Chính sách quản lý của các nước về tiền ảo
Khác với khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử đã khá rõ đối với các nước trên thế giới; đến nay, vẫn chưa có được một định nghĩa hay cách đối xử, hay hành lang pháp lý và quản lý thống nhất, rõ ràng với các đồng tiền ảo trên phạm vi toàn thế giới.
Phạm vi, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các đồng tiền ảo thể hiện trên các khía cạnh phương diện đồng tiền pháp định, phương tiện thanh toán và sử dụng trong thanh toán và phương diện tài sản và quản lý thuế.
Theo báo cáo của Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước, có 4 cấp độ quản lý khác nhau của các quốc gia đối với tiền ảo hiện nay đang được các nước thực thi và hầu hết là khá thận trọng đối với tiền ảo, cụ thể:
Cấm trên diện rộng
Một số quốc gia như Bangladesh, Bolivia, Ecuador, Kyrgyzstan… cấm tổ chức/cá nhân không được phép giao dịch mua bán, sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác trên lãnh thổ quốc gia.
Cấm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hay Ngân hàng Trung ương Niregia đã phủ nhận tính hợp lệ của đồng Bitcoin bằng việc ban hành Cảnh báo về rủi ro của đồng Bitcoin, trong đó cấm các tổ chức tài chính sử dụng hay mua bán Bitcoin hay các loại tiền ảo khác. Mới đấy là Trung Quốc cấm ICO (phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng) coi là hoạt động huy động vốn bất hợp pháp. Cả 4 cơ quan, bao gồm NHTW Trung Quốc, Ủy ban Chứng khoán TQ, Ủy ban Giám sát NH TQ và Ủy ban Giám sát Bảo hiểm TQ đã ra tuyên bố chung về vấn đề này. Sau thông tin này, giá Bitcoin đã giảm 5%.
Cảnh báo rủi ro đối với người sử dụng, đầu tư
Phần lớn các nước đã có tuyên bố liên quan đến Bitcoin và/hoặc tiền ảo đều gián tiếp hoặc trực tiếp không thừa nhận Bitcoin và các đồng tiền ảo khác là phương tiện thanh toán hay đồng tiền pháp định của quốc gia mình; đưa ra cảnh báo về sự rủi ro của các loại tiền ảo và khuyến nghị người dân không tham gia mua bán tiền ảo và không được Nhà nước bảo vệ đối với những rủi ro, tổn thất nếu xẩy ra.
Ở cấp độ này, nhiều nước không cấm việc trao đổi và mua bán Bitcoin cũng như các loại tiền ảo và coi đó như một loại tài sản và đánh thuế trên các giao dịch mua bán Bitcoin (như Anh, Canađa, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan…).
Hay một số quốc gia cho phép sự hình thành và phát triển của các sàn giao dịch Bitcoin và các loại tiền ảo thông qua cấp giấy phép hoạt động như Nhật Bản, Singapore hay Bang New York (Hoa Kỳ)…
Chấp nhận như một phương tiện thanh toán
Gần đây, đã có sự thay đổi trong cách nhìn nhận và đối xử của các nước đối với tiền ảo. Liên bang Nga và Thái Lan đã từ việc coi giao dịch mua bán, trao đổi và sử dụng Bitcoin là bất hợp pháp sang biện pháp cảnh báo rủi ro.
Ác-hen-ti-na coi Bitcoin như một loại tiền nhưng không phải tiền pháp định và chịu sự quản lý của Nhà nước căn cứ trên Luật Dân sự như một loại hàng hóa bị đánh thuế giao dịch.
Đặc biệt gần đây nhất, Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) đã sửa Luật các dịch vụ thanh toán qua đó coi Bitcoin là một phương tiện thanh toán trả trước, hợp pháp trên lãnh thổ Nhật Bản kể từ 01.4.2017 và chịu sự quản lý của JFSA.
Tiền ảo và tiền điện tử sẽ được phép giao dịch và thanh toán như thế nào tại nước ta?
Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, ở Việt Nam hiện nay, khuôn khổ pháp lý đối với tiền điện tử đã khá rõ ràng. Mặc dù chưa có định nghĩa và quy định thống nhất đối với tiền điện tử nhưng NHNN đã có các quy định riêng đối với các hình thức thể hiện của tiền điện tử là Ví điện tử (tiền điện tử dựa trên phần mềm ứng dụng) và Thẻ trả trước (tiền điện tử dựa trên thẻ vật lý). Đây là hai hình thức thể hiện phổ biến nhất của tiền điện tử trên thế giới hiện nay.
Đối với Bitcoin và các loại tiền ảo khác, ngày 27/02/2014, Ngân hàng Nhà nước đã có thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó khẳng định: Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử”. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao làm đầu mối rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ (thời hạn hoàn thành: tháng 8/2018); đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, Ngành khác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo cũng như biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan tới tài sản ảo, tiền ảo.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử cũng như phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, Ngành để đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian tới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.