Nghiệp vụ ngân hàng xuyên quốc gia (cross-border issues) điểm nóng cần giải quyết trong thời đại toàn cầu hóa
Trong khu vực tài chính, lộ trình đặt ra năm 2007 là xóa bỏ hạn chế hoạt động cho công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài và đến năm 2011 xóa bỏ hạn chế hoạt động cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm thực hiện đầy đủ những cam kết đã ký kết trong quá trình đàm phán gia nhập các khu vực kinh tế nêu trên. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính trong nước. Đến thời điểm hiện tại, có 02 loại hình ngân hàng nước ngoài chính hoạt động tại thị trường Việt Nam, bao gồm: Ngân hàng liên doanh (NHLD) và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CN NHNN)
TT |
Nội dung |
Giá trị |
1 |
Số lượng ngân hàng nước ngoài |
05 NHLD; 32 CN NHNN |
2 |
Huy động vốn của 02 nhóm/tổng vốn huy động toàn hệ thống NH |
11% |
3 |
Dư nợ tín dụng 02 nhóm/tổng dư nợ tín dụng hệ thống NH |
10% |
4 |
Chất lượng tín dụng (Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ) |
|
|
Khối NHLD |
0,3% |
|
Chi nhánh NHNN |
0,4% |
Như vậy, khối ngân hàng nước ngoài đã đóng góp tới trên 10% huy động vốn và dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện đang có 06 bộ hồ sơ xin phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có 02 ngân hàng đã được cấp phép về nguyên tắc là HSBC và Standard Chartered Bank. Điều này báo hiệu khối ngân hàng nước ngoài sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Xét trong phạm vi khu vực, trong thời gian qua, các ngân hàng nước ngoài tiếp tục mở rộng hoạt động và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống tài chính các quốc gia Châu Á.
Tổng nguồn vốn của các ngân hàng
nước ngoài tại một số quốc gia Châu Á (% GDP)
|
06/1987 |
06/1997 |
06/2007 |
Nhật Bản |
… |
… |
7% |
Trung Quốc |
0% |
0% |
1% |
Hàn Quốc |
1% |
1% |
12% |
Đài Loan |
1% |
3% |
5% |
Hồng Kông |
25% |
80% |
132% |
Singapore |
22% |
32% |
52% |
Thái Lan |
1% |
3% |
15% |
Indonesia |
1% |
2% |
4% |
Malaysia |
5% |
6% |
34% |
Philippines |
1% |
4% |
4% |
Bảng số liệu trên cho thấy trong khu vực Châu Á, giai đoạn từ 1987 đến 2007, khối ngân hàng nước ngoài đã tham gia một cách tích cực hơn thể hiện ở tỷ lệ tổng nguồn vốn của ngân hàng nước ngoài tính trên GDP của tất cả các quốc gia đều có xu hướng tăng. Đặc biệt, trong trường hợp của Hồng Kông, tỷ lệ này đã lên tới 132%. Không dừng lại ở huy động tiền gửi, các ngân hàng nước ngoài đã và đang tham gia vào thị trường chứng khoán, thị trường hối đoái và các sản phẩm tài chính khác.
Ông Stefan Ingves, Thống đốc NHTW Thụy Điển “Khi nghiệp vụ ngân hàng đang trở nên không có biên giới, thì mạng an toàn tài chính, các cơ quan giám sát và các tổ chức bảo hiểm tiền gửi vẫn giới hạn ở phạm vi quốc giaâ€. |
Sự phát triển của nghiệp vụ ngân hàng, quá trình thâm nhập lẫn nhau của các thị trường tài chính quốc tế không đơn giản chỉ là bức tranh màu hồng. Những quan ngại về khả năng gặp khó khăn, thậm chí đổ vỡ của ngân hàng có yếu tố nước ngoài đặt ra yêu cầu phải quản lý tốt các nghiệp vụ ngân hàng xuyên biên giới (cross-border issues) phát sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cơ quan giám sát tại từng quốc gia chưa nhận thức một cách đúng đắn, hoặc chưa được trang bị công cụ cần thiết để quản lý nghiệp vụ nói trên. Đã xuất hiện những khoảng trống pháp lý và các lỗ hổng trong công tác chia sẻ thông tin, tiếp nhận xử lý, giám sát nghiệp vụ này. Câu hỏi được đặt ra là, khi một tập đoàn ngân hàng đa quốc gia gặp khó khăn, từng quốc gia được chuẩn bị những gì hoặc phối hợp với nhau như thế nào để bảo vệ hệ thống tài chính, bảo vệ người gửi tiền? Đây có thể được coi là "điểm nóng" cần giải quyết trong thời đại toàn cầu hóa!
