Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Thông tư 26/2017/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 26) có hiệu lực từ 3/3/2018. Theo đó,Thông tư 26 có một số quy định đáng chú ý như: Hạn mức tín dụng cấp cho cá nhân có tài sản bảo đảm tối đa là 1 tỷ đồng, không được phép rút tiền mặt qua máy POS (các máy chấp nhận thanh toán thẻ) và hạn mức rút tiền mặt tối đa bằng thẻ ở nước ngoài là 30 triệu đồng/ngày.
Chủ thẻ không được rút tiền mặt qua máy POS
Tại Thông tư 26 có nội dung sửa đổi, bổ sung các hành vi bị cấm và các quy định để phòng ngừa, hạn chế rủi ro phát sinh trong thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ tại các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT).
Cụ thể, Thông tư 26 có sửa đổi khoản 2 và bổ sung khoản 7, khoản 8 vào Điều 8 quy định các hành vi bị cấm: Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại ĐVCNT (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ) sẽ bị cấm.
Ngoài ra, tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật.
Như vậy, Thông tư 26 đã bỏ quy định liên quan giao dịch rút tiền mặt VND từ thẻ tại máy POS của ĐVCNT, mỗi thẻ được rút tối đa 5 triệu đồng/ngày mà Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng trước đó đã đưa ra lấy ý kiến.
Thực tế quy định hiện hành cũng đang cấm các merchant (tổ chức sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để bán hàng hóa và dịch vụ) cho phép chủ thẻ được ứng tiền mặt tại các POS. Thay vào đó, các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ thường "lách" bằng cách cho phép khách ứng tiền với hoá đơn mua bán khống và có thể vẫn thu phí giao dịch của khách.
Thông tư 26 cũng bổ sung hành vi bị cấm khác, như: ĐVCNT chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code của tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) ở Việt Nam hoặc của TCTTT ở nước ngoài. Mua, bán, thuê, cho thuê thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh).
Ngoài ra, các hành vi bị cấm khác vẫn giữ theo quy định trước đó tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng như: Làm, sử dụng, chuyển nhượng và lưu hành thẻ giả; ĐVCNT thu phụ phí hoặc phân biệt giá khi chủ thẻ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ; Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ; Tiết lộ và cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ và giao dịch thẻ không đúng quy định của pháp luật; Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập trái phép, phá hủy chương trình hoặc cơ sở dữ liệu của hệ thống phát hành, thanh toán thẻ, chuyển mạch thẻ, bù trừ điện tử giao dịch thẻ; Sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Rút tiền mặt ở nước ngoài không được quá 30 triệu đồng/ngày
Thông tư 26 bổ sung thêm khoản 1a tại Điều 14 về việc kiểm soát sử dụng thẻ để thanh toán, rút tiền mặt ở nước ngoài. Theo đó, đối với việc rút tiền mặt bằng thẻ ở nước ngoài, Thông tư 26 quy định một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng/ngày.
Bên cạnh đó, Thông tư 26 hướng dẫn nội dung hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng. Cụ thể, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm thì hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do tổ chức phát hành thẻ xác định theo quy định nội bộ của tổ chức phát hành thẻ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng và tối đa là 1 tỷ đồng. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng tối đa là 500 triệu đồng.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không cần tài sản đảm bảo vẫn được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng
Thông tư 26 sửa đổi quy định về đối tượng được mở và sử dụng thẻ tại điểm b, khoản 1, Điều 16. Theo đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.
Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.
Theo quy định cũ tại Thông tư 19, những người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng phải có tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng thẻ ghi nợ không được thấu chi, thẻ trả trước.
Đối với chủ thẻ chính là tổ chức, Thông tư 26 quy định: Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng các loại thẻ. Chủ thẻ là pháp nhân được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của pháp nhân hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định tại Thông tư này.
Song song với đó, xuất phát từ một số vụ việc trong thực tế, Thông tư 26 bổ sung quy định đối với trường hợp phát hành thẻ cho người nước ngoài nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trong thời gian ngắn, mở thẻ rồi xuất cảnh và sử dụng thẻ để thực hiện hoặc tiếp tay cho các hoạt động phạm tội. Vì vậy, Thông tư quy định trường hợp đối tượng được sử dụng thẻ là người nước ngoài thì phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Thời hạn hiệu lực của thẻ của cá nhân trong trường hợp này không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.
Liên quan đến việc quản lý các điểm có lắp đặt POS
Thông tư 26 có sửa đổi điểm b và bổ sung điểm e vào khoản 3 Điều 22. Theo đó có quy định: Tổ chức cài đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hoặc cấp QR Code cho ĐVCNT, thiết lập kênh kết nối và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ khác phục vụ cho thanh toán thẻ theo hợp đồng ký kết với ĐVCNT. TCTTT phải có các biện pháp để quản lý POS không dây của mình (yêu cầu ĐVCNT đăng ký phạm vi sử dụng POS không dây tại hợp đồng thanh toán thẻ và các biện pháp cần thiết khác); Yêu cầu ĐVCNT mở tài khoản thanh toán tại TCTTT để nhận thanh toán từ việc chấp nhận thẻ; yêu cầu ĐVCNT cung cấp các hóa đơn, chứng từ giao dịch thẻ tại ĐVCNT theo quy định của TCTTT hoặc trong các trường hợp cần thiết nhằm kiểm soát tính hợp lệ, hợp pháp của giao dịch thẻ.
Đối với TCTTT, Thông tư quy định: Phối hợp các tổ chức phát hành thẻ (TCPHT), tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, ĐVCNT, các cơ quan chức năng và các bên liên quan khác trong việc phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động thẻ; Xây dựng tiêu chí lựa chọn ĐVCNT và thực hiện đánh giá, phân loại các đối tượng có nhu cầu chấp nhận thanh toán thẻ phù hợp với đặc điểm, ngành nghề kinh doanh; Có các biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ các ĐVCNT, đặc biệt là ĐVCNT có lắp POS không dây. Trường hợp phát hiện hoặc có cơ sở để cho rằng ĐVCNT thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Thông tư này (Điều 8 Thông tư 19 quy định các hành vi bị cấm),TCTTT thông báo với cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để phối hợp theo dõi, xử lý và xem xét áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp, bao gồm cả việc chấm dứt hợp đồng thanh toán thẻ với ĐVCNT đó.