Với vị thế là công cụ quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, ngành ngân hàng có thể là lực lượng mạnh mẽ để thay đổi, tạo ra tác động tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường. Kinh doanh có trách nhiệm được kỳ vọng thiết lập và nuôi dưỡng nền tảng tăng trưởng cho các thế hệ tiếp theo. Để thành công, ngân hàng cần đưa chính sách bằng văn bản vào hành động thực tiễn thông qua chiến lược tạo ra giá trị lâu dài bằng hoạt động ngân hàng bền vững. Thông qua các sản phẩm và dịch vụ của mình, ngân hàng góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, đáp ứng các mục tiêu xã hội cho Phát triển bền vững và Thỏa thuận Khí hậu Paris. Đó chính là việc giảm thiểu rủi ro, cải thiện khả năng phục hồi và tạo cơ hội cho một xã hội tốt đẹp hơn. Ngân hàng chỉ có thể hoàn thành mục đích của mình, tạo ra sự trao quyền tài chính, việc làm và tăng trưởng kinh tế nếu họ thực hành đối xử với khách hàng, cổ đông và xã hội với sự tôn trọng mà họ xứng đáng được nhận. Đó là hoạt động tạo lợi nhuận có mục đích, là cốt lõi của tinh thần trách nhiệm cho phát triển bền vững, cho phép ngành ngân hàng toàn cầu thay đổi cách tiếp cận từ tối đa hóa lợi nhuận sang tối ưu hóa lợi nhuận và gắn tăng trưởng trong tương lai với phát triển bền vững. Bộ Nguyên tắc này khuyến khích các ngân hàng cân nhắc thận trọng về tác động rộng sâu sắc hơn - cả tiêu cực và tích cực - đối với xã hội, môi trường nơi chúng ta sống và làm việc, đưa cân nhắc sâu sắc này vào nội dung quyết định trong thực hiện hoạt động ngân hàng. Bộ Nguyên tắc này gắn kết mục tiêu hoạt động kinh doanh của ngân hàng với các mục tiêu phát triển của xã hội, kỳ vọng tạo ra chuẩn mực toàn cầu về thế nào là một ngân hàng có trách nhiệm và cung cấp hướng dẫn khả thi để đạt được điều đó.
Các ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Với vai trò là các trung gian tài chính, mục đích của hoạt động ngân hàng là hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và trao quyền cho mọi người xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Ngân hàng dựa trên niềm tin mà khách hàng và xã hội giao phó để phục vụ lợi ích tốt nhất của xã hội và hành động có trách nhiệm. Thành công của ngân hàng phụ thuộc vào sự thịnh vượng lâu dài của xã hội mà ngân hàng phục vụ. Chỉ trong một xã hội toàn diện tích hợp trong đó sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, khách hàng cũng như hoạt động kinh doanh của ngân hàng mới có thể phát triển. Do đó, ngân hàng muốn đóng vai trò dẫn dắt, sử dụng sản phẩm, dịch vụ và mối quan hệ của ngân hàng để hỗ trợ và thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong nền kinh tế và lối sống cần thiết để đạt được sự thịnh vượng chung cho cả thế hệ hiện tại và tương lai.
Bộ Nguyên tắc hoạt động ngân hàng có trách nhiệm bao gồm 6 nguyên tắc:
Nguyên tắc 1: SỰ PHÙ HỢP, ngân hàng cần cam kết điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình để phù hợp và đóng góp cho các nhu cầu cá nhân, các mục tiêu của xã hội, như được nêu trong các Mục tiêu phát triển bền vững (PTBV), Thỏa thuận Khí hậu Paris và các khuôn khổ của quốc gia, khu vực có liên quan.
Nguyên tắc 2: TÁC ĐỘNG, ngân hàng sẽ liên tục gia tăng các tác động tích cực của mình, đồng thời giảm các tác động tiêu cực và quản lý rủi ro đối với con người và môi trường phát sinh từ các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng.
Nguyên tắc 3: Có trách nhiệm với KHÁCH HÀNG, ngân hàng sẽ làm việc có trách nhiệm với các khách hàng của mình để khuyến khích các thông lệ thực hành bền vững và cho phép các hoạt động kinh tế tạo ra sự thịnh vượng cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Nguyên tắc 4: CÁC BÊN HỮU QUAN, ngân hàng sẽ chủ động và có trách nhiệm trong việc tư vấn, tham gia và hợp tác với các bên hữu quan có liên quan để đạt được các mục tiêu xã hội.
Nguyên tắc 5: QUẢN TRỊ VÀ THIẾT LẬP MỤC TIÊU, ngân hàng sẽ thực hiện cam kết của mình về bộ Nguyên tắc này thông qua quản trị hiệu quả và văn hoá hoạt động ngân hàng có trách nhiệm, thể hiện tham vọng và trách nhiệm giải trình bằng cách thiết lập các mục tiêu liên quan đến những tác động quan trọng nhất của ngân hàng.
Nguyên tắc 6: TÍNH MINH BẠCH VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH, ngân hàng sẽ định kỳ rà soát lại việc thực hiện riêng lẻ và thực hiện cùng nhau bộ Nguyên tắc này; minh bạch cũng như có trách nhiệm giải trình về những tác động tích cực, tiêu cực và đóng góp của ngân hàng vào các mục đích xã hội.
Các nguyên tắc này cung cấp cho ngành ngân hàng một khuôn khổ duy nhất, theo đó tích hợp tính bền vững ở cấp chiến lược, danh mục đầu tư và giao dịch, và trải dài trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.
Tài liệu tham khảo
Sáng kiến tài chính của Chương trình môi trường Liên hợp quốc – UNEP FI: CÁC NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG CÓ TRÁCH NHIỆM, tháng 11/2018
Nguyễn Trần Dương, Ths., Đại học Kinh tế Quốc dân