Có thể thấy sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của ngành Ngân hàng trong việc triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67 như: NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai của các NHTM; các NHTM đã chủ động tiếp cận các chủ tàu được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thông tin về chính sách và hướng dẫn hồ sơ vay vốn của các chủ tàu...
NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo
Về công tác chỉ đạo để triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các văn bản chỉ đạo như: Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 và Thông tư số 21/2015/TT-NHNN ngày 16/11/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định 89 của Chính phủ; tổ chức hội nghị triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67 tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 26/9/2014 nhằm hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến thực hiện chính sách; có văn bản chỉ đạo đôn đốc NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển, các ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực triển khai Nghị định 67.
Ngoài ra, Thống đốc NHNN có văn bản gửi đồng chí Bí thư, Chủ tịch của 28 tỉnh/thành phố ven biển đề nghị khẩn trương phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 67, dự kiến nhu cầu vốn vay để ngành ngân hàng xây dựng kế hoạch cho vay và phối hợp triển khai Nghị định 67 tại địa phương.
Trong thời gian triển khai, NHNN đã thành lập Đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá tình hình triển khai Nghị định 67 tại các địa phương, phối hợp với Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của một số địa phương (Quảng Nam, Bình Định, Nghệ An, Kiên Giang...) tổ chức các buổi làm việc nhằm đối thoại trực tiếp với ngư dân để nắm bắt khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chương trình từ đó có đề xuất xử lý phù hợp.
Đặc biệt, NHNN đã kịp thời có văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Nghị định 67. Về mức cho vay, NHNN yêu cầu các NHTM tạo điều kiện để khách hàng được vay vốn mức cao nhất theo quy định của Nghị định 67, không bắt buộc chủ tàu phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm để triển khai đóng mới, nâng cấp tàu.
Về đẩy nhanh quá trình thẩm định cho vay, NHNN yêu cầu các NHTM kịp thời cử đại diện tham gia Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo Nghị định 67 tại địa phương để phối hợp ngay từ khâu lựa chọn, phê duyệt chủ tàu, từ đó đẩy nhanh quy trình thẩm định cho ngư dân vay vốn.
Đối với việc cho vay vốn đối ứng, trong trường hợp chủ tàu tạm thời gặp khó khăn về vốn đối ứng, các NHTM cần thực hiện xem xét cho vay theo cơ chế cho vay thông thường để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Về chính sách lãi suất, NHNN đã tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ từ 7%/năm xuống 6,5%/năm .
Được sự chỉ đạo của NHNN, NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham gia Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của địa phương và chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67. Các NHNN chi nhánh cũng là đầu mối chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc triển khai Nghị định 67 của các NHTM trên địa bàn; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn kịp thời giải quyết khó khăn, hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu, đồng thời các NHNN chi nhánh đã chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chỉ đạo của ngành về hoạt động tiền tệ ngân hàng nói chung và về triển khai Nghị định 67 nói riêng trên địa bàn.
NHTM tích cực triển khai Nghị định 67
Trên cơ sở văn bản hướng dẫn và chỉ đạo của NHNN, các NHTM (đặc biệt là các NHTM nhà nước) đã tích cực triển khai thực hiện Nghị định 67, cụ thể: Ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai chính sách tín dụng thống nhất trong toàn hệ thống từ Hội sở đến các chi nhánh, phòng giao dịch; cam kết đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ và tổ chức hội nghị của ngân hàng triển khai, đối thoại trực tiếp với ngư dân để phổ biến chính sách của Chính phủ và thực hiện thông tin tuyên truyền về chính sách với nhiều hình thức khác nhau; tham gia vào Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về triển khai Nghị định số 67 tại địa phương nhằm tiếp cận ngay từ đầu các hồ sơ được phê duyệt, rút ngắn thời gian thẩm định, ký kết hợp đồng tín dụng với ngư dân; thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn người dân về hồ sơ, thủ tục vay vốn.
Kết quả cho vay theo Nghị định 67 của ngành ngân hàng
Trong năm 2016, NHNN cũng chỉ đạo các NHTM quyết liệt triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 và đã đạt được những kết quả tích cực. Việc ký kết hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và ngư dân ngày càng tăng mạnh, từ 329 con tàu cuối năm 2015 đến nay các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 823 tàu (trong đó 40% là tàu vỏ thép, vỏ composite công suất lớn) với tổng số tiền cam kết cho vay là 8.195 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 6.513 tỷ đồng, dư nợ đạt 6.481 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của các ngân hàng trong triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ, giúp người dân tiếp cận chính sách tín dụng có hỗ trợ lãi suất của Nhà nước để đóng những con tàu lớn, hiện đại vươn khơi xa bám biển làm kinh tế.
Có thể thấy, sau hơn 02 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Nghị định 67 đã được người dân vui mừng đón nhận, được sự đồng thuận của toàn xã hội và phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Việc thực hiện Nghị định 67 nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Nghị định 67 đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định 67 đến hết năm 2017
Ngày 31/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 113/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2016 trong đó có nội dung kéo dài thời gian thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến 31/12/2017. Để tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đạt hiệu quả, NHNN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp rà soát các chủ tàu đã được phê duyệt nhưng chưa có nhu cầu vay vốn đóng tàu để đưa ra khỏi danh sách, đồng thời tiếp tục lựa chọn, phê duyệt thay thế những ngư dân có nhu cầu, nguyện vọng đóng tàu và có đủ điều kiện hưởng chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo quy định tại Nghị định 67; chỉ đạo các cấp có thẩm quyền phối hợp cùng ngành ngân hàng trên địa bàn đôn đốc các chủ tàu đã được vay vốn theo Nghị định 67 thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết để chính sách tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ đạt hiệu quả.