I. Nguồn gốc, khái niệm Ngân hàng bắc cầu (Bridge Bank - BB)
Nguồn gốc của Ngân hàng bắc cầu
Thuật ngữ Ngân hàng bắc cầu lần đầu xuất hiện tại Hoa Kỳ theo Luật Ngân hàng cạnh tranh bình đẳng năm 1987. Theo luật này, BHTG Hoa Kỳ (FDIC) được phép thành lập Ngân hàng bắc cầu và FDIC đã thành lập Ngân hàng bắc cầu đầu tiên vào tháng 10 năm 1987.
Định nghĩa của Hiệp hội BHTG quốc tế
Ngân hàng bắc cầu là ngân hàng được tạm thời thành lập và hoạt động để tiếp nhận có chọn lọc Tài sản Có và toàn bộ Tài sản Nợ của tổ chức bị đổ vỡ cho đến khi đưa ra giải pháp xử lý cuối cùng.
1. Ý nghĩa của việc thành lập Ngân hàng bắc cầu
- Góp phần ngăn chặn sự sụp đổ của một ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng quá lớn, từ đó tránh được những chấn động tiêu cực đối với hệ thống tài chính và đối với niềm tin của công chúng;
- Tạo ra một khoảng thời gian cho cơ quan BHTG tính toán đưa ra quyết định xử lý cuối cùng đối với ngân hàng đổ vỡ;
- Bảo tồn và ngăn không để giá trị các tài sản của ngân hàng đổ vỡ bị giảm sút;
- Góp phần bảo vệ người gửi tiền, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.
2. Chức năng
Tạm thời tiếp nhận, quản lý và duy trì hoạt động của tổ chức tài chính đổ vỡ cho đến khi đưa ra giải pháp pháp xử lý cuối cùng.
3. Nhiệm vụ
- Tiếp nhận tài sản, công việc kinh doanh do ngân hàng đổ vỡ chuyển giao;
- Tạm thời duy trì, đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của NH đổ vỡ;
- Tìm kiếm tổ chức tài chính lành mạnh đứng ra tái tiếp nhận tài sản và hoạt động kinh doanh từ BB;
- Chuyển giao tài sản và hoạt động từ BB cho tổ chức tài chính tái tiếp nhận;
- Trường hợp toàn bộ hoặc một phần tài sản và nghĩa vụ nợ không chuyển giao được BB có thêm các nhiệm vụ:
i) Lập, trình duyệt và tổ chức thực hiện phương án chi trả bảo hiểm và trình thủ tục đề nghị tuyên bố phá sản;
ii) Thực hiện các thủ tục phân chia giá trị tài sản thu hồi được cho các chủ nợ theo trật tự quy định của pháp luật;
iii) Lập báo cáo thanh lý tài sản.
II. Quyền hạn và nghĩa vụ của Ngân hàng bắc cầu
1. Quyền hạn:
- Được kế thừa toàn bộ các quyền theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan của pháp luật đối với ngân hàng đổ vỡ khi tiếp nhận;
- Cán bộ được tổ chức BHTG bổ nhiệm sang quản lý BB có quyền đưa ra các quyết định cần thiết để quản trị, điều hành hoạt động của BB theo các mục tiêu đã xác định trong phương án xử lý mà không bị can thiệp bởi các cổ đông, cơ quan quản lý hay tòa án;
- Ban điều hành BB do tổ chức BHTG bổ nhiệm được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh chuyên môn hoặc cơ cấu lại tổ chức của tổ chức đổ vỡ nhằm kiểm soát thực hiện hiệu quả mục tiêu xử lý;
- Được tổ chức BHTG cho vay hoặc bảo lãnh để vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác khi có nhu cầu về vốn;
- Được sử dụng vốn để hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc bảo toàn và có hiệu quả;
- Được tổ chức BHTG bù đắp, chia xẻ tổn thất trường hợp kinh doanh lỗ.
2. Nghĩa vụ:
- Bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền và các chủ nợ khác;
- Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Bộ luật lao động;
- Thực hiện chế độ báo cáo thống kê, kế toán tài chính, kiểm toán, theo quy định của Nhà nước và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các báo cáo;
- Chịu sự giám sát của tổ chức BHTG;
- Tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của các quy định liên quan của pháp luật;
III. Địa vị pháp lý
- BB là ngân hàng do tổ chức Bảo hiểm tiền gửi thành lập và được Ngân hàng Trung ương cấp giấy phép theo Luật Ngân hàng Trung ương và Luật Bảo hiểm tiền gửi.
- BB có tư cách pháp nhân, có con dấu và Bảng cân đối tài sản riêng.
IV. Nội dung hoạt động
1. Tiếp nhận tài sản từ ngân hàng đổ vỡ
- Cán bộ BB phối hợp với ngân hàng đổ vỡ thực hiện các thủ tục cần thiết để rà soát, chốt số liệu trên sổ sách kế toán.
- Tham gia kiểm kê, phân loại, đánh giá lại toàn bộ Tài sản Nợ và Tài sản Có để xác định đúng giá trị tài sản và thực trạng tài chính của ngân hàng đổ vỡ đến thời điểm bàn giao.
- Tiếp nhận toàn bộ Tài sản Nợ và tiếp nhận có chọn lọc tài sản Có, các cam kết ngoại bảng đủ tiêu chuẩn tiếp nhận.
- Ký biên bản bàn giao tài sản, hoạt động kinh doanh.từ ngân hàng đổ vỡ sang BB.
2. Công tác chuẩn bị cho việc tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của ngân hàng đổ vỡ
- Tiến hành các thủ tục bố trí nhân sự theo cơ cấu của BB.
- Tổ chức hướng dẫn và đào tạo cho nhân viên của ngân hàng đổ vỡ.
- Xây dựng phương án và kế hoạch kinh doanh để triển khai hoạt động của BB.
- Lập danh sách người gửi tiền (trong đó tách riêng tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm).
- Chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động bình thường.
- Biện pháp ngăn ngừa những biến động có thể sảy ra.
3. Điều hành hoạt động kinh doanh.
a) Đối với vốn huy động
Tiếp tục huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn để tăng nguồn vốn hoạt động.
b) Đối với tiền gửi
- Thực hiện chi trả bảo hiểm cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm có yêu cầu rút (căn cứ vào danh sách tiền gửi được bảo hiểm).
- Tiếp tục cân đối nguồn vốn để chuẩn bị giải quyết cho các khoản tiền gửi không được bảo hiểm có nhu cầu rút (căn cứ vào danh sách tiền gửi không được bảo hiểm).
c) Đối với sử dụng vốn
- Thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi các khoản nợ đến hạn, quá hạn.
- Tiếp tục cung cấp các dịch vụ ngân hàng trong khả năng cho phép.
Sau khi tiếp quản công việc kinh doanh từ ngân hàng đổ vỡ, việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm và quản lý để tài sản không bị sụt giảm giá trị được xem là hoạt động chính. Các khoản tiền gửi mới được chấp nhận nhưng các khoản cho vay mới thì phải được cân nhắc về mục đích và thời hạn cho vay để không gây ra những khó khăn cho việc chuyển giao hoạt động kinh doanh sang tổ chức tài chính tái tiếp nhận.
4. Tìm kiếm Tổ chức tài chính tái tiếp nhận:
- Ngân hàng bắc cầu chủ động tìm đối tác tiếp nhận lại thông qua các hình thức gửi hồ sơ mời thầu đến các tổ chức tài chính tiềm năng có khả năng mua lại hoặc hợp nhất theo từng phần hoặc toàn bộ tài sản còn lại và các nghĩa vụ nợ.
- Tổ chức xét thầu trên cơ sở đấu giá cạnh tranh có so sánh với chi phí thanh lý ước tính để lựa chọn nhà thầu có phương án giá cao nhất nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi.
5. Chuyển giao tài sản và hoạt động kinh doanh cho tổ chức tài chính tái tiếp nhận
Việc chuyển giao tài sản và hoạt động kinh doanh được thông qua một trong các hình thức: sáp nhập hoặc mua lại. Các thủ tục và trình tự chuyển giao cho tổ chức tài chính tái tiếp nhận được thực hiện theo quy định của pháp luật. (ở Việt Nam Quyết định số 241/1998/QĐ-NHNN5 ngày 15/7/1988 về ban hành Quy chế sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng cổ phần của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).
6. Thông báo cho người gửi tiền và các chủ nợ
Sau khi hoàn tất việc chuyển giao tài sản và hoạt động kinh doanh cho tổ chức tài chính tái tiếp nhận, BB có trách nhiệm thông báo cho người gửi tiền và các chủ nợ về việc chuyển quyền chủ nợ của họ sang tổ chức tài chính tiếp nhận lại.
V. Chấm dứt hoạt động, giải thể Ngân hàng bắc cầu
Ngân hàng bắc cầu chấm dứt hoạt động khi:
- Ngân hàng bắc cầu được một Tổ chức tài chính lành mạnh đứng ra tiếp nhận;
- Kết thúc thời hạn hoạt động của Ngân hàng bắc cầu .
VI. Chế độ tài chính, hạch toán và báo cáo
1. Vốn của Ngân hàng bắc cầu:
- Vốn hỗ trợ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi để mua lại và duy trì hoạt động tạm thời của ngân hàng đổ vỡ;
- Vốn hình thành trong quá trình duy trì hoạt động tạm thời;
- Vốn đi vay từ tổ chức, cá nhân khác.
2. Chấp hành chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán, kế hoạch tài chính theo quy định của pháp luật.
TS. Nguyễn Mạng Dũng - Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ số 8 tháng 4/2008