Không phải ngẫu nhiên mà hầu như toàn bộ các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, phát triển tài chính tiêu dùng cho nhóm khách hàng dưới chuẩn cho vay của các ngân hàng thương mại là một nhu cầu tất yếu, là một giải pháp căn cơ cho việc phòng chống “tín dụng đen”.
Theo một ước tính, thị trường “tín dụng đen” tại Việt Nam hiện vào khoảng 50 tỷ USD. Con số này khó có thể được xác thực nhưng không phải là không có cơ sở khi nhìn vào thực trạng hiện nay.
Tại hội thảo thảo chuyên đề: “Thực trạng và giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” được tổ chức mới đây, Bộ Công an đã cho biết: chỉ trong 4 năm, từ 2010 đến 2014, lực lượng chức năng đã thụ lý 6.367 vụ việc, khởi tố gần 11.000 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có nhiều vụ án cực kỳ nghiêm trọng.
Những con số này cho thấy, nạn ‘tín dụng đen” và những hệ lụy của nó không chỉ làm ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho an ninh và trật tự xã hội. Đó là áp lực đòi hỏi phải nhanh chóng tìm ra giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm hạn chế, khắc phục vấn nạn này.
Trao đổi tại Hội thảo, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, để chống “tín dụng đen”, làm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng, bên cạnh nỗ lực đấu tranh của các cơ quan chức năng thì vai trò của, các tổ chức tín dụng là rất quan trọng. Nếu nhu cầu vay chính đáng của người dân được các tổ chức đáp ứng thì chắc chắn “tín dụng đen” sẽ không còn đất sống.
Nói thì đơn giản vậy nhưng làm thì chẳng dễ chút nào!
Ai cũng biết, việc mở rộng hệ thống các tổ chức tín dụng (bao gồm cả các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân…), tăng khả năng mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của xã hội, đặc biệt là nhu cầu tài chính của người dân… sẽ là lời giải quan trọng để hạn chế “tín dụng đen”. Ngân hàng Nhà nước đã và đang nỗ lực để thực hiện điều này. Tuy nhiên, mỗi loại hình tổ chức tín dụng lại có những đặc thù riêng và đòi hỏi về quản lý giám sát riêng.
Yêu cầu các ngân hàng thương mại mở rộng đối tượng cho vay tức là phải giảm tiêu chuẩn về cấp tín dụng, tăng lãi suất cho vay và nhiều biện pháp khác. Nhưng nếu làm thế thì rủi ro lại cao, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ cao. Nếu nói ngành ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế thì các ngân hàng thương mại chính là những mạch chủ. Chỉ cần một “tai nạn” thì hậu quả sẽ khôn lường. Không phải tự nhiên mà Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra hàng loạt những biện pháp giám sát, quy định về cho vay, về quản trị rủi ro… cho các ngân hàng thương mại. Vì thế, dù muốn phát triển cho vay cá nhân thì các ngân hàng thương mại cũng chỉ dám “mở rộng tìm kiếm” trong khuôn khổ của nhóm khách hàng đạt chuẩn, tức là người có thu nhập từ khá trở lên. Mà đó lại không phải là đối tượng để “bóng ma tín dụng đen” bao trùm.
Việc mở rộng đối tượng cho vay của ngân hàng thương mại xuống phân khúc thấp hơn là điều “muốn nhanh cũng phải từ từ” dù chính các ngân hàng thương mại cũng đã nhìn ra gần 70% dân số chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng là một thị trường hứa hẹn, nơi họ có thể cho vay với lãi suất cao hơn nhiều. Gần đây rất nhiều ngân hàng thương mại mua lại Công ty tài chính cũng là căn nguyên như vậy.
Đẩy mạnh hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng chẳng phải điều dễ. Bởi đã là chính sách, là ưu đãi thì phải dùng ngân sách, mà ngân sách thì như tấm chăn, ấm kẻ này thì lạnh người kia. Phát triển quỹ tín dụng nhân dân cũng còn nhiều điều bất cập.
Giải pháp nằm ở đâu?
Việc đẩy mạnh hoạt động cho vay tín chấp đối với phân khúc khách hàng dưới chuẩn cho vay của ngân hàng thương mại(cũng là đối tượng tấn công của “tín dụng đen”) bằng việc phát triển dịch vụ và năng lực hoạt động của các Công ty tài chính cho vay tiêu dùng cùng hệ thống tín dụng vi mô dường như là một giải pháp căn cơ.
Dù xuất hiện chưa lâu nhưng rõ ràng, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã góp phần đắc lực vào việc đáp ứng các nhu cầu tài chính cá nhân của những người có thu nhập trung bình và thấp. Với thủ tục vay nhanh gọn, dễ dàng, không cần tài sản thế chấp, linh hoạt lãi suất với từng đối tượng vay, hoạt động này không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội. Cùng với ý nghĩa nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho nhóm người dân dưới chuẩn cho vay và thường bị từ chối bởi các ngân hàng thương mại truyền thống, thì nó còn làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ “tín dụng đen”; đồng thời góp phần kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Bên cạnh đó, hoạt động này cũng còn giúp tạo tiền đề về kiến thức tài chính ban đầu cho nhóm đối tượng chưa được tiếp cận tín dụng ngân hàng và làm tăng ý thức, năng suất lao động (để trả nợ) của nhóm đối tượng này.
Vẫn còn những ý kiến cho rằng tài chính tiêu dùng là mối nguy cơ về “tín dụng đen” vì lãi suất cao. Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhìn phiến diện, không hiểu rằng đó là quy luật, bị chi phối bởi nguyên lý đơn giản “rủi ro lớn – lãi suất cao” cũng như đặc thù về tỷ lệ chi phí cao do các món cho vay tiêu dùng thường có giá trị thấp.
Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận sự khác biệt giữa lãi suất thỏa thuận giữa người cho vay và đi vay trên cơ sở thương mại,được pháp luật bảo hộ, nó không thể như lãi suất áp đặt trong tín dụng đen, vẫn thường được gọi là lãi suất "cắt cổ". Hoạt động chính thức của các công ty tài chính tiêu dùng mang lại lợi ích rất nhiều đối với nhóm khách hàng dưới chuẩn muốn tiếp cận tín dụng và chính các công ty này là doanh nghiệp đóng thuế thu nhập cho Nhà nước mà quan niệm không khác gì “tín dụng đen” là điều bất công và không thể chấp nhận được. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như toàn bộ các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, phát triển tài chính tiêu dùng là một nhu cầu tất yếu và là một giải pháp căn cơ cho việc phòng chống “tín dụng đen”.
Có thể nói, hiệu quả và ý nghĩa của việc phát triển các công ty tài chính tiêu dùng, hướng đến việc đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân của nhóm đối tượng khách hàng dưới chuẩn cho vay của các ngân hàng thương mại là đã rõ. Vấn đề là chúng ta cần có một hành lang pháp lý để hoạt động minh bạch và phát huy hiệu quả. Hành lang này cần được xây dựng trên cơ sở để người dân và các tổ chức tín dụng được tự do thỏa thuận về lãi suất và những vấn đề khác, trên cơ sở giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hành lang chính sách cần giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người vay và sự chuyên nghiệp, ý thức chấp pháp của bên cho vay cũng như tạo ra sự cởi mở, cạnh tranh lành mạnh của thị trường.