Theo khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) tại Bộ Nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, “Hệ thống BHTG cần thực hiện việc chi trả kịp thời cho người gửi tiền để góp phần ổn định tài chính. Thời điểm bắt đầu chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm phải được xác định một cách rõ ràng và chắc chắn”. Trong trường hợp đã bắt đầu chi trả nhưng có sự chậm trễ kéo dài, tổ chức BHTG có thể thực hiện tạm ứng chi trả hoặc thanh toán từng phần khẩn cấp. Ngoài ra, IADI cũng khuyến nghị về việc áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, cơ chế bảo hiểm toàn bộ đã được áp dụng ở nhiều nước và là một công cụ hữu hiệu nhằm đảm bảo niềm tin của người gửi tiền.
Kinh nghiệm chi trả của một số tổ chức BHTG quốc tế
Cơ quan BHTG Liên bang Nga (DIA)
DIA được thành lập vào tháng 1/2004 theo Luật Liên bang Nga số 177-FZ
“Bảo hiểm cho các khoản tiền gửi tại các ngân hàng Nga” ngày 23/12/2003. Kể từ khi thành lập, ngoài chức năng trả tiền bảo hiểm, DIA dần được trao nhiều nhiệm vụ khác.
Tính đến hết năm 2021, DIA bảo vệ các khoản tiền có giá trị 40,1 nghìn tỷ Rúp của 239 triệu người gửi tiền tại 314 ngân hàng. Hạn mức trả tiền bảo hiểm cho tiền gửi của tài khoản cá nhân và tổ chức pháp nhân là 1,4 triệu Rúp (tương đương gần 15 nghìn đô la Mỹ); hạn mức trả tiền bảo hiểm cho tiền gửi ủy thác và tài khoản đặc biệt của Quỹ sửa chữa và bảo trì tài sản chung của chung cư là 10 triệu Rúp (tương đương hơn 100 nghìn đô la Mỹ). Kể tử khi thành lập, DIA đã tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm 14 lần, chi trả hơn 2 nghìn tỷ Rúp cho người gửi tiền tại trên 500 tổ chức đổ vỡ, ngăn chặn được 16 tỷ Rúp tiền gian lận bảo hiểm.
Các loại tiền gửi được bảo hiểm bao gồm tiền gửi cá nhân, tiền gửi của cá nhân là chủ doanh nghiệp và tài khoản ủy thác của cá nhân đối với giao dịch bất động sản, tài khoản ủy thác của cá nhân dưới thỏa thuận đồng tài trợ, tài khoản của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài khoản của tổ chức xã hội phi lợi nhuận và hiệp hội của cá nhân, tài khoản cá nhân có số dư lớn tạm thời trong trường hợp đặc biệt (bán bất động sản, nhận tiền thừa kế, các khoản thanh toán qua truyền thông xã hội, các khoản thanh toán theo phán quyết của tòa án hoặc nhận trợ cấp), tiền gửi chuyển vào ngân hàng do chuyển nhượng tài sản và nợ (P&A), và do tái cấu trúc ngân hàng thành viên của hệ thống BHTG, tài khoản đặc biệt của chung cư mở dưới tên của công ty quản lí để thành lập và sử dụng các quỹ bảo trì. Đến năm 2022, DIA hướng tới bảo vệ cho tiền gửi của tất cả các pháp nhân (trừ tổ chức tài chính).
Từ năm 2005 đến năm 2021, DIA đã chi trả tổng số 542 vụ đổ vỡ ngân hàng, trong đó năm 2016 có tổng số tiền chi trả lớn nhất là 568,4 tỷ Rúp.
Quy trình chi trả điển hình của DIA được thiết kế với khung thời gian như sau:
Ngày 1: Thu hồi giấy phép hoạt động của ngân hàng (sự kiện chi trả); Nhân viên DIA được chỉ định là thành viên của Hội đồng quản lý tạm thời ngân hàng; Bắt đầu quy trình lập sổ đăng ký nợ phải trả; Thông báo công khai về việc lựa chọn ngân hàng đại lý.
Ngày 5: Kết thúc lựa chọn, một hoặc nhiều ngân hàng đại lý được chọn; DIA tiếp nhận và phê duyệt sổ đăng ký nợ phải trả.
Ngày 6: DIA phê duyệt thủ tục và khung thời gian bắt đầu chi trả; Sổ đăng ký nợ phải trả được chia nhỏ và gửi cho ngân hàng đại lý.
Ngày 7-11: Ngân hàng đại lý chuẩn bị thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm; DIA công bố các trường hợp có khả năng là gian lận tiền bảo hiểm/tiền gửi ngoài bảng; Các khoản tiền gửi đáng ngờ trong Sổ đăng ký nợ phải trả bị đóng băng để điều tra.
Ngày 12-14: bắt đầu chi trả.
Trên thực tế, khung thời gian chuẩn bị chi trả được giảm xuống còn 9 ngày (6-7 ngày làm việc). DIA sẽ lựa chọn ngân hàng đại lý để chi trả theo thủ tục lựa chọn do Hội đồng quản trị của DIA xây dựng với sự nhất trí của Cơ quan chống độc quyền Liên bang. Hội đồng quản trị của DIA cũng quy định tiêu chuẩn về phí đại lý trả cho ngân hàng đại lý và quyết định thực hiện chi trả thông qua một vài ngân hàng đại lý cùng lúc. Sau đó, DIA sẽ thông báo cho người gửi tiền về khung thời gian bắt đầu chi trả, địa điểm, hình thức và thủ tục tiếp nhận đề nghị chi trả của người gửi tiền thông qua một số phương tiện truyền thông như: đăng tải trên trang web, thông báo cho ngân hàng thanh lý, đăng tải trên trang web của NHTW Nga, thông báo trên 1 tờ báo thuộc cơ quan báo chí Liên bang Nga.
Việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm phải đáp ứng một số yêu cầu như: Lập danh sách nợ phải trả của ngân hàng trong vòng 5 ngày làm việc sau khi phát sinh sự kiện được bảo hiểm; chi trả trong vòng 14 ngày sau khi phát sinh sự kiện được bảo hiểm; thời hạn tối đa cho các khoản chi trả bồi thường là 3 ngày làm việc sau khi nhận được yêu cầu chi trả của người gửi tiền; thời gian để ngân hàng kiểm tra yêu cầu của người gửi tiền về số tiền bồi thường là trong 10 ngày làm việc.
Đặc biệt, DIA đã sử dụng dịch vụ chi trả trực tuyến thông quan ngân hàng đại lý (PJSC SBERBANK). Đối với hình thức này, DIA chi trả mà không cần tiếp nhận đơn đề nghị của người gửi tiền cá nhân (hoàn tất trong vòng 3 ngày kể từ ngày bắt đầu chi trả). Tính riêng trong năm 2021, dịch vụ chi trả trực tuyến đã được sử dụng bởi 40% số lượng người gửi tiền tại ngân hàng đại lý cung cấp dịch vụ này. DIA hướng tới sẽ tăng tỷ trọng chi trả trực tuyến cho người gửi tiền trong thời gian tới.
Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC)
KDIC được thành lập năm 1996 sau khi Luật bảo vệ người gửi tiền được ban hành. KDIC là một tổ chức BHTG tiên tiến, hoạt động theo mô hình giám sát rủi ro, có các thẩm quyền nhằm bảo vệ tốt nhất người gửi tiền gồm giám sát rủi ro đảm bảo an toàn của hệ thống tài chính và các quyền về can thiệp sớm và xử lý. KDIC đang bảo vệ cho người gửi tiền với hạn mức 50 triệu won (tương đương 50.000 đô la Mỹ).
