Nguyên nhân khách quan có thể dẫn đến việc mất tiền gửi mà người gửi tiền không thể can thiệp được, đó là: hoạt động của tổ chức nhận tiền gửi có thể mất khả năng thanh toán, mà người gửi tiền không hoặc ít có thông tin. Vì vậy, để bảo vệ người gửi tiền tránh khỏi rủi ro này, Nhà nước ban hành nhiều quy định, quy chế, chế tài để quản lý, định hướng hoạt động ngân hàng, trong đó chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một công cụ hữu hiệu bảo vệ trực tiếp người gửi tiền. Chính sách BHTG hướng đến bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ, ít có thông tin về các tổ chức nhận tiền gửi.
Để được bảo vệ và thụ hưởng đầy đủ chính sách BHTG, bỏ qua các yếu tố về lãi suất, uy tín của tổ chức nhận tiền gửi, người gửi tiền cần nhận biết tổ chức nhận tiền gửi có tham gia BHTG hay không thông qua việc niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG tại nơi nhận tiền gửi. Chứng nhận tham gia BHTG được niêm yết phải là bản chính (hoặc bản sao) có đầy đủ thông tin về: số Chứng nhận BHTG, tên tổ chức nhận tiền gửi, địa điểm giao dịch, nội dung BHTG, con dấu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – DIV (tổ chức bảo hiểm tiền gửi), chữ ký của Tổng giám đốc DIV…
Khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, người tiền hiển nhiên được bảo hiểm trên số tiền đã gửi mà không phải đóng phí BHTG. Phí BHTG do tổ chức nhận tiền gửi đóng cho DIV. Tại tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền có thể yêu cầu được cung cấp các thông tin như: loại tiền gửi được bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm, thủ tục để nhận tiền gửi được bảo hiểm,...
Ngoài nguyên nhân khách quan, cũng có không ít trường hợp người gửi tiền bị mất tiền gửi tiết kiệm, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan - người gửi tiền bị cán bộ ngân hàng lợi dụng. Việc người gửi tiền bị lợi dụng dẫn đến mất tiền gửi tiết kiệm có thể do quá tin tưởng vào cán bộ ngân hàng, hoặc cho rằng thủ tục gửi tiền phiền hà muốn giải quyết nhanh chóng mà bỏ qua việc tuân thủ quy trình gửi tiền tiết kiệm, hoặc không trực tiếp đến nơi giao dịch của ngân hàng để gửi tiền…
Nhà nước luôn quan tâm đến việc ngăn chặn các rủi ro về đạo đức của nhân viên ngân hàng để bảo vệ người gửi tiền, điển hình là việc ban hành Quy chế tiền gửi tiết kiệm bắt buộc các ngân hàng phải tuân thủ, cụ thể, yêu cầu người gửi tiền phải: trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực; đăng ký chữ ký mẫu lưu tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm…(Điều 8 văn bản số 14/VBHN-NHNN ngày 21/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước quyết định về việc ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm).
Bên cạnh đó, người gửi tiền cần lưu ý những vấn đề sau để phòng tránh rủi ro:
- Thực hiện đầy đủ Quy trình gửi tiền tiết kiệm của tổ chức nhận tiền gửi (thường được niêm yết tại quầy giao dịch).
- Người gửi tiền cần trực tiếp giao dịch tại quầy để tránh nhận phải sổ tiết kiệm giả hoặc sổ tiết kiệm khống.
- Không ký vào các chứng từ trắng/chừng từ khống; kiểm tra, đọc kỹ chứng từ trước khi ký.
- Nên kiểm tra sổ tiết kiệm khi nhận từ nhân viên ngân hàng, đề phòng trường hợp nhân viên ngân hàng nhập sai số tiền gửi.
- Lưu giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, không cho ngân hàng nợ sổ tiết kiệm, nhờ cất hay gửi sổ tiết kiệm cho người khác; không thường xuyên đổi mẫu chữ ký để tránh gây khó khăn trong việc nhận tiền gửi.
Tóm lại, việc hiểu biết chính sách BHTG và thực hiện đầy đủ quy trình gửi tiền tiết kiệm sẽ giúp tiền gửi được an toàn, hạn chế rủi ro, đồng thời đảm bảo cho người gửi tiết kiệm thụ hưởng đầy đủ quyền lợi của mình, kể cả khi tổ chức nhận tiền gửi mất khả năng thanh toán và bị phá sản.