Quản lý tốt nghiệp vụ ngân hàng xuyên biên giới - một số vấn đề các cơ quan tham gia Mạng an toàn tài chính cần quan tâm
Các chuyên gia đã đề cập đến một số vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động ngân hàng xuyên biên giới như: chia sẻ thông tin; quản lý giám sát; giải quyết phá sản; tiếp nhận xử lý; phạm vi, hạn mức bảo hiểm tiền gửi. Trong phạm vi của bài viết, tác giả xin trình bày 02 nhóm vấn đề là: i) chia sẻ thông tin giám sát; và ii) tiếp nhận xử lý đối với nghiệp vụ ngân hàng xuyên biên giới.
Về vấn đề chia sẻ thông tin: mỗi quốc gia có một mạng đảm bảo an toàn tài chính với các cơ quan tham gia chủ yếu là Ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính, Tổ chức BHTG. Các thành viên tham gia có cơ chế chia sẻ thông tin với nhau thông qua cơ sở luật pháp, Biên bản ghi nhớ chia sẻ thông tin hoặc các nguồn không chính thức khác. Tuy nhiên, trong phạm vi nội bộ quốc gia, việc chia sẻ thông tin đã gặp một số khó khăn nhất định, điều này càng trở thành vấn đề lớn khi phạm vi chia sẻ ở mức xuyên quốc gia. Đối với tổ chức BHTG, vấn đề đặt ra là trên thế giới có nhiều mô hình BHTG như Mô hình chi trả giản đơn, Mô hình chi trả mở rộng và Mô hình giảm thiểu rủi ro. Nếu sự cố ngân hàng xảy ra tại một quốc gia có Tổ chức BHTG theo mô hình chi trả giản đơn thì thông tin được chia sẻ với tổ chức BHTG khác không thực sự có ý nghĩa do sự giới hạn của thông tin. Một số vấn đề về chia sẻ thông tin xuyên quốc gia đã được nghiên cứu và đề cập, cụ thể:
Cơ chế chia sẻ chính thức: việc chia sẻ thông tin cần được thể hiện dưới các hình thức hợp tác chính thức như biên bản ghi nhớ, cam kết bằng văn bản. Điều này tạo hành lang pháp lý cho việc trao đối thông tin đầy đủ.
Phạm vi thông tin chia sẻ: vấn đề phạm vi thông tin chia sẻ cũng cần được chú trọng. Thông tin chia sẻ không đầy đủ, không mang tính định hướng sẽ không đảm bảo yêu cầu của các bên.
Tần suất chia sẻ thông tin định kỳ hoặc đột xuất: cơ chế chia sẻ thông tin cần quy định cụ thể loại hình thông tin cung cấp định kỳ, loại hình thông tin đột xuất cung cấp trong trường hợp khủng hoảng tài chính, trong trường hợp ngân hàng mẹ hoặc ngân hàng con tại từng quốc gia gặp vấn đề.
Trách nhiệm bảo mật của thông tin được chia sẻ: việc phổ biến thông tin giám sát không đúng đối tượng sẽ tác động xấu đến hoạt động của từng ngân hàng, đặc biệt trong điều kiện kinh doanh ngân hàng là ngành nhạy cảm với thông tin và rủi ro phản ứng dây chuyền lớn. Điều này đặt ra yêu cầu bảo mật thông tin được chia sẻ và trách nhiệm của các bên nếu để lộ thông tin ra bên ngoài.
Vấn đề tiếp nhận xử lý: trong trường hợp một chi nhánh ngân hàng nước ngoài gặp sự cố tại quốc gia đang hoạt động kinh doanh (host-country - quốc gia sở tại), vai trò và trách nhiệm của Mạng an toàn tài chính và các bên có liên quan tại quốc gia ngân hàng mẹ của chi nhánh đó đặt Trụ sở chính (home-country - quốc gia gốc) như thế nào trong việc tiếp nhận xử lý? Các cơ quan tham gia Mạng an toàn tài chính cần giải quyết hiệu quả vấn đề trên nhằm bảo vệ tốt nhất người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính tại các quốc gia.
Giải quyết mâu thuẫn của hệ thống pháp lý khác nhau: hệ thống pháp lý về giải quyết phá sản, thanh lý ngân hàng khác nhau tại các quốc gia là một trong những vấn đề lớn trong việc tiếp nhận xử lý các ngân hàng xuyên quốc gia. Ví dụ, tại một số quốc gia, hệ thống luật pháp không đặt ra quyền ưu tiên trả trước đối với bất kỳ chủ nợ nào của ngân hàng. Tại một số quốc gia khác, tổ chức BHTG hoặc chủ nợ là NHTW có quyền ưu tiên trả nợ trước. Điều này gây mâu thuẫn quyền lợi và đặt ra vấn đề trong trường hợp đổ vỡ xảy ra, chủ nợ nội địa và chủ nợ nước ngoài có được đối xử bình đẳng với nhau không?
Chia sẻ chi phí xử lý đổ vỡ: khi khó khăn xảy ra với ngân hàng nội địa, NHTW và/hoặc tổ chức BHTG sẽ thực hiện hỗ trợ tài chính, tiếp nhận xử lý hoặc chi trả cho người gửi tiền nhằm duy trì ổn định tài chính và bảo vệ người gửi tiền. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để thu hồi được khoản tiền tổ chức BHTG đã chi trả trong trường hợp Chi nhánh NH nước ngoài đổ vỡ, trách nhiệm của chủ nợ ở đâu? Để giải quyết được vấn đề này, trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan cần được quy định cụ thể trong các văn bản luật của từng quốc gia.
Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ, trong đó, vấn đề nghiệp vụ ngân hàng xuyên biên giới đã và đang phát triển, đòi hỏi các thành viên tham gia Mạng an toàn tài chính quốc gia có giải pháp quản lý hữu hiệu. Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác chia sẻ thông tin giám sát với 6 quốc gia, đang đàm phán ký với 03 quốc gia khác và dự kiến sẽ ký với khoảng 20 quốc gia.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động góp phần đảm bảo an toàn an toàn hệ thống tài chính, BHTGVN đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với BHTG Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Đáng chú ý, đây là những Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên được ký kết giữa các tổ chức BHTG, thể hiện nhận thức nghiêm túc và bước đi chủ động của BHTGVN. Mặc dù thỏa thuận hợp tác dừng lại ở cam kết hỗ trợ đào tạo và trao đổi kinh nghiệm nhưng DIV hy vọng đây là cơ sở cho việc triển khai hợp tác sâu rộng hơn, đặc biệt trong công tác giám sát trong thời gian tới.
Trong thời đại toàn cầu hóa, người dân có quyền được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại do các tập đoàn ngân hàng đa quốc gia cung cấp. Về phía mình, các cơ quan tham gia Mạng an toàn tài chính cần được trao đầy đủ cơ sở pháp lý và công cụ hiệu quả nhằm giám sát, hạn chế tối đa các khía cạnh tiêu cực của nghiệp vụ ngân hàng xuyên quốc gia.
Đặng Duy Cường