Gần kết thúc nửa chặng đường của năm 2017, đánh giá về những kết quả điều hành trong 6 tháng đầu năm 2017, có thể thấy ngành Ngân hàng đã có những thành công trong kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hỗ trợ phát triển kinh tế. Điều này thể hiện ở những diễn biến kinh tế vĩ mô:
Về lạm phát: Mục tiêu lạm phát năm 2017 là kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4% khi mà nền lạm phát năm 2016 là 4,74%. Để kiểm soát mục tiêu lạm phát, các giải pháp chính sách của NHNN đều tập trung vào điều tiết tiền tệ hợp lý, phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành để kiểm soát lạm phát 5 tháng đầu năm 2017 bình quân là 4,47%, đây là mức lạm phát đã giảm từ mức 5,25% và 5,24%, rồi 4,96% của các tháng trong năm 2017, cho thấy diễn biến lạm phát đã theo hướng rất tích cực và phù hợp với các giải pháp điều hành của Chính phủ, NHNN cũng như sự phối kết hợp của các bộ, ngành.
Về tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP không cao bằng cùng kỳ năm ngoái và đặc biệt là thấp hơn mục tiêu 6,7%. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt và cũng đã họp với các bộ, ngành để chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh, phấn đấu để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,7% mặc dù mục tiêu này vô cùng thách thức.
Tình hình tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm 2017 diễn biến về cơ bản là tích cực và ổn định.
Đáng chú ý là diễn biến về lãi suất: Ngay từ đầu năm, NHNN cũng như đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy giữ ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay cũng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, NHNN theo dõi rất sát diễn biến thị trường, trước lo ngại về áp lực tăng lãi suất khi một số NH tăng lãi suất huy động (chủ yếu là tăng lãi suất huy động tiền gửi trên 12 tháng, một số TCTD phát hành chứng chỉ tiền gửi), NHNN đã chủ động, tổ chức họp với các NHTM để đánh giá tình hình cụ thể, xác định nguyên nhân, từ đó chỉ đạo các TCTD đưa ra các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, trong điều hành hàng ngày về thanh khoản, NHNN đã điều tiết lãi suất, khối lượng và kỳ hạn giao dịch trên thị trường liên ngân hàng hợp lý để hỗ trợ các TCTD giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Trong điều hành, Thống đốc cũng kiên quyết chỉ đạo các TCTD phải chú trọng kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo cân đối nguồn vốn và huy động vốn, từ việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn hay kiểm soát những lĩnh vực rủi ro như là tín dụng bất động sản, tín dụng trung và dài hạn, những dự án tín dụng BOT (NHNN không đưa ra quy định cấm hay quy định ngưỡng đối với tín dụng đối với các dự án BT hay BOT mà chỉ đạo các TCTD phải cân đối nguồn vốn cũng như sử dụng vốn một cách hợp lý sao cho cấp được tín dụng theo yêu cầu sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống).
Về tín dụng, NHNN đề ra chỉ tiêu tín dụng khoảng 18% trong năm 2017. Trên cơ sở đó, NHNN thông báo tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD. Sáu tháng đầu năm 2017, tín dụng đã có tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ những năm trước đây. Số liệu đến ngày 25/5, tín dụng tăng ở mức 6,53% và cao hơn so với cùng kỳ 2016 (là 5%) và cùng kỳ 2015 (là 4,5%). Tín dụng tăng cao đã hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là giải ngân vốn đầu tư công chưa được đẩy mạnh trong những tháng đầu năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của chính phủ. Tín dụng bất động sản cũng diễn biến rất đúng và trúng với chủ trương điều hành của Thống đốc, đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản đã được kiểm soát chậm lại so với năm 2016.
Đối với diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối: phải đối mặt với đầy khó khăn thách thức vào thời điểm cuối năm 2016 và đầu năm 2017 khi thị trường tài chính thế giới và trong nước biến động phức tạp trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trước bối cảnh đó, NHNN theo dõi rất sát diễn biến thị trường, từ đó công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày một cách phù hợp theo đúng diễn biến của tỷ giá ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng trong nước cũng như diễn biến ngoại tệ của thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Việc điều tiết hợp lý trên thị trường tiền đồng kết hợp với chính sách tỷ giá hợp lý đã giúp cho thị trường ngoại hối và tỷ giá khá ổn định (đến nay tỷ giá trung tâm tăng trên 1% so với đầu năm 2016). Những tháng đầu năm NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, tất cả nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và các tổ chức đều được đáp ứng kịp thời và thị trường thông suốt.
+ Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như chương trình cho vay nông nghiệp, nông thôn ứng dụng công nghệ cao, chương trình tín dụng theo Nghị định 67…tiếp tục được NHNN chỉ đạo hệ thống tích cưc triển khai. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp khó khăn như trong thời gian vừa qua, Thống đốc cũng đã chỉ đạo các TCTD phải phối hợp và có sự hỗ trợ kịp thời.
Đối với việc xử lý nợ xấu, NHNN đã triển khai rất quyết liệt trong những năm vừa qua, tuy nhiên việc xử lý nợ xấu chưa được nhanh và triệt để như mong muốn do gặp rất nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc về pháp lý. Chính vì vậy, NHNN cũng có những báo cáo chi tiết, đầy đủ trình Chính phủ, Quốc hội nhiều lần từ năm 2014 đến nay. Nghị quyết của BCH TƯ Đảng, Nghị quyết của Quốc hội giao NHNN chủ trì xây dựng dự thảo Luật sửa đổi bổ sung luật các TCTD và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Những tháng đầu năm 2017. NHNN cũng rất tích cực chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết cũng như hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu.
Trong các nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đặt ra nhiệm vụ cho ngành NH là phải xử lý nợ xấu triệt để, tránh nợ xấu mới phát sinh. Để thực nhiệm vụ đó, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã đặt trọng tâm để xử lý những vướng mắc, nhất là những cản trở lớn phát sinh trong quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian qua, cụ thể:
(i) Phạm vi nợ xấu được điều chỉnh bởi nghị quyết của Quốc hội bao gồm các khoản nợ xấu hiện tại tức là nợ xấu được tính đến 31/12/2016 và nợ xấu phát sinh trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết quốc hội không bị giới hạn về thời điểm phát sinh nợ xuất (Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận thời hạn này trong vòng 5 năm).
(ii) Dự thảo Nghị quyết Quốc hội cũng quy định theo hướng tạo lập một thị trường mua bán nợ vì kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, để xử lý nợ xấu hiệu quả cần phải phát triển và hình thành một thị trường mua bán nợ với những nội dung sau:
+ Cho phép các TCTD, VAMC được bán các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo theo giá thị trường và theo quy định của pháp luật, kể cả việc bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ, đây là một điểm vướng mắc rất nhiều trong thời gian qua;
+ Cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu kể cả nội bảng, kể cả ngoại bảng; cho phép VAMC chuyển đổi các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang các khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường; cho phép VAMC bán nợ cho mọi tổ chức và cá nhân. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được bán các khoản nợ xấu cho các doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh mua bán nợ (như vậy VMC không được bán cho các tổ chức cá nhân không kinh doanh mua bán nợ). Những quy định nêu trên cho phép VAMC có thể tiếp tục xử lý được các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt trong thời gian qua.
+ Dự thảo NQ quy định bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản đảm bảo của khoản nợ đã mua, được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.
(iii) Dự thảo Nghị quyết có quy định để bảo đảm quyền chủ nợ. Với đặc thù của các TCTD là trung gian tài chính, nguồn vốn cấp tính dụng của các TCTD chủ yếu là nguồn tiền huy động từ người dân, cho nên khi bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, có nghĩa là đảm bảo quyền lợi của người giửi tiền. Dự thảo Nghị quyết Quốc hội có những quy định để đảm bảo quyền của chủ nợ ở khía cạnh đảm bảo quyền thu giữ tài sản. Trong quá trình xử lý nợ xấu trong những năm qua, vướng mắc chủ yếu đó là bên đảm bảo không chịu giao tài sản đảm bảo cho bên nhận đảm bảo khi không thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng thỏa thuận giữa TCTD và bên đảm bảo. Các quy định pháp lý hiện hành cũng chưa có những điều khoản quy định đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp và chính đáng cho các chủ nợ. Bởi vậy, dự thảo nghị quyết lần này quy định rõ các điều kiện chặt chẽ như: các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, VAMC có quyền xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của Bộ luật Dân sự; có thỏa thuận về quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong hợp đồng bảo đảm; giao dịch đảm bảo phải được đăng ký theo quy định của pháp luật, sự tham gia giám sát của các cơ quan nhà nước…
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn những quy định khác để xử lý những vướng mắc trong quá trình thu hồi và xử lý nợ xấu trong thời gian vừa qua, chẳng hạn như là những quy định chuyển nhượng TSĐB là những dự án bất động sản hay quy định về tài sản của người đang bị thi hành các vụ án thì không bị kê biên trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nợ…