Luật BHTG Hàn Quốc quy định, khi xảy ra rủi ro bảo hiểm tại một tổ chức tham gia BHTG, KDIC sẽ chi trả cho người gửi tiền của tổ chức tham gia BHTG đó. Cụ thể, trong trường hợp tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền hoặc do yêu cầu của Ủy ban giám sát tài chính Hàn Quốc về việc tổ chức tín dụng đó ngừng thanh toán và ngừng hoạt động, KDIC sẽ chi trả cho người gửi tiền sau khi Ủy ban BHTG ra quyết định xử lý. Trong trường hợp thứ hai, khi tổ chức tín dụng bị hủy bỏ giấy phép hoạt động, giải thể hoặc tuyên bố phá sản, KDIC sẽ chi trả ngay cho người gửi tiền mà không cần dựa trên quyết định xử lý của Ủy ban BHTG. Hiện nay, hạn mức trả tiền bảo hiểm ở Hàn Quốc là 50 triệu won (tương đương hơn 37.000 đô la Mỹ).
KDIC đã phát triển một “Hệ thống thông tin xử lý tích hợp” (IRIS) trực tuyến nhằm phục vụ quá trình chi trả nhanh chóng, thuận tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và số hóa hiện nay. Hệ thống IRIS giúp quản lý quá trình xử lý và chi trả cho người gửi tiền, tăng hiệu quả xử lý và các quy trình khác sau đó. IRIS được bắt đầu sử dụng vào năm 2007, đến nay đã cho phép quá trình yêu cầu trả tiền và thanh toán trực tuyến hoàn toàn. Ngoài ra, KDIC còn phối hợp với các tổ chức tài chính để hỗ trợ quá trình trả tiền bảo hiểm. KDIC thông qua các đại lý như 6 ngân hàng thương mại lớn có chi nhánh trên toàn quốc để xác minh thông tin người gửi tiền trực tiếp và chuyển khoản, thanh toán; phối hợp với công ty xếp hạng tín nhiệm để xác minh thông tin người gửi tiền qua điện thoại; tạm ứng trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền; mua tiền gửi và trái phiếu vượt quá hạn mức bảo hiểm và chi trả cổ tức tạm ứng bằng cách tính vào tỷ lệ cổ tức phá sản dự kiến v.v.
Liên hệ với Việt Nam
Tại Việt Nam, Luật BHTG quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi theo hạn mức quy định.
Từ khi thành lập đến nay, trên cơ sở quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và pháp luật liên quan, BHTGVN đã từng bước hoàn thiện quy chế, quy trình nghiệp vụ cụ thể về chi trả tiền bảo hiểm. Theo đó, đặc biệt chú trọng quy trình nghiệp vụ và các hình thức chi trả phù hợp.
Đến nay, BHTGVN đã tiến hành chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố cho 1.793 người được bảo hiểm tiền gửi với số tiền 26,78 tỷ đồng. Trong đó, BHTGVN trực tiếp thực hiện chi trả 34 quỹ tín dụng nhân dân, ủy quyền cho tổ chức tín dụng thực hiện chi trả 05 quỹ tín dụng nhân dân. Nhìn chung, việc chi trả bảo hiểm tiền gửi bằng cả 02 hình thức trực tiếp và ủy quyền đều được thực hiện một cách chính xác và kịp thời, góp phần quan trọng ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, tham gia giải quyết dứt điểm việc xử lý pháp nhân đối với các quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn kéo dài không thể khắc phục.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác chi trả BHTG, BHTGVN đã xác định mục tiêu tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam, phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia BHTG được xử lý.
Trên cơ sở đó, các giải pháp cụ thể được đặt ra trong thời gian tới đối với hoạt động chi trả của BHTGVN bao gồm:
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế nhằm: Đảm bảo ngăn chặn tình trạng trục lợi BHTG, trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức BHTG và các cơ quan liên quan; Tạo hành lang pháp lý để tổ chức BHTG tham gia thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi. Luật BHTG cần quy định cụ thể về về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, bổ sung quy định về tạm ứng chi trả, quy định về cơ chế bảo hiểm toàn bộ trong trường hợp đặc biệt.
Xây dựng kế hoạch dự phòng và diễn tập chi trả cho từng loại hình tổ chức tham gia BHTG;
Xây dựng sổ tay chi trả đối với từng loại hình tổ chức tham gia BHTG nhằm chuẩn hóa quy trình chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình chi trả nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế.