Đợt phá giá lần đầu được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiến hành trong 3 ngày từ 11-13/8, với mức giảm lần lượt 1,9%, 1,6% và 1,1%, đẩy CNY giảm tổng cộng trên 3,5% so với USD từ 6,1162 CNY/USD xuống 6,3306 CNY/USD. Đợt phá giá lần thứ 2 được tiến hành trong 2 ngày 26-27/8 với mức giảm lần lượt 0,09% và 0,07% xuống 6,4085 CNY/USD, giảm tổng cộng 4,8% từ 6,1162 CNY/USD vào cuối ngày 10/8.
Quyết định phá giá quy mô lớn được PBOC diễn giải là để thị trường tác động nhiều hơn đến việc quyết định tỉ giá. Theo đó, PBOC sẽ thiết lập tỉ giá tham chiếu hằng ngày dựa trên mức tỉ giá đóng cửa trên thị trường trong phiên giao dịch trước đó, cho phép CNY được giao dịch tự do. Tuy nhiên, động thái cấp tập và bất ngờ của PBOC đã gây tác động rất lớn đến tình hình tài chính toàn cầu, hàng loạt đồng tiền chủ chốt và giá cả trên thị trường hàng hóa quốc tế bị sụt giảm mạnh, đe dọa nguy cơ hình thành một cú sốc giảm phát trên phạm vi toàn cầu.
Theo giới quan sát, PBOC đang nỗ lực kiểm soát các động thái phá giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế rủi ro CNY giảm giá quá mức sẽ khiến các dòng vốn “tháo chạy” khỏi Trung Quốc. Trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 8,3% trong tháng 7. Do xuất khẩu giảm sút và CNY mất giá, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 8 giảm tới 14,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, PBOC đã thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ như liên tục giảm lãi suất và tỉ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng GDP của Trung Quốc không tăng như kỳ vọng, thị trường chứng khoán lao dốc.
Về mặt nghiệp vụ, quyết định phá giá của PBOC chấm dứt trên 2 thập kỷ ổn định tỉ giá để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, CNY được neo chặt chẽ với USD nhằm hỗ trợ xuất khẩu do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Nhờ đó, GDP của Trung Quốc liên tục tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm liên tục, thậm chí vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và suy thoái sau đó, trong khi tình hình kinh tế tại hầu hết các nước khác trên thế giới đều u ám.
Hiện nay, giá cả trên thị trường thế giới đã giảm mạnh so với thời điểm xảy ra khủng hoảng vừa qua, nên động thái phá giá của PBOC chỉ có thể hỗ trợ khiêm tốn cho xuất khẩu, thậm chí phản tác dụng.
Về lý luận và thực tiễn, tỉ giá cố định thường được các ngân hàng Trung ương thiết lập trong trường hợp lạm phát cao nhằm nhanh chóng ổn định kinh tế, góp phần khôi phục lòng tin của người tiêu dùng và ngăn ngừa xu hướng chuyển đổi nội tệ sang ngoại tệ và tài sản khác. Ngoài ra, việc duy trì tỉ giá cố định cũng giúp ngân hàng Trung ương chống lạm phát với chi phí thấp hơn.
Trong trường hợp Trung Quốc, việc duy trì tỉ giá cố định đã có tác dụng làm tăng dòng vốn vào, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố kho dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng thời có nguồn ngoại tệ để mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, dòng vốn vào tăng cao đã buộc PBOC phải can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm giữ cho CNY không lên giá, đồng thời phải giảm chi phí duy trì nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ bằng cách cho nước ngoài vay dưới hình thức mua trái phiếu chính phủ Mỹ với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay trên thị trường trong nước.
Mặc dù dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện nay là 3.600 tỉ USD, nhưng phần nhiều là trái phiếu, tài sản, nên rất khó chuyển đổi sang tiền mặt ngay lập tức. Vì thế, để ngăn chặn làn sóng đào thoát dòng vốn khi thị trường chứng khoán lao dốc, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế.
Trong tháng 8/2015, PBOC đã chi 94 tỉ USD để cứu thị trường tài chính, gần gấp đôi lượng vốn kích thích 50 tỉ USD được tung ra thị trường vào tháng trước, đưa dự trữ ngoại hối quốc gia xuống còn 3.560 tỉ USD. Từ trung tuần tháng 6/2015 đến nay, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã bốc hơi trên 40%, riêng trong 5 phiên giảm liên tiếp từ ngày 22-26/8 đã bốc hơi trên 23%. Chính cơ chế neo tỉ giá vào USD trong thời kỳ khủng hoảng vừa qua đã khuyến khích các dòng vốn đầu cơ len lỏi vào Trung Quốc để thu lợi từ mức lãi suất cao và sự lên giá của CNY so với USD, và thị trường chứng khoán lao dốc mạnh là hệ quả tất yếu.
Tỉ giá cố định không khuyến khích các doanh nghiệp phòng tránh rủi ro đối với các khoản vay nước ngoài ngắn hạn, do các doanh nghiệp chỉ bắt đầu thực hiện dự phòng khi đồng bản tệ mất giá, làm tăng mức độ bất ổn trên thị trường tài chính.
Việc duy trì tỉ giá cố định quá lâu và chính sách hỗ trợ xuất khẩu đã làm suy giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và khó có khả năng chống đỡ những biến động kinh tế bên ngoài, đây là bài học đã xảy ra tại một số nước áp dụng chính sách neo tỉ giá với USD và Frank Pháp trong những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù chỉ là những cú sốc rất nhỏ, chưa kể đến sự tấn công của đầu cơ. Điều này có thể thấy rõ trong thời kỳ khủng hoảng tài chính gần đây, khi dòng vốn quốc tế tràn vào Trung Quốc, Brazil và một số thị trường mới nổi khác nhằm đầu cơ lãi suất. Hiện nay, dòng vốn này đang ồ ạt rút khỏi Trung Quốc.
Động thái phá giá của PBOC đã bắt đầu tác động đến lạm phát, với mức lạm phát trong tháng 8/2015 đã tăng 2,0% sau khi tăng 1,6% trong tháng trước.
Về lý luận, lạm phát tăng sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng lạm phát tăng lại mâu thuẫn với nỗ lực giảm lãi suất liên tục trong thời gian qua, lạm phát tăng cũng cản trở chi tiêu cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực tái cân bằng cung cầu theo hướng giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.
Với những thực tế đang diễn ra tại Trung Quốc, ngân hàng Trung ương của mỗi nước cần có chính sách tỉ giá thích hợp và hạn chế can thiệp vào tỉ giá. Về nguyên tắc, phải có chính sách thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, như thế mới có thể tồn tại và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa với nhiều biến động khó lường.