Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí chỉ rõ: Công tác tư tưởng là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ; có vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; làm cho hệ tư tưởng của Đảng, những giá trị tốt đẹp truyền thống, những tinh hoa văn hóa nhân loại chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.
Công tác tư tưởng của Đảng là hoạt động của Đảng trong việc xác lập, phát triển, truyền bá hệ tư tưởng; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhằm tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; cổ vũ, động viên tinh thần sáng tạo cách mạng của nhân dân; đấu tranh chống các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người mới xã hội chủ nghĩa; quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Vai trò của công tác tư tưởng thể hiện qua các phương diện: xác lập, truyền bá và phát triển hệ tư tưởng của Đảng; góp phần xây dựng, hoàn thiện và quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, nâng cao kiến thức, trình độ trí tuệ, bồi dưỡng ý chí, tình cảm, lối sống tốt đẹp cho con người Việt Nam. Công tác tư tưởng là một phương thức thực hiện sự đồng thuận và dân chủ xã hội chủ nghĩa; là vũ khí sắc bén tấn công lại sự phá hoại của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận văn hóa. Công tác tư tưởng góp phần trực tiếp vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và là phương thức quan trọng để thiết lập, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.
Thực tiễn cách mạng của Đảng ta chỉ rõ, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, công tác tư tưởng cũng luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong các mặt công tác của Đảng. Công tác tư tưởng, xét về bản chất là hoạt động lãnh đạo của Đảng. Bởi, không thể có quyết định lãnh đạo đúng nếu không có cơ sở lý luận đúng; không thể có hoạt động lãnh đạo hiệu quả, nếu Đảng không thực hiện tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng. Hơn nữa, lãnh đạo chính là giác ngộ, tổ chức, chỉ đường, dẫn lối cho quần chúng tin tưởng và làm theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Kế thừa những quan điểm của các đại hội trước, bám sát tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng đã làm rõ hơn vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng trên những phương diện cơ bản sau:Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách. Thực hiện nghiêm Quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân. Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận. Từng bước đưa hoạt động trao đổi lý luận của Đảng ta với một số đảng cầm quyền, đảng tham chính ở một số nước đi vào chiều sâu, hiệu quả. Đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; có chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm thu hút, trọng dụng các chuyên gia đầu ngành.
Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Để nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy đảng các cấp, đặc biệt Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác tư tưởng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng.
Nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị, đặc biệt là của các cấp ủy, chi bộ đảng và người đứng đầu các tổ chức đảng về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách. Cần làm cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng thấy rõ: Không làm tốt công tác tư tưởng, không nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng cho cán bộ, đảng viên và người lao động thì không thể có sự đồng thuận, nhất trí cao trong tư tưởng và hành động, do đó cũng không thể có những thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng.
Cần đề cao trách nhiệm, xây dựng và thực hiện quy chế công tác tư tưởng trong Đảng, từ cấp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến cơ sở. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp làm công tác tư tưởng, chịu trách nhiệm về chất lượng công tác tư tưởng của cấp ủy, cơ quan đơn vị mình.
Xây dựng và thực hiện cơ chế tiếp xúc, đối thoại với người lao động, trong đó có sự phối hợp giải quyết những vấn đề tư tưởng bức xúc của người lao động, giữa cấp ủy đảng và cấp chính quyền tại đơn vị.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả của các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là công tác tuyên truyền miệng phù hợp với trình độ, nhu cầu của các đối tượng.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức tiến hành công tác tư tưởng.
Công tác tư tưởng góp phần trực tiếp và thiết thực trong việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong toàn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Do vậy, nội dung công tác tư tưởng phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng bộ, nhiệm vụ chính trị của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa doanh nghiệp của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; tìm những giá trị đồng thuận cao, phù hợp với các đối tượng trong Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Công tác tư tưởng cần tập trung vào những thắc mắc, bức xúc nhất của người lao động trong từng giai đoạn. Cần phân nhóm đối tượng để có nội dung, hình thức, kênh tuyên truyền phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng nhóm. Lãnh đạo các cấp trong Đảng bộ cần trực tiếp nghiên cứu nghị quyết để xác định những nội dung liên quan đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị và trực tiếp triển khai cho đảng viên và phổ biến cho người lao động ở cấp mình.
Thực hiện mở rộng thông tin, bảo đảm quyền được thông tin của cán bộ, đảng viên và người lao động. Thông tin kịp thời có định hướng là rất quan trọng để nâng cao dân trí, hướng dẫn dư luận, giáo dục chính trị - tư tưởng, chủ động ngăn chặn và đấu tranh với những luồng thông tin sai lệch, xuyên tạc. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đồng thời xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách, tăng cường đầu tư cơ sở vất chất - kỹ thuật cho công tác tư tưởng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của hoạt động tư tưởng trước những đòi hỏi mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng và các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền, chất lượng công tác tư tưởng được quyết định bởi phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách trên mặt trận tư tưởng. Đồng thời, cần có sự đầu tư kinh phí và phương tiện kỹ thuật thỏa đáng cho công tác tư tưởng.
Lĩnh vực công tác tư tưởng thường đòi hỏi cán bộ chuyên trách phải có những khả năng nhất định, do đó công tác đào tạo, bồi dưỡng thường khó khăn, phức tạp, mất nhiều công sức mới có cán bộ giỏi; cần có chính sách sử dụng hợp lý để phát huy hết năng lực của đội ngũ cán bộ này.
Bốn là, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực hiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng; đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là những chuyên gia đầu ngành; nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng.
Sáu là, triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch.
Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì và thường xuyên. Đây không phải là mặt trận có giới tuyến địch - ta rõ ràng, cũng không thể đánh thắng kẻ địch chỉ bằng những đội quân thường trực chính quy và không thể đánh thắng địch chỉ trong một thời gian nhất định. Cần nhận biết âm mưu, thủ đoạn của địch, tiến hành cuộc đấu tranh kiên trì, chủ động; dùng tư tưởng, lý luận cách mạng đánh bại tư tưởng, lý luận phản động; dùng chính nghĩa và sự thật đánh bại sự xuyên tạc, vu cáo; dùng sức của toàn bộ hệ thống chính trị của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để đánh bại các thế lực thù địch. Đó là biện pháp đúng đắn, hiệu quả trên mặt trận chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến” hiện nay.
Bảy là, xây dựng và thực hiện chiến lược, các kế hoạch cụ thể về phát triển văn học - nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng giáo dục sâu sắc.
Văn học - nghệ thuật là một loại hình hoạt động chủ yếu của công tác văn hóa - văn nghệ, có vai trò to lớn trong giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục đạo đức và thẩm mỹ cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, để văn học - nghệ thuật phát huy được vai trò đó cần xây dựng chiến lược phát triển cũng như kế hoạch cụ thể qua hàng năm, nhằm tạo ra những tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng cũng như về nghệ thuật. Thiếu vắng những tác phẩm văn học - nghệ thuật xứng với tầm vóc của sự nghiệp cách mạng, của dân tộc và nhân dân là nỗi trăn trở, bức xúc của người sáng tác và công chúng yêu văn học - nghệ thuật nước nhà. Phải tiến tới nền văn học - nghệ thuật do người Việt Nam sáng tác đáp ứng những nhu cầu cơ bản về đời sống tinh thần của nhân dân ta, đồng thời có sức lan tỏa, ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ trong công đồng quốc tế.