Những năm qua, QTDND là kênh dẫn vốn hữu hiệu, chính thống cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân; đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, khó được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, xóa đói giảm nghèo. Khi nhu cầu vốn cho nền kinh tế ngày càng tăng, mức độ tăng trưởng tín dụng cũng tăng lên, kéo theo sự gia tăng rủi ro tín dụng.
Theo khoản 6 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 và Luật các TCTD sửa đổi bổ sung 2017 quy định: “ QTDND là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống”.
Qua công tác kiểm tra trực tiếp tại một số QTDND theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2023 của Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên cho thấy, các đơn vị thực hiện tuân thủ các quy định của NHNN. Tuy nhiên, hoạt động cho vay vẫn còn một số tồn tại về nguyên tắc vay vốn; thẩm định, quyết định cho vay; hồ sơ vay vốn; tài sản đảm bảo tiền vay; về kiểm tra, giám sát vốn vay...; dẫn đến rủi ro cho QTDND trong quá trình hoạt động, có thể kể đến một số nội dung sau:
Về thẩm định, quyết định cho vay, công tác thẩm định ở một số quỹ còn sơ sài, chưa đúng quy định. Có trường hợp khách hàng vừa là người vay vừa là chủ sở hữu tài sản đảm bảo đã cao tuổi, quá tuổi lao động, nhưng thẩm định chưa đánh giá được rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc trả nợ và xử lý tài sản đảm bảo.
Về hồ sơ vay vốn, QTDND hoạt động tại địa bàn nông thôn, đa số khách hàng vay vốn sinh hoạt đời sống và phát triển dịch vụ nhỏ lẻ nên việc cung cấp các tài liệu để đủ bộ hồ sơ vay vốn và sử dụng vốn vay còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, có QTDND lưu trữ bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của khách hàng tại kho tiền, nhưng một số tài liệu quan trọng khác liên quan đến tài sản đảm bảo như Hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo được đơn vị lưu trữ chung với hồ sơ tín dụng của khách hàng, điều này tiềm ẩn rủi ro hư hỏng, mất mát các tài liệu liên quan đến tài sản đảm bảo dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng.
Về tài sản đảm bảo tiền vay, QTDND cho vay áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay là thế chấp quyền sử dụng đất hoặc/và tài sản gắn liền với đất nhưng hồ sơ tài sản đảm bảo không đầy đủ hoặc không đúng quy định của pháp luật, như: Cho vay thế chấp tài sản là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng không thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm; nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng trên đất khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và sở hữu công trình xây dựng trên đất nếu các khoản vay bị rủi ro, phải xử lý tài sản đảm bảo hoặc khởi kiện ra tòa án thì rất khó khăn, bất lợi cho QTDND.
Việc kiểm tra, giám sát vốn vay ở một số QTDND chưa thực hiện triệt để, đúng quy trình kiểm tra giám sát vốn vay, không thường xuyên và lỏng lẻo dễ dẫn đến phát hiện và xử lý không kịp thời những trường hợp vi phạm, lợi dụng trong hoạt động cho vay; chưa phát hiện được để có biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng có dấu hiệu suy giảm tài chính ảnh hưởng khả năng trả nợ nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cán bộ của QTDND, nhất là cán bộ tín dụng, người trực tiếp giao dịch với khách hàng, nắm bắt đặc điểm cũng như chất lượng khách hàng, khoản vay, đòi hỏi cán bộ phải có kiến thức về tài chính ngân hàng, kinh nghiệm làm việc, khả năng phân tích, dự báo cũng như các quy định pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, rủi ro đạo đức cũng sẽ dễ xảy ra một khi cán bộ tín dụng hoặc lãnh đạo QTDND có quan hệ lợi ích với khách hàng.
Một trong những quy định tại Điều 84 Luật các TCTD 2010 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Kiểm soát là: “Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên, nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và thành viên ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân”. Hiện nay, các QTDND đều có Ban Kiểm soát (trong đó có cán bộ kiểm soát viên chuyên trách và kiểm soát không chuyên trách), tuy nhiên vai trò của cán bộ kiểm soát còn mờ nhạt, rà soát hoạt động thông thường, lập báo cáo định kỳ mà chưa đưa ra được nhiều cảnh báo hữu ích kiểm soát đối với hoạt động của QTDND.
Đồng thời, địa bàn hoạt động của QTDND ở vùng nông nghiệp, nông thôn nên mục đích sử dụng vốn vay chủ yếu của khách hàng là để sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; kinh doanh, dịch vụ còn nhỏ lẻ … khi có thiên tai, bão lụt, mất mùa và dịch bệnh xảy ra những rủi ro sẽ dẫn đến nợ xấu phát sinh là rất lớn.
Để góp phần phát triển an toàn, hiệu quả hoạt động của QTDND, xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Thực hiện đúng các quy định về hoạt động cho vay theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN và các văn bản khác có liên quan;
Trong quá trình cho vay, phải đặt mục tiêu an toàn lên trên hết, có đề xuất hợp lý nhằm hạn chế rủi ro và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Hiện nay, tài sản đảm bảo vẫn là nguồn trả nợ chính thứ hai nên việc thẩm định kỹ tài sản đảm bảo sẽ giúp ích rất nhiều trong xử lý tài sản một khi khách hàng không trả được nợ, nên việc định giá phải thật chính xác, áp dụng phương pháp định giá hiệu quả; cũng như việc soạn thảo, ký kết và thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý cần thiết như công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo trước khi cho vay.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay và biến động tài sản đảm bảo của các khoản vay áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay là thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng hồ sơ tài sản đảm bảo không đầy đủ hoặc chưa đúng quy định của pháp luật.
Để người dân nhận thức một cách đầy đủ đúng đắn về QTDND là loại hình TCTD kinh tế tập thể, cần có biện pháp phổ biến tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức giúp cho người dân hiểu rõ, hiểu đúng về bản chất của mô hình này
Tăng cường vai trò của Ban kiểm soát trong việc kiểm soát hoạt động của đơn vị, nhằm phát hiện kịp thời những tồn tại, hạn chế và có ý kiến để đơn vị điều chỉnh, xử lý kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tuyển dụng CBVC làm việc có chuyên môn nghiệp vụ, có chính sách tuyển dụng, đãi ngộ tốt nhằm thu hút được nhân sự giỏi gắn bó lâu dài với QTDND; tạo điều kiện tối đa cho CBVC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môm nghiệp vụ, kỹ năng quản lý…
Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Phi Mai - Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Tài liệu tham khảo
- Luật các TCTD 2010 và Luật các TCTD sửa đổi bổ sung 2017;
- Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của NHNN;
- Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của NHNN;
- Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN.