Lãi suất tiền gửi VND tăng thu hút nguồn tiền chảy vào ngân hàng
Khảo sát biểu lãi suất tháng 9/2022 niêm yết trên trang web của các ngân hàng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND trên cả kênh gửi trực tuyến và gửi tại quầy đều đang có xu hướng tăng so với hồi đầu tháng trước.
Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Nam Á (Nam A Bank) cũng tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm lên 6,9%/năm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng lên lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm. Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ngắn từ 1 - 5 tháng tăng nhẹ 0,1%/năm, lên 4%/năm; tương tự với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng tăng 0,1%/năm, lên 6,9 - 7%/năm, còn với kỳ hạn 6 - 7 tháng, ngân hàng này điều chỉnh tăng thêm 0,15%, đưa lãi suất tiết kiệm lên 6,5%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng vừa điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn. Cụ thể, khách hàng khi gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 6 tháng cho gói "Tài lộc" hay gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi" sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1% so với trước đó, lên 6,1 - 6,2%/năm.
Mới đây, ngân hàng TMCP Quân đội (MB) điều chỉnh tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng của MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm, lên 3,8%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất hiện thuộc về Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.
Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với 7,85%/năm. Đây là lãi suất áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất cho sản phẩm này kỳ hạn 24 tháng là 7,7%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 7,55%/năm; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) với 7,3%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 7,1%/năm...
Lãi suất huy động thuộc nhóm "Big 4" gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục duy trì tương tự hồi đầu tháng 8 với mức cao nhất là 5,6%/năm.
Bên cạnh đó, gửi tiết kiệm online ngày càng được nhiều người lựa chọn vì có nhiều điểm nổi trội như thao tác nhanh gọn, bảo mật an toàn và có thể thực hiện 24/7 ngay cả trong những ngày nghỉ lễ, ngày thứ 7, Chủ nhật. Chỉ cần một vài thao tác thực hiện trực tuyến là khách hàng có thể thực hiện việc mở sổ tiết kiