Theo quy định hiện hành của Tổng công ty bảo đảm tiền gửi và tín dụng Nepal (DCGC), mức phí đồng hạng đang được áp dụng là 0,2% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Mức phí này được đề ra nhằm mục tiêu tăng nguồn vốn của DCGC lên 480 triệu Rupee (hơn 5 triệu USD). Đến nay, sau những động thái quyết liệt của chính phủ, nguồn vốn của DCGC đã tăng lên 500 triệu Rupee (tương đương khoảng 5,25 triệu USD) – vượt xa mục tiêu ban đầu đặt ra trước đây. Theo dự báo mới nhất, trong năm nay, tổng số tiền gửi được bảo hiểm tại Nepal sẽ đạt 230 tỷ Rupee (hơn 2,4 tỷ USD). Ứng với mức phí quy định 0,2%, DCGC dự kiến sẽ thu được thêm 460 triệu Rupee (xấp xỉ 4,8 triệu USD) từ các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Hầu hết các ngân hàng đều cho rằng mức phí BHTG hiện tại rất không hợp lý trong bối cảnh nguồn quỹ bảo hiểm liên tục tăng trưởng. Trên thực tế, NRB cũng khẳng định, nguồn quỹ bảo hiểm tại Nepal vẫn tiếp tục được cải thiện trong hai năm qua. Chính vì vậy, các ngân hàng đang yêu cầu chính phủ giảm mức phí BHTG từ 0,2% hiện nay xuống 0,1% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể là bao nhiêu vẫn chưa được tiết lộ. Trong khi đó, NRB cho biết, nợ phải trả của DCGC trong ba năm qua chỉ ở mức rất thấp (không đáng kể) so với doanh thu đạt được. Một số chuyên gia cũng đồng thuận với ý kiến của các ngân hàng cho rằng đây là thời điểm thích hợp để xem xét lại mức phí bảo hiểm.
Đề xuất giảm mức phí BHTG được đưa ra trong bối cảnh một đề xuất khác về tăng hạn mức BHTG tối đa đối với người gửi tiền. Bên cạnh quan ngại mức phí hiện nay đã rất cao, các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn cũng yêu cầu NRB hoặc giảm mức phí BHTG xuống mức thấp hơn hoặc tăng hạn mức BHTG tối đa đến 500.000 Rupee (gần 5.300 USD). Trong khi đó, từ năm 2012, theo quy định của Luật BHTG, DCGC thực hiện chính sách bảo hiểm cho các khoản tiền gửi của khách hàng gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG với hạn mức tối đa lên đến 200.000 Rupee (gần 2.100 USD) với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ.