Hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ được quy định tại các văn bản pháp quy như Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 9/3/2005 về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam, Nghị định số 165/2007/NĐ-CP ngày 15/11/2007 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều Nghị định số 28 nói trên, Thông tư số 02/2008/TT-NHNN ngày 2/4/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 28 và Nghị định số 165 nói trên, Thông tư số 07/2009/TT-NHNN ngày 17/4/2009 quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ, Luật Doanh nghiệp năm 1997, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 và các văn bản pháp quy khác. Theo đó, tổ chức tài chính quy mô nhỏ là tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, với chức năng chủ yếu là sử dụng vốn tự có, vốn vay và nhận tiết kiệm để cung cấp một số dịch vụ tài chính, ngân hàng nhỏ, đơn giản cho các hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ chỉ được phép thực hiện các hoạt động bằng đồng Việt Nam. Đối với những tổ chức tài chính quy mô nhỏ nhận tiết kiệm tự nguyện phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) theo quy định của pháp luật. Đó là những quy định pháp luật về hoạt động cơ bản của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
Cụ thể gần đây, chúng ta được biết đến Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV tình thương (TYM) được ngân hàng nhà nước cấp giấy phép và hoạt động tại Việt Nam tháng 10/2010 với chức năng chủ yếu là sử dụng vốn tự có, vốn huy động (TYM được huy động vốn của cá nhân bắt buộc và tự nguyện) để hỗ trợ những phụ nữ có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn.
TYM là tổ chức tài chính quy mô nhỏ được ra đời trong bối cảnh: Năm 1989 Ban chấp hành trung ương Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam phát động cuộc vận động “phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” với 5 nội dung cụ thể, trong đó giúp nhau vốn sản xuất kinh doanh. Đây là mục tiêu chính trong chương trình tín dụng của hội. Trong giai đoạn này, nhiều tổ chức phi chính phủ đã lồng ghép hoạt động tín dụng - tiết kiệm vào các dự án phát triển và coi đó như một bộ phận quan trọng bảo đảm tính bền vững của chương trình, là một công cụ hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo. Dự án do tổ chức SIDA Thụy Điển, UNFPA tài trợ là một trong những dự án như thế. Tuy nhiên để tiến tới một quy mô hoạt động hiệu quả, sâu rộng và bền vững hơn, cuối năm 1991 với sự giúp đỡ tận tình của cố vấn tín dụng FAO - tiến sỹ Jame Stole B Aris Alip, Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng dự án tín dụng “Quỹ Tình Thương” nhằm hỗ trợ vốn cho nhóm phụ nữ nghèo và nghèo nhất theo phương pháp tiếp cận kiểu ngân hàng Grameen - Bangladesh.
Ngày 7/01/1992, bà Nguyễn Thị Thân - Tổng thư ký Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ký quyết định số 11/QĐ về thực hiện Dự án Quỹ Tình Thương và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động thử nghiệm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngày 20/2/1992, Chính phủ đã ban hành văn bản số 563/KTĐN cho phép Hội thực thi dự án trên các vùng miền nghèo.
Quỹ Tình Thương ra đời với tên giao dịch quốc tế là “Tau Yeu May” hay còn gọi là TYM. Hoạt động chính của TYM là hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo tăng thu nhập, phát triển sản xuất, dịch vụ đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức về khuyến nông, về giới, sức khỏe sinh sản, phòng chống tệ nạn xã hội… Năm 2006 được coi là năm bản lề trong quá trình phát triển của TYM khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quyết định chuyển Quỹ Tình Thương thành đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động vì mục đích xã hội phi lợi nhuận. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng của cả tập thể cán bộ Quỹ Tình Thương trong suốt 8 năm. Bước chuyển đổi này tạo điều kiện để TYM có thể tiếp cận với nguồn vốn trong và ngoài nước nhằm mở rộng hoạt động phục vụ thêm nhiều phụ nữ nghèo.
Chính bước chuyển đổi này đã giúp TYM phát triển nhanh chóng. Tính đến cuối tháng 5/2012, TYM đã triển khai hoạt động trên 10 tỉnh thành của cả nước với 45 chi nhánh/phòng giao dịch, 74.938 thành viên với tổng số vốn phát ra gần 1756,9 tỷ đồng, dư nợ vốn đạt trên 426,3 tỷ đồng. Tỷ lệ hoàn trả luôn đạt trên 99,9%. Số tiền tiết kiệm huy động được từ thành viên là 20,9 tỷ đồng. Số cán bộ tính đến thời điểm này là 348 cán bộ.Trong quá trình hoạt động,với tầm nhìn là trở thành tổ chức tài chính vi mô tốt nhất ở Việt Nam thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô bền vững và hiệu quả cho những phụ nữ người nghèo với đội ngũ cán bộ có chuyên môn, tâm huyết nhằm thực hiện trách nhiệm xóa đói giảm nghèo, TYM đã hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao cuộc sống cho phụ nữ có thu nhập thấp, đặc biệt phụ nữ nghèo. Các thành viên của TYM luôn được trau dồi đào tạo kiến thức, kĩ năng đào tạo nâng cao kiến thức kinh doanh và quản lí doanh nghiệp nhỏ cho thành viên; dạy xóa mù chữ…và tổ chức hoạt động cộng đồng. Chính vì vậy,TYM đã giúp nhiều chị em phụ nữ vượt qua khó khăn, có cơ hội làm giàu. Một tấm gương điển hình từ một người thu mua phế liệu - chị Dương Thị Tuyết (Nam Định)- trở thành nữ doanh nhân được giải thưởng Tài chính vi mô quốc tế. Chị là một trong những thành viên tiêu biểu của TYM được vinh danh “Doanh nhân vi mô tiêu biểu năm 2008”. Một bất ngờ lớn, năm 2011, được TYM giới thiệu, chị đã trở thành 1 trong 6 doanh nhân vi mô trên toàn cầu (là doanh nhân vi mô duy nhất của Việt Nam) được nhận Giải thưởng Tài chính vi mô quốc tế do tổ chức Planet Finance thực hiện nhằm vinh danh các doanh nhân vi mô có thành tích sử dụng vốn hiệu quả trong quá trình tham gia các hoạt động tài chính vi mô. Chị là một thành viên của quỹ TYM đã sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả để phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình. Tham gia quỹ TYM là một hoạt động có ý nghĩa, giúp cải thiện biết bao cuộc sống con người, thay đổi bao số phận.
Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã trao giấy phép thành lập và hoạt động tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn M7 (M7MFI) tháng 1/2012 với sự chứng kiến của đại diện văn phòng Ngân hàng phát triển Châu Á(ADB) tại Việt Nam cùng hội đồng thành viên, tổng giám đốc M7MFI. M7MFI mới chính thức hoạt động sau một năm được NHNN cấp giấy phép. M7MFI được thành lập và hoạt động trên cơ sở chuyển đổi hoạt động tài chính vi mô của 3 quỹ xã hội (Quỹ hỗ trợ phụ nữ miền núi phát triển Mai Sơn, Quỹ khuyến khích phụ nữ phát triển thị xã Uông Bí, Quỹ hỗ trợ phụ nữ Đông Triều) hoạt động tại 2 tỉnh địa bàn: Sơn La và Quảng Ninh. Ba tổ chức này hoạt động tại 38 xã phường thuộc 3 huyện thị xã của hai tỉnh Sơn La, Quảng Ninh, hỗ trợ tín dụng thành công cho 37.278 thành viên là phụ nữ nghèo và người có thu nhập thấp; góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo quốc gia và góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ. Đây là tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010 để hỗ trợ phụ nữ và nhóm dân tộc thiểu số có thu nhập thấp và hoàn cảnh kinh tế khó khăn. M7MFI được thực hiện các hoạt động như: huy động vốn của cá nhân bắt buộc và tự nguyện, cấp tín dụng, mở tài khoản và hoạt động khác. Số khách hàng tham gia vay vốn, gửi tiết kiệm đang được tăng lên liên tục và đạt trên 21.000 khách. Tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được trong việc đưa dịch vụ ngân hàng đến với người nghèo, đến với đồng bào dân tộc khó khăn, M7MFI được kì vọng là một trong các tổ chức đi đầu trong việc phát triển ngành tài chính vi mô bền vững tại Việt Nam.
Tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) có vai trò quan trọng trong việc phát triển đời sống của nước ta , một đất nước vẫn còn nghèo nàn và lạc hậu. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của nhóm công tác tổ chức vi mô về mức độ bền vững của các TCTCVM tại Việt Nam,có tới trên 90% đối tượng khảo sát cho biết họ hài lòng khi vay tại TCTCVM vì sự thuận tiện và phù hợp; 95,3% người được hỏi cho biết muốn tiếp tục vay tổ chức này. Những con số ấy dù chưa nói lên tất cả nhưng cho thấy phần nào nhu cầu rất lớn của nhiều người dân nghèo từ nguồn vốn vay của các TCTCVM.
TCTCVM là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đó giảm nghèo, xây dựng một quốc gia bền vững. Việc xây dựng và phát triển ngành tài chính vi mô bền vững sẽ tạo kênh dẫn vốn và mang dịch vụ ngân hàng khác như: tiết kiệm, chuyển tiền tới người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp vi mô- những đối tượng khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Luật tổ chức tín dụng năm 2010 cũng đã chính thức công nhận TCTCVM là một trong các loại hình tổ chức tín dụng dưới sự quản lí, giám sát của Ngân hàng Nhà Nước. Theo đó, TCTCVM là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ. Như vậy, việc chính thức hóa hoạt động tài chính vi mô sẽ giúp các tổ chức này có vị thế pháp lí rõ ràng, có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn trong và ngoài nước, nâng cao năng lực tài chính và mở rộng phạm vi hoạt động. Đồng thời, việc gia nhập các TCTCVM vào hệ thống tài chính ngân hàng chính thức cũng đòi hỏi bản thân các TCTCVM phải xây dựng chiến lược hoạt động rõ ràng và hết sức nỗ lực để nâng cao năng lực quản lí, điều hành nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra với một tổ chức tín dụng chuyên nghiệp.
Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 và Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi cũng quy định tại Điều 4 “Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô”. Như vậy, trước mắt theo quy định của các văn bản pháp quy thì hai tổ chức tài chính vi mô TYM và M7MFI là đối tượng phải tham gia BHTG bắt buộc.
Hy vọng với mục tiêu hoạt động rõ ràng, hai tổ chức trên sẽ góp phần trở thành một bộ phận của hệ thống tài chính quốc gia. Các tổ chức tài chính vi mô sẽ mãi là chỗ dựa của những phụ nữ yếu thế, “cần câu” cho phụ nữ có thu nhập thấp, đóng góp quan trọng xây dựng đất nước.
TCTD phi ngân hàng không phải tham gia BHTG từ ngày 19/8/2013
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các TCTD, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. TCTD phi ngân hàng bao gồm các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các TCTD phi ngân hàng khác.
Thời gian qua, căn cứ quy định hiện hành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã cấp Chứng nhận Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cho 11 TCTD phi ngân hàng, trong đó có 6 công ty tài chính và 5 công ty cho thuê tài chính. Các TCTD phi ngân hàng chủ yếu trực thuộc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, trong đó có TCTD phi ngân hàng trực thuộc NHTM Nhà nước.
Theo quy định của Luật BHTG: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD”. Chính vì vậy, TCTD phi ngân hàng, không thuộc đối tượng phải tham gia BHTG do không được nhận tiền gửi của cá nhân mà chỉ nhận tiền gửi của tổ chức.
Cũng theo quy định tại Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG: “Chứng nhận BHTG được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng, trừ Chứng nhận BHTG đã được cấp cho tổ chức không phải tham gia BHTG theo quy định của Luật BHTG. Chứng nhận BHTG đã được cấp cho tổ chức không phải tham gia BHTG theo quy định của Luật BHTG hết giá trị sử dụng”. Như vậy, Chứng nhận BHTG đã được cấp cho TCTD phi ngân hàng sẽ hết giá trị sử dụng. TCTD phi ngân hàng không thuộc đối tượng tham gia BHTG kể từ ngày 19/8/2013, tức là ngày Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.
Tài liệu tham khảo:
- www.tym.org.vn
- www.m7mfi.org.vn
- www.div.gov.vn
- www.microfinance.vn
- Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 hướng dẫn chi tiết và thi hành Luật BHTG.
Các tin khác
Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sáng ngày 16/4/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Khoá đào tạo kỹ năng dành cho cán bộ làm công tác tuyên truyền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Từ ngày 9 đến 11/4/2025, tại Hải Phòng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tổ chức khoá đào tạo kỹ năng tuyên truyền cho gần 50 cán bộ phòng Thông tin tuyên truyền tại Trụ sở chính BHTGVN và các chi nhánh BHTGVN.
Đảng bộ Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hà Nội tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ II, nhiệm kỳ 2025-2030
Ngày 9 và 10/4/2025, Đảng bộ Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) tại thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đại hội diễn ra trong không khí dân chủ, đoàn kết, đổi mới và đã thành công tốt đẹp.
Chi nhánh BHTGVN tại TP. Đà Nẵng tuyên truyền chính sách BHTG tại đại hội đại biểu thường niên các QTDND
Với mục tiêu tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tới công chúng, người gửi...
Công bố Quyết định điều động, bổ nhiệm Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị BHTGVN
Ngày 11/4/2025, tại Hà Nội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) tổ chức công bố quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều động, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị BHTGVN.