Theo quy định của pháp luật trước đây thì mức phí BHTG được tính là 0,15%/năm trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm, áp dụng đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG mà không có sự phân biệt về quy mô, hình thức sở hữu của tổ chức tham gia BHTG đó.
Việt Nam đã áp dụng thành công phí BHTG đồng hạng trong những năm đầu triển khai hoạt động BHTG. Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập quốc tế, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng và nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN, phí BHTG đồng hạng đã không còn phù hợp. Luật BHTG có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 đã khắc phục được hạn chế trong cách tính phí đồng hạng; đồng thời giảm thiểu rủi ro, tăng tính minh bạch và góp phần tăng cường ổn định an toàn đối với hệ thống tài chính quốc gia.
Điều 20 Luật BHTG giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Căn cứ vào khung phí này, NHNN quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này. Đây là một trong những điểm mới cơ bản của Luật BHTG và hoàn toàn phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường.
Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức tham gia BHTG nào có mức rủi ro cao thì đóng phí cao và ngược lại. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế công tác giám sát, kiểm tra tại các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), chúng tôi xin đưa ra một vài kiến nghị đối với việc tính và thu phí đối với hệ thống QTDND cơ sở như sau:
- Thứ nhất, hoạt động của hệ thống QTDND cơ sở gặp nhiều khó khăn hơn loại hình các TCTD khác do quy mô nhỏ, trình độ cán bộ hạn chế, phạm vi hoạt động chủ yếu trên địa bàn nông nghiệp nông thôn, sản phẩm dịch vụ đơn điệu nên khó có thể cạnh tranh và không có nhiều nguồn thu như các TCTD khác.
QTDND là loại hình TCTD hợp tác hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, thực hiện mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, nhằm phát huy sức mạnh của tập thể và của từng thành viên giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống.
Đến nay sau gần 20 năm triển khai thực hiện, hệ thống QTDND không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, khẳng định được vai trò tích cực trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn. Những kết quả đạt được đã khẳng định QTDND là một mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ngân hàng được xây dựng và phát triển thành công tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống QTDND cũng tồn tại một số khó khăn nhất định. Có thể nói, QTDND là loại hình TCTD thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro và cũng dễ xảy ra đổ vỡ hơn so với các loại hình TCTD khác. Nguyên nhân chủ yếu vì hoạt động chính của QTDND là huy động vốn để cho vay đối với các thành viên ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, là nơi mặt bằng kinh tế còn thấp, sản xuất và kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro do phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan từ thời vụ, thiên tai… Trong khi đó, quy mô hoạt động và năng lực tài chính của các QTDND thường nhỏ, trình độ của đội ngũ cán bộ còn yếu, đồng thời khả năng “miễn dịch”, tự bảo vệ của mỗi QTDND còn rất hạn chế. Vì vậy, khi một QTDND gặp khó khăn nếu không có giải pháp xử lý kịp thời thì khả năng xảy ra đổ vỡ dây chuyền đối với các QTDND khác trong hệ thống là khó tránh khỏi.
Mặt khác, tuy thị phần của các QTDND chiếm một tỷ trọng không lớn so với toàn bộ hệ thống các TCTD nhưng xét về số lượng khách hàng, thành viên thì rất đông đảo và đa số thuộc tầng lớp dân nghèo, sản xuất kinh doanh nhỏ, rất dễ bị tổn thương bởi hậu quả do sự đổ vỡ QTDND gây ra. Do đó, việc xảy ra đổ vỡ nếu có trong hoạt động của các QTDND sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định, an ninh, chính trị xã hội và kinh tế của bất kỳ một quốc gia nào.
Bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND cơ sở cũng như đối với tình hình kinh tế xã hội là vấn đề đặt ra cần sớm được giải quyết đối với các nhà quản lý điều hành hoạt động ngân hàng cũng như đối với toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang có chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế cũng như cơ cấu lại hoạt động của hệ thống ngân hàng.
- Thứ hai, số phí thực nộp của hệ thống QTDND cho BHTGVN là rất nhỏ so với tổng số phí thực nộp của các tổ chức tham gia BHTG nên việc tính phí theo cơ chế riêng phù hợp với hệ thống QTDND cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu của tổ chức BHTG.
Năm 2012 BHTGVN thu phí BHTG của 1.229 tổ chức tham gia BHTG với tổng số phí thực nộp hơn 2.057 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.129 QTDND cơ sở với tổng số phí thực nộp hơn 49 tỷ đồng. Số liệu trên cho thấy mặc dù chiếm 91,8% số lượng các tổ chức tham gia BHTG nhưng số phí thực nộp của toàn hệ thống QTDND chỉ chiếm 2,4% tổng số phí thực nộp thu được của BHTGVN. (*)
- Thứ ba, bên cạnh phí BHTG, từ năm 2003 NHNN đã thành lập thí điểm Quỹ an toàn hệ thống đối với hệ thống QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình và tiến tới sẽ triển khai nhân rộng trên phạm vi cả nước. Việc hệ thống QTDND phải đóng góp cả hai loại phí này làm tăng chi phí, gây áp lực lên tình hình tài chính vốn rất khiêm nhường của họ.
Với những cố gắng nỗ lực trong quá trình thành lập Ngân hàng Hợp tác xã để hỗ trợ hệ thống QTDND cơ sở phát triển an toàn hiệu quả và những lý do khách quan đã nêu trên, thiết nghĩ trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG, nên chăng có mức phí áp dụng phù hợp đối với hệ thống QTDND cơ sở, giảm bớt gánh nặng chi phí giúp phát triển hệ thống QTDND cơ sở, tạo điều kiện cho các tổ chức này tiếp tục phát huy thế mạnh, hạn chế cho vay nặng lãi, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
Nếu được hỗ trợ, tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của NHNN cùng các cơ quan quản lý, sự đồng tình, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và BHTGVN chắc chắn hệ thống QTDND sẽ có được tiền đề vững chắc để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
(*): Nguồn số liệu từ phòng Kiểm soát và kiểm toán nội bộ BHTG Việt Nam.