Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các TCTD đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, chủ yếu xoay quanh các nội dung: khái niệm nợ xấu được đề cập trong Nghị quyết; việc thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) gắn với nợ xấu; bán nợ xấu theo giá thị trường, đồng thời đề phòng nguy cơ trục lợi trong quá trình bán nợ xấu; nhấn mạnh không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân làm phát sinh nợ xấu nhằm xử lý theo các quy định của pháp luật, không coi Nghị quyết này là đặc quyền cho các tổ chức tín dụng tiếp tục lại gây ra nợ xấu mới.
Phát biểu giải trình làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD nhận định: “Ý kiến của các đại biểu rất xác đáng, thể hiện tâm huyết và chia sẻ, đồng hành của các vị đại biểu Quốc hội với hoạt động ngân hàng nói chung cũng như công tác xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu cũng như Luật Các TCTD”.
6 nguyên nhân khách quan và 5 nguyên nhân chủ quan của nợ xấu
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã hoàn thiện trình Thủ trướng Chính phủ dự thảo quyết định phê duyệt việc cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn 5 năm tới cũng như gắn với xử lý nợ xấu. Trong đó, các giải pháp cụ thể về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy, tăng cường trách nhiệm và năng lực thanh tra giám sát, đảm bảo an toàn của hệ thống NHNN cũng như tăng cường chức năng kiểm tra, kiểm soát nội bộ và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đã được quy định cụ thể.
Xác định nguyên nhân của nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu 6 nguyên nhân khách quan gồm: bất ổn kinh tế, chính trị quốc tế trong bối cảnh kinh tế trong nước còn khó khăn; quy mô hoạt động của nhiều doanh nghiệp còn rất nhỏ và phụ thuộc vào thị trường thế giới; trong một giai đoạn các chính sách kinh tế, đặc biệt chính sách vĩ mô cũng còn thiếu tính ổn định;cơ chế chính sách về xử lý tài sản còn bất cập; khách hàng vay không tuân thủ giao kết hợp đồng, còn chây ỳ và trốn tránh nghĩa vụ trả nợ; thị trường vốn còn chưa phát triển tương xứng nên hệ thống ngân hàng vẫn là kênh tài trợ chủ yếu cho đầu tư và phát triển. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng thẳng thắn nhìn nhận 5 nhóm nguyên nhân chủ quan tạo ra nợ xấu là: quy trình tín dụng của một số TCTD chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ;rủi ro về đạo đức của cán bộ ngân hàng; đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng trong 5 năm qua chưa thể giải quyết được những yếu kém cơ bản của hệ thống các TCTD cũng như xử lý nợ xấu một cách triệt để; năng lực tài chính của các TCTD còn hạn chế; công tác thanh tra - giám sát của NHNN vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống các TCTD trong tình hình mới.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, tỷ lệ nợ xấu hiện nay có thể chiếm tới 10,8% tổng dư nợ tín dụng. Đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ; tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ; nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Thống đốc cho biết, theophân loại của NHNN, hiện nay, trong số tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC thì nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 6,3%; nợ của hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng trên 21%; nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8% tổng dư nợ. |
Thống đốc NHNN khẳng định Nghị quyết được xây dựng chặt chẽ nhằm đảm bảo không tạo điều kiện cho các TCTD, các tổ chức, cá nhân trục lợi. Các hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến phát sinh nợ xấucủa các cá nhân, tổ chức đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.Để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, NHNN định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới phải kiểm soát được ổn định vĩ mô, tạo điều kiện tăng cường năng lực thanh tra, giám sát cũng như yêu cầu các TCTD phải tăng cường năng lực quản trị điều hành để hạn chế phát sinh nợ xấu.
Đảm bảo quy định của Nghị quyết hợp lý, phù hợp với Hiến pháp và các luật
Về phạm vi nợ xấu áp dụng trong Nghị quyết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng nhận thấy việc xử lý các khoản nợ xấu đã có cũng như các khoản nợ xấu sẽ phát sinh là cần thiết, thay vì chỉ áp dụng với các khoản nợ xấu hiện tại. Nợ xấu là vấn đề đi liền với hoạt động ngân hàng, NHNN thống kê, trong những năm qua, nợ xấu phát sinh thêm hàng năm trung bình từ 1,3% - 1,5%.
Một trong những vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm là thu giữ tài sản đảm bảo, Thống đốc khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo là hợp pháp, hợp lý, hợp tình, bởi được thực hiện theo thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa TCTD và khách hàng khi xác lập giao dịch cấp tín dụng và giao dịch bảo đảm. Về nguyên tắc, chủ tài sản khi đã giao kết hợp đồng giao dịch bảo đảm thì đã nhất trí với việc thu giữ này. Trình tự, thủ tục của việc thu giữ tài sản bảo đảm cũng đã được quy định tại các luật.
Về bán đấu giá nợ xấu theo giá thị trường, ông Lê Minh Hưng giải thích, thẩm quyền quy định bán đấu giá tài sản đã được quy định tại Bộ luật Dân sự và các nghị định của Chính phủ đã cho phép các bên thỏa thuận, nhưng các bên vay cũng được quyền thỏa thuận nếu có sự chấp thuận của các bên đi vay thì pháp luật cho phép bán theo cơ chế thỏa thuận. Trong trường hợp có sự tranh chấp thì việc đó phải được thực hiện qua đấu giá. định giá theo các quy định đấu giá và xử lý tài sản. Những quy định như vậy là cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch.
Theo chương trình nghị sự của Quốc hội, ngày 12/6, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi cơ quan soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến. Ngày 21/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến góp ý nhằm chỉnh lý và thực hiện các quy trình để trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2017.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, trong phiên họp sáng 7/6 của Quốc hội, các đại biểu cũng góp ý xung quanh phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, vấn đề miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã tiếp thu các ý kiến để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện. |