Với đặc thù của lãi suất vay tiêu dùng, bài toán cân đối tài chính khi vay tiêu dùng là điều mà người tiêu dùng nên cân nhắc.
Hiện nay, tại Việt Nam, các công ty tài chính thường hướng đến cho vay tín chấp tiêu dùng ở ba dòng sản phẩm - dịch vụ rất “hot” là: Dịch vụ tài chính mua xe máy trả góp, dịch vụ tài chính mua sắm đồ điện tử gia dụng và dịch vụ cho vay tiền mặt phục vụ các nhu cầu tiêu dùng cá nhân.
Người tiêu dùng (NTD) thường hướng nhu cầu của mình tới các CTTC bởi thủ tục của các công ty này thường nhanh gọn, đơn giản hơn nhiều so với các ngân hàng.
Tuy nhiên, đặc điểm của vay tiêu dùng là lãi suất cao hơn mức thông thường. Hiện lãi suất các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các CTTC áp dụng thường dao động từ 1,6% - 7%/tháng. Do đó, bài toán cân đối khi vay tiêu dùng là điều mà người tiêu dùng nên cân nhắc.
Hiện lãi suất các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các CTTC áp dụng thường dao động từ 1,6% - 7%/tháng.
Anh Vũ Văn Dũng (Đống Đa, Hà Nội) vừa mua thêm chiếc xe máy vì xe máy anh đang đi đã quá cũ. Anh quyết định tìm đến công ty tài chính để vay tiền mua xe.
Là một thanh niên độc thân, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Chi phí thuê nhà trọ và ăn uống, điện nước của anh mỗi tháng hết khoảng 4 triệu đồng, chưa kể phải chi tiêu các việc đám cưới, đám ma, thăm hỏi,…Số tiền dư lại của anh còn khoảng 5-6 triệu/tháng.
“Tôi cân đối chi tiêu rồi quyết định mua chiếc xe SH 125i giá đã bao gồm phí, đăng ký là hơn 80 triệu đồng. Đang có sẵn 40 triệu đồng dành dụm, tôi xoay thêm bên phía bạn bè 5 triệu và vay công ty tài chính thêm gần 40 triệu đồng nữa.
Sau khi trừ hết các khoản chi tiêu hàng tháng, mỗi tháng tôi vẫn trả đủ nợ và tiết kiệm được một ít”, anh Dũng cho biết.
Cũng quyết định vay từ công ty tài chính, khác với anh Dũng, chị Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) vay để kinh doanh bán hàng quần áo trực tuyến.
Theo chị kể, mỗi lần cần nhập đợt hàng mới, chị phải xoay khoảng 20 triệu đồng. Bài toán cân đối chi tiêu để trả nợ cũng làm chị Yến đau đầu bởi tiền lãi thu được của chị mỗi tháng không nhiều trong khi áp lực trả lãi vay lại cao.
“Mỗi tháng tôi kiếm được 3 triệu đồng tiền lãi, sau khi trừ đi số tiền đi vay từ các nguồn bên ngoài (2 triệu đồng/tháng), chỉ còn lại 1 triệu. Với số tiền còn lại này cũng không còn được bao nhiêu bởi phải trả chi phí nhân công, chi phí cho đợt hàng hóa tiếp theo”.
Đi vay nghĩa là phải trả nợ cộng với lãi suất. Vì vậy, việc tận dụng những chương trình cho vay ưu đãi lãi suất hay những đặc quyền được trao để giảm gánh nặng là rất cần thiết.
Để có thể đáp ứng được những đối tượng khách hàng như chị Yến, hiện có rất nhiều công ty tài chính tiêu dùng cho vay với mức lãi suất khá “ổn”.
Chẳng hạn, các CTTC đều đang có các sản phẩm cho vay trả góp lãi suất 0%, tức khách hàng không phải trả đồng lãi suất nào khi vay ngoài một số khoản phí bắt buộc như phí thu hộ tiền góp hàng tháng.
Thủ tục, giấy tờ vay tại các địa chỉ này cũng khá đơn giản, nhanh chóng. Đối với Home Credit, nếu khách hàng vay dưới 10 triệu đồng thì chỉ cần chứng minh nhân dân, bằng lái xe và vay từ 10 triệu trở lên thì cần có chứng minh nhân dân và hộ khẩu.
Dù các công ty tài chính rất ưu đãi về lãi suất, người vay có mức lương ở mức trung bình cũng có thể dùng chính lương của mình để trừ đều vào khoản nợ thay vì tiết kiệm tiền.
Tuy nhiên, để đề phòng những rủi ro do ngoại cảnh tác động, người tiêu dùng cũng cần phải biết cân đối khoản vay hay các phương thức trả lãi phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần có một kế hoạch chi tiêu để vừa có thể trả nợ mà vẫn có thể tích lũy.