Trong quá trình phát triển, nguồn vốn của FDIC được xây dựng trên cơ sở xem xét các rủi ro để quyết định quy mô thích hợp của quỹ BHTG và số phí mà các ngân hàng phải đóng. Đây cũng là kinh nghiệm mà FDIC rút ra từ các cuộc khủng hoảng trước đây, nhờ thẩm quyền của FDIC trong việc quản lý hệ thống BHTG được tăng cường, cũng như việc phân tích hiệu quả hơn các yêu cầu về vốn.
Cơ chế cấp vốn trước
Cấp vốn trước giúp chi trả cho người gửi tiền nhanh chóng hơn, tránh gây ra mất an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, cơ chế này còn giúp tổ chức BHTG chủ động trong việc tính toán chi phí chi trả cho người gửi tiền nếu xảy ra đổ vỡ, qua đó có thể đề xuất tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp nếu nguồn quỹ không đủ cho chi trả.
Ngay từ khi thành lập, cơ chế BHTG của Mỹ đã là một cơ chế BHTG công khai, với quy định về việc cấp vốn trước và từ nguồn đóng góp của hệ thống ngân hàng. Từ năm 1993, FDIC chuyển sang hệ thống tính phí theo mức độ rủi ro do việc áp dụng mức phí đồng hạng đã gây ra rủi ro đạo đức. Từ 1/4/2011 đến nay, hệ thống các tổ chức thành viên được chia thành 2 nhóm để tính phí, bao gồm: các tổ chức được thành lập từ 5 năm trở lên, và các tổ chức mới được thành lập dưới 5 năm. Rủi ro của nhóm đầu tiên được chia làm 4 mức là: rủi ro cấp 1, cấp 2, cấp 3, và các tổ chức lớn, phức tạp. Trong khi đó, rủi ro của nhóm thứ 2 chỉ được chia làm 3 mức.
Quỹ mục tiêu
Giai đoạn từ khi thành lập đến năm 1989: Trong 54 năm hoạt động đầu tiên, cho đến năm 1989, FDIC không xác định quy mô quỹ mục tiêu. Tỷ lệ phí hiệu quả được luật quy định, và quỹ của FDIC được cho phép tăng đến độ mà mức thu cao hơn mức chi. Giai đoạn này cũng là lúc kinh tế ổn định và ít xảy ra đổ vỡ ngân hàng, do đó việc đảm bảo đủ vốn cho quỹ BHTG không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi từ cuối những năm 1980, nước Mỹ đã trải qua suy thoái trầm trọng khiến một loạt ngân hàng bị đổ vỡ. Để giải quyết vấn đề về quỹ BHTG sau khi phải chi trả, lần đầu tiên vào năm 1989, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu phải đặt ra quy mô quỹ mục tiêu, theo hình thức Tỷ lệ dự trữ xác định (Designated Reserve Ratio, hay gọi tắt là DRR), bằng 1,25% tổng số dư tiền gửi ước tính.
Đến năm 1991, Quốc hội Mỹ một lần nữa thông qua một quy định yêu cầu FDIC, nếu quỹ BHTG thấp hơn mức 1,25%, sẽ phải đưa nguồn quỹ về mức 1,25% trong vòng 1 năm hoặc tính phí tối thiểu 23 điểm cơ bản trên tiền gửi của người gửi tiền trong nước.
Tuy nhiên, mục tiêu đạt 1,25% trở nên khó thực hiện hơn vào năm 1996. Khi tỷ lệ quỹ cao hơn mức mục tiêu trên, FDIC không được tính phí đối với các ngân hàng có mức đủ vốn và quản lý tốt. Do đó, FDIC hầu như không có khả năng điều chỉnh tăng hay giảm quy mô của quỹ.
Từ 2006 đến nay: Ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2009, Quốc hội Mỹ đưa ra biên độ dao động từ 1,15% - 1,5%. Mặc dù sự thay đổi này đã giúp khắc phục được vấn đề kể trên, nhưng FDIC vẫn được yêu cầu phải trả lại cho hệ thống ngân hàng số tiền vượt mức 1,5% gồm cả lãi . Sau khủng hoảng, quỹ BHTG của Mỹ một lần nữa lại bị thâm hụt. Do đó, theo Luật Dodd-Frank năm 2010, tỷ lệ quỹ mục tiêu tối thiểu được tăng lên mức 1,35% và mức trần 1,5% được bãi bỏ. Hiện nay, FDIC đã được trao thêm thẩm quyền định ra quy mô quỹ mục tiêu và tính phí để đạt được quy mô này. FDIC xây dựng nhiều cách thức để ước tính quy mô quỹ hợp lý.
Cấp vốn khẩn cấp
Giống như một số tổ chức BHTG khác trên thế giới, FDIC cũng được cấp tín dụng dự phòng từ Bộ Tài chính. FDIC có quyền vay vốn hoạt động từ Ngân hàng cấp vốn Liên bang (Federal Financing Bank) - cơ quan Chính phủ chịu sự giám sát của Bộ trưởng Tài chính Mỹ. FDIC có quyền vay tới 100 tỷ USD để bù đắp thua lỗ. Đồng thời, theo luật định, các tổ chức thành viên của FDIC phải hoàn trả vào quỹ của FDIC tiền vay từ Bộ Tài chính trong thời hạn vài năm. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn cho vay phải đi cùng với những giới hạn tín dụng và yêu cầu về lãi suất.
Năm 1990, FDIC được quyền vay vốn hoạt động do quỹ của FDIC đã phải dùng để mua các tài sản không có tính thanh khoản từ các ngân hàng đổ vỡ. Số tiền vay lên tới 10 tỷ USD và đã được trả lại toàn bộ sau 2 năm từ tiền thanh lý các tài sản của các ngân hàng đổ vỡ.
Đến năm 2009, FDIC tuy phải đối mặt với tình trạng đổ vỡ ngân hàng nhưng lại lựa chọn không phụ thuộc vào nguồn tín dụng này, FDIC đã yêu cầu tất cả các ngân hàng phải trả phí trước 3 năm. Tuy đây là một cách thức chưa từng có tiền lệ nhưng đã giúp cung cấp thanh khoản cho quỹ BHTG của Mỹ và được xem là cách thức thành công đáp ứng nhu cầu vốn khẩn cấp mà không cần đến sự trợ giúp từ Chính phủ.
Có thể nói, những cải cách thành công của Mỹ đối với cơ chế cấp vốn, đặc biệt trong và sau giai đoạn khủng hoảng tài chính càng khẳng định vai trò của FDIC nói riêng và tổ chức BHTG trong việc đảm bảo niềm tin của người gửi tiền, đóng góp vào sự ổn định tài chính nói chung. Từ kinh nghiệm của FDIC, có thể thấy rằng tổ chức BHTG cần được pháp luật trao quyền hạn và nguồn lực phù hợp để đạt được mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG hiệu quả, đồng thời giúp giảm thiểu việc sử dụng ngân sách Nhà nước, góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế nói chung, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế bất ổn.