Tham dự họp báo còn có đại diện các Vụ, Cục, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng – NHNN, đại diện Hiệp hội Ngân hàng, VAMC, NAPAS, đại diện các ngân hàng và phóng viên, nhà báo từ các cơ quan báo chí. Đại diện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – Phó Tổng giám đốc Lê Hùng Cường – tham gia buổi họp.
Khái quát kết quả hoạt động năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, công tác điều hành chính sách tiền tệ đã tiếp tục được thực hiện linh hoạt, thích ứng nhanh chóng với diễn biến dịch COVID-19. Lãi suất, tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ đáp ứng với nhu cầu của thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô cũng như định hướng của Chính phủ. Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế thông qua các biện pháp hoãn, giãn, cơ cấu lại các khoản nợ, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế. Giảm lãi suất cũng là một mong muốn lớn của doanh nghiệp, song đồng thời người gửi tiền cũng mong muốn lãi suất tiền gửi không quá thấp. Trên cơ sở đó, NHNN đã tạo điều kiện để các ngân hàng giảm dần lãi suất nhằm đảm bảo trước hết là tỷ suất lợi nhuận của nền kinh tế, đảm bảo các cân đối vĩ mô trên góc độ điều hành chính sách tiền tệ, hài hòa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tỷ giá được đảm bảo ổn định, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với quá trình cơ cấu lại các TCTD, NHNN đã tổng kết Đề án 1058. Nhìn chung, cơ bản các chỉ tiêu của đề án đều đạt yêu cầu, năng lực tài chính, năng lực quản trị, quy mô tổng tài sản của các TCTD được nâng cao. Hiện nay, một số ngân hàng đã sẵn sàng công bố đạt tiêu chuẩn Basel III.
Tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt gần 13%
Theo NHNN, cơ quan này đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết thanh khoản phù hợp. Thị trường tiền tệ ổn định; lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ TCTD giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế: NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng. Cụ thể, các NHTM đã cam kết giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 04 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách xã hội.
Trong điều hành chính sách tín dụng, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời, chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.
Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tính đến 22/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2021 đạt 245.199 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, đến 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Ngành ngân hàng cũng đang tiếp tục thực hiện các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19.
Phó Thống đốc cũng lưu ý, dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp cũng chịu tác động nặng nề. Do đó, đến cuối năm 2021, nợ xấu nội bảng đã có xu hướng tăng nhẹ lên 1,9% so với mức 1,69% cuối năm 2020. Theo ước tính của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 3,79%. Trong khi đó, trong trường hợp thận trọng hơn, nếu đại dịch tiếp tục bùng phát và tác động tới mọi mặt của nền kinh tế xã hội, NHNN ước tính nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ có nguy cơ có thể tăng cao.
Trong thời gian qua, NHNN đã tích cực tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng trưởng tương đối tốt. Kết quả TTKDTM trong 10 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020: giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua kênh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cả nước thực hiện giãn cách tăng cường, trên cơ sở bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông phù hợp, hiệu quả nhằm góp phần minh bạch hóa thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các chủ trương, giải pháp điều hành của NHNN được truyền tải một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời, tạo sự đồng thuận của dư luận, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với ngành ngân hàng. Đặc biệt, việc NHNN triển khai các chương trình truyền thông giáo dục tài chính trên truyền hình, điển hình là chương trình “Tay hòm chìa khóa” đã hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng (tiết kiệm, vay vốn, các kỹ năng về thanh toán) được công chúng đón nhận tích cực, tạo sự lan tỏa trong xã hội, giúp cộng đồng có hiểu biết tài chính tốt, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Công tác cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử tiếp tục được đẩy mạnh và thu được những kết quả tích cực. Về cơ bản, NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý và điều hành hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của NHNN và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng năm 2022: Kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất
Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: quan điểm chỉ đạo, điều hành của NHNN là trên cơ sở nhận diện 8 vấn đề khó khăn, cố gắng đạt mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất. Song, ổn định không phải là cố định, nhằm hướng tới làm chủ công tác điều hành tỷ giá, phát triển quỹ dự trữ ngoại hối. Trong điều kiện cho phép, khả năng cung ứng tiền đảm bảo kiểm soát lạm phát, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối là bài toán NHNN đã và sẽ thực hiện. Về lãi suất, NHNN và hệ thống ngân hàng sẽ tập trung nguồn lực cung ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất phù hợp, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá, vượt qua khó khăn. Về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là khoảng 14%, song có thể được điều chỉnh linh hoạt tùy theo tình hình thực tế. Bên cạnh đó, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng nhằm tránh dòng vốn đổ vào những lĩnh vực rủi ro, những lĩnh vực “nóng”, lĩnh vực không ưu tiên.
Trên cơ sở đó, NHNN xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, gồm:
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh.
Triển khai Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt;
Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh TTKDTM trong hoạt động ngân hàng và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Tập trung triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Nghị định mới về TTKDTM và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phối hợp các bộ, ngành triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).../.