Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 diễn ra chiều 2/3, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã trả lời những câu hỏi của phóng viên liên quan đến các hoạt động đầu tư Bitcoin, sàn Forex, về kiểm soát hoạt động của các ví điện tử, trung gian thanh toán trong các giao dịch ngoại hối, tiền ảo…
Nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào các sàn Forex
Liên quan đến hoạt động của các mô hình tự xưng là giao dịch ngoại hối (Forex), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh ngoại tệ trong nước và quốc tế đều phải do các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại được NHNN cấp phép, đủ các điều kiện mới được phép kinh doanh các loại hình dịch vụ này.
Hiện nay, NHNN chưa cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào ngoài những tổ chức tín dụng mà NHNN đã cấp phép. Do vậy, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, những tổ chức hoạt động như sàn Forex (thị trường phi tập trung giao dịch các loại ngoại tệ) hiện nay là không đúng với quy định của pháp luật, cần phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Phó Thống đốc cho biết thêm, đã không đúng quy định pháp luật mà người dân vẫn đưa tiền vào đây đầu tư thì rõ ràng là hết sức rủi ro và chắc chắn pháp luật không bảo vệ cho những rủi ro đó. Chính vì thế, NHNN đề nghị mỗi người dân hết sức thận trọng, nhất là kinh doanh mời chào đến mấy trăm phần trăm lãi suất, trong điều kiện hiện nay rất khó khăn để có được lợi nhuận cao như thế. “Ngay từ đầu đã thấy dấu hiệu của sự không minh bạch, không đúng đắn và lừa đảo. Các nhà đầu tư, người dân có tiền, trước khi đầu tư vào lĩnh vực nào đó, nên tham khảo, tư vấn thêm từ các cơ quan chức năng, ngân hàng thương mại” - ông đưa ra khuyến nghị.
Thực tế, hoạt động sàn forex trái phép được thực hiện trên không gian mạng, vì vậy để phát hiện, ngăn chặn và xử lý cần có sự phối hợp kịp thời của cơ quan chức năng...
Đối với ý kiến cho rằng khó kiểm soát được hoạt động của các ví điện tử, trung gian thanh toán trong các giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán quốc tế, và cách phát hiện đâu là giao dịch hợp pháp, đâu là giao dịch bất hợp pháp, Phó Thống đốc khẳng định, không thể phủ nhận sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem lại lợi ích lớn trong cuộc sống, nhất là những dịch vụ trung gian thanh toán như hiện nay, với rất nhiều sản phẩm, rất nhiều đơn vị cung ứng những dịch vụ này. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN luôn coi trọng bảo đảm an toàn cho việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ trung gian thanh toán và làm sao có những đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro của chính những đơn vị đó và cho những người tham gia thanh toán.
Theo Phó Thống đốc, liên quan đến hoạt động của các ví điện tử, trung gian thanh toán, pháp luật hiện hành đã có những quy định nhằm ngăn chặn giao dịch ngoại hối trái phép như Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định hoạt động thẻ ngân hàng (được sửa đổi, bổ sung), Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán (được sửa đổi, bổ sung)… thậm chí các văn bản đã được ban hành từ rất lâu. Không những thế, hàng năm, NHNN đều chỉ đạo các tổ chức tín dụng cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thường xuyên cảnh báo cho người sử dụng nhằm hạn chế rủi ro. “Tất cả những giao dịch thông qua các ngân hàng được phép, các tổ chức trung gian thanh toán được phép một cách công khai, chính xác thì câu chuyện phát hiện hợp pháp hay bất hợp pháp không có gì là khó” – Phó Thống đốc cho hay.
Phó Thống đốc cũng lưu ý người dân khi tham gia vào các hệ thống thanh toán này cần bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân của mình, tuân thủ những quy định để đảm bảo quyền lợi khi tham gia. Thời gian qua, NHNN đã thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại có trách nhiệm đối với khách hàng như: nhắn tin, hướng dẫn những vấn đề kẻ gian có thể lợi dụng trong giao dịch thanh toán. Do đó, khách hàng khi sử dụng dịch vụ cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các tổ chức tín dụng, tuân thủ các quy định về an toàn, bảo mật.
Bitcoin và các loại tiền ảo không phải tiền tệ, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam
Từ những năm trước, NHNN đã có cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ đối với các hoạt động, giao dịch liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó khẳng định quan điểm: “Theo các quy định pháp luật hiện hành, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam”; đồng thời, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thận trọng, không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo, Phó Thống đốc một lần nữa khẳng định tiền ảo không phải đồng tiền pháp lệnh, nó là loại tài sản ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghệ, không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam.
Như vậy, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật hiện hành. Tiền ảo Bitcoin cũng không phải là tiền điện tử.
Theo NHNN, Bitcoin là tiền ảo/tiền mã hóa (crypto-currency), không phải tiền điện tử (e-money) mang tính ẩn danh cao, không chịu sự quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro, không phải là đồng tiền pháp định, không được cung ứng hoặc bảo đảm bởi Chính phủ hay Ngân hàng Trung ương.
Được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp được giao là đơn vị đầu mối triển khai Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (Quyết định 1255), Bộ Tài chính được giao làm đầu mối lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo, NHNN được giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử.
Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, giám sát các hoạt động phát hành, giao dịch đối với các tài sản ảo thuộc lĩnh vực chứng khoán; đồng thời đang nghiên cứu đề tài “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Hiện các cơ quan chức năng (NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính) đang phối hợp triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.
Liên quan đến nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền điện tử tại Quyết định 1255 nêu trên, NHNN đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có bổ sung quy định về tiền điện tử vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, “Tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động”.
Hiện NHNN đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 và đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo trình tự, thủ tục quy định.