Trong cuộc chạy đua tiện ích, nhiều ngân hàng thương mại vận dụng tối đa chiêu "số hóa" . Tuy nhiên, mức độ “số hóa” của các ngân hàng nội địa cũng có nhiều thang bậc và hiệu quả khác nhau.
Trăm hoa đua nở
Chỉ cần dạo một vòng qua những trang web của các ngân hàng thương mại, khách hàng có thể dễ dàng nhận thấy khá nhiều dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được cung cấp qua mạng như: kiểm tra thông tin tài khoản, vấn tin số dư, nộp thuế, đóng/trả phí một số dịch vụ thiết yếu (bảo hiểm, điện, nước, viễn thông…).
Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, SHB… bước đầu đã cung cấp những dịch vụ đòi hỏi trình độ ứng dụng công nghệ, khả năng kết nối và bảo mật cao hơn, chẳng hạn như chuyển khoản, mua vé máy bay trực tuyến.
Lấy ví dụ, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ thanh toán vé máy bay của hãng hàng không giá rẻ do ngân hàng SHB cung cấp chỉ với vài thao tác đơn giản. Sau khi đặt mua vé thành công, khách hàng chỉ việc truy cập vào trang web của ngân hàng này, chọn tính năng “Thanh toán trả sau”, chọn tiếp “Nhà cung cấp” rồi nhập mã thanh toán để hoàn tất giao dịch.
Hay với ngân hàng VIB, khách có thể đăng ký một số dịch vụ và gửi hồ sơ qua trang web của ngân hàng, và trong vòng 24 giờ sau khi hoàn tất việc gửi hồ sơ, nhân viên ngân hàng sẽ liên hệ với khách hàng để hoàn tất việc đăng ký.
Đa dạng dịch vụ theo hướng một chiều
Nhìn chung, các dịch vụ ngân hàng qua mạng ngày càng được đa dạng hóa, với mục đích mang đến sự tiện lợi tối đa cho khách hàng. Tuy vậy, đa phần các dịch vụ này vẫn theo hướng một chiều, nghĩa là khách hàng chủ động đăng ký dịch vụ theo hướng dẫn sau khi đã tìm hiểu kỹ thông tin trước đó. Còn với các dịch vụ cần tham vấn hay nghiên cứu hồ sơ như vay tiền, mở thẻ tín dụng, khách hàng vẫn phải tới quầy của ngân hàng để giao dịch trực tiếp.
Rút kinh nghiệm từ sự bất tiện này, một số ngân hàng đã cho đăng đầy đủ các hướng dẫn, các giấy tờ khách hàng cần chuẩn bị, để sẵn các form mẫu trên website để khách hàng chuẩn bị trước. Khi tới ngân hàng, khách chỉ cần nộp cho nhân viên ngân hàng thẩm định một lượt là xong.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia ngân hàng, mặc dù rất nhiều ngân hàng đã áp dụng các dịch vụ số nhưng chưa có nhiều dịch vụ mang lại sự linh hoạt và chủ động cao cho khách hàng.
Ví dụ như khi gửi tiền tiết kiệm, khách có thể tự so sánh các kỳ hạn gửi với mức lãi suất để chọn ra gói dịch vụ tiết kiệm tối ưu; hoặc khi mở thẻ tín dụng khách có thể chủ động so sánh đặc quyền, biểu phí đối với từng hạng thẻ (thẻ Vàng, Platinum…) để chọn loại thẻ phù hợp nhất. TPBank là một trong số các ngân hàng đã đầu tư hạ tầng công nghệ để số hóa gần như 100% các dịch vụ ngân hàng cá nhân, qua đó hỗ trợ khách hàng trong những dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Nhờ đó, chỉ bằng một cú click chuột, khách hàng có thể tự mình hoàn tất nhiều loại hình dịch vụ như: mở thẻ tín dụng, vay tiền mua nhà, thanh toán tiền điện và nước, trả phí truyền hình cáp hàng tháng hay thu hộ thuế điện tử cho doanh nghiệp. Các dịch vụ trực tuyến cung cấp cho khách hàng cá nhân là sự chuẩn bị cho những dịch vụ ngân hàng số trong tương lai gần, bao gồm mở tài khoản, vay mua nhà và mua xe ô tô…
Chất lượng sẽ quyết định người thắng
Trong xu hướng số hóa các dịch vụ ngân hàng nhằm giành phần thắng trong cạnh tranh giữa các ngân hàng TMCP, ngân hàng nào đi tiên phong sẽ nắm được lợi thế.
Các ngân hàng lớn như Techcombank, Sacombank, VPBank… đều tập trung nguồn lực cho dịch vụ ngân hàng trực tuyến và nhanh chóng tung ra các sản phẩm, dịch vụ mới mẻ và hiện đại hơn.
TPBank thì ra mắt dịch vụ “Thanh toán hóa đơn tiền điện 24/7”, được triển khai miễn phí cho tất cả khách hàng của mình trên toàn quốc thông qua eBank. Dịch vụ này được ứng dụng với sự hợp tác của Công ty cổ phần Thanh toán tiền điện và viễn thông (Ecpay). Khách hàng có thể thanh toán tiền điện từ chính tài khoản cá nhân của mình, không phải qua bất cứ tài khoản trung gian hay khâu đăng ký nào, loại bỏ sự phiền phức và tốn thời gian.
Các báo cáo về dịch vụ ngân hàng điện tử đều cho thấy, lượng giao dịch qua các kênh ngân hàng điện tử đang tăng cao. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều ngân hàng đầu tư mạnh về công nghệ, để chuyển đổi dần các giao dịch ngân hàng trực tiếp tại quầy sang giao dịch điện tử theo xu thế chung.
Lợi thế cạnh tranh khi ấy sẽ thuộc về ngân hàng nào đề cao khả năng biết lắng nghe và thấu hiểu từng nhu cầu của mỗi khách hàng, nhằm cải tiến dịch vụ, gia tăng mức độ tương tác cũng như giúp khách hàng giảm thiểu thủ tục và tiết kiệm thời gian. Nguồn lực rất lớn của xã hội sẽ được tiết kiệm đáng kể, chẳng hạn như nhân viên thu tiền điện, tiền nước, phí viễn thông và internet có thể sử dụng cho các công việc khác.
Suy cho cùng, các cuộc cạnh tranh khốc liệt, so kè từng centimét giữa các ngân hàng liên quan đến cuộc đua số hóa dịch vụ sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng. Ngân hàng nào đầu tư bài bản cho chất lượng sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đua thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số.