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực; 2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ".
Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định về trách nhiệm trả lãi trong trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Theo khoản 5 Điều 466; "Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác".
Như vậy, có thể thấy Bộ luật Dân sự 2015 đã có nhiều quy định mới theo hướng linh hoạt, mở rộng quyền năng cho các chủ thể trong quan hệ dân sự, từ đó thúc đẩy các chủ thể này tham gia tích cực hơn vào các quan hệ này.Đây cũng là điểm mới so với Bộ luật Dân sự năm 2005, khi quy định trường hợp các bên đều chỉ căn cứ vào lãi suất của NHNN quy định tại thời điểm tương ứng. Quy định này vô hình trung làm hạn chế quyền thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình đưa dự thảo để thảo luận tại Quốc hội khóa XIII và bản thân người dân vẫn còn nhầm lẫn giữa cho vay dân sự và cho vay tại các TCTD nếu không tìm hiểu kỹ khoản 1, Điều 468 có cụm từ “…trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Người viết bài đã từng có lần gặp riêng nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, khi đó ông làm Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015. Theo ông Cường, tinh thần của Bộ luật Dân sự 2015 là đã mở đường cho lĩnh vực NH. Bởi trong Luật Các TCTD thì cho phép việc cho vay giữa các TCTD với nhau, cho vay giữa TCTD với cá nhân, pháp nhân nào đó được thực hiện theo quy luật thị trường và do chính sách của NH quyết định.
Điều này cũng phù hợp với Luật Các TCTD năm 2010 và phù hợp với cơ chế thị trường vì trong thực tế, một NH cho vay dự án có tính khả thi cao thì người vay có thể được hưởng mức lãi suất thấp, còn ngược lại, lãi suất không thể thấp được.
Đồng tình với quan điểm các khoản vay có rủi ro cao thì lãi suất phải cao, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính-NH cũng cho rằng, đây là điểm đặc biệt của tín dụng tiêu dùng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm, và phụ thuộc vào khoản tiền vay sẽ bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay. Thông qua đó, việc xác định hành vi cho vay nặng lãi cũng dễ dàng hơn.
Còn đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chia sẻ, có đi vào các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn mới thấy, nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Khi cần tiền, người dân phải chấp nhận mức lãi suất cho vay cao, tính ra có thể tới 30%/năm. Họ chấp nhận vay thậm chí không cần ký hợp đồng, hay chỉ hợp đồng miệng, cũng chẳng thoả thuận lãi bao nhiêu. Ông Hoàng cho rằng, quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 chủ yếu áp dụng với hoạt động cho vay dân sự, đề phòng tín dụng đen.
Ông Võ Minh – Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng Mở rộng tiếp cận, đi đôi với giáo dục tài chính Hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính cần phải được phân tích một cách thấu đáo. Rõ ràng đây là việc “thuận mua, vừa bán”. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH cho nền kinh tế. Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống NH; ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM trên 100.000 dân số trưởng thành; khoảng 35 - 40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các TCTD; khoảng 50 - 60% số DNNVV đang hoạt động có vay vốn của các TCTD... Điều này sẽ giúp cho việc tiếp cận dịch vụ tài chính, NH tốt hơn, nhất là ở các vùng nông thôn. Tôi cho rằng, cùng với mở rộng tiếp cận dịch vụ NH, chúng ta cần phải đề cập tới câu chuyện giáo dục tài chính toàn diện cho người dân, trong đó có vai trò của các cơ quan Nhà nước, cũng như của các cơ quan truyền thông, giúp người dân tiếp cận những kiến thức cơ bản về tài chính. Bên cạnh đó, là phải minh bạch những thông tin chủ yếu như: lãi suất, phương thức thu hồi lãi, phí phạt, phí trả trước… Khi người dân hiểu được, sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận. Bởi cho vay tài chính tiêu dùng là quan hệ dân sự thỏa thuận, nên phải khách quan giữa hai bên. Khi các hợp đồng được chuẩn hoá và người dân am hiểu dịch vụ thì tự họ sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Còn vai trò của Nhà nước là kiến tạo, quản lý theo xu hướng phát triển. Bà Tô Thị Hậu – Giám đốc NHNN chi nhánh Bắc Giang Cần đẩy mạnh tuyên truyền ở vùng nông thôn Thực tế hiện nay, lĩnh vực cho vay tiêu dùng cũng đã được các TCTD triển khai ở các vùng nông thôn với sự vươn xa của các công ty tài chính. Tuy nhiên, sự am hiểu về hoạt động NH, về tín dụng của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn còn hạn chế. Và đây cũng là nguyên nhân trong thời gian qua đã có những chuyện kêu ca, thậm chí khiếu kiện khi thấy lãi suất của một số khoản vay tiêu dùng cao ở những địa phương này. Thậm chí nhiều người còn so sánh lãi suất với các chương trình ưu tiên cho sản xuất kinh doanh tại các NHTM tại địa bàn! Điều này chứng tỏ sự thiếu thông tin về tài chính - NH và các dịch vụ NH. Bởi rõ ràng, khi vay tín dụng tiêu dùng, người vay cần phải hiểu đó là khoản vay tín chấp, có khi chỉ nộp chứng minh thư để vay tiền mua xe máy, máy tính… không có tài sản gì bảo đảm, độ rủi ro cao. Vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh ngành NH, thì các cơ quan chức năng cần phải quan tâm hơn trong việc thông tin tuyên truyền về hoạt động NH, để người dân hiểu rõ hơn. Khi nắm được thông tin, người dân sẽ có ý thức, sẽ có lựa chọn đúng đắn khi đến với các dịch vụ tài chính - NH. TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng Tín dụng tiêu dùng đóng góp tích cực cho nền kinh tế Trước hết, phải coi tín dụng tiêu dùng là một loại hình tín dụng cá nhân, để thỏa mãn những nhu cầu tài chính của cá nhân như để mua nhà, trang thiết bị sinh hoạt. Tín dụng tiêu dùng rất quan trọng trong xã hội, thúc đẩy tiêu dùng của người dân, hỗ trợ và đóng góp nhiều trong tăng trưởng kinh tế. Những NH lớn trên thế giới đều có các đơn vị phụ trách về tín dụng tiêu dùng. Ở Việt Nam, các NH cũng đã đặt trọng tâm vào lĩnh vực này. Hiện nay tại Việt Nam, với dân số hơn 90 triệu người, thì mới chỉ có 30% tiếp cận tín dụng tiêu dùng. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam càng ngày càng phát triển, chiếm một tỷ trọng lớn, nên các NH đều coi đây là đối tượng quan trọng của họ trong tín dụng tiêu dùng. Thứ nữa, tín dụng tiêu dùng thường là món nhỏ, nên rủi ro được dàn trải. Cùng với đó, với tín dụng tiêu dùng, các NH có kênh để đi vào các hoạt động khác. Song song với đó, tín dụng tiêu dùng là tín dụng cá nhân, tín chấp nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong bối cảnh chúng ta chưa có Luật Phá sản cá nhân. Vì vậy, cần phải có hành lang pháp lý phù hợp, tạo cơ hội cho tín dụng tiêu dùng phát triển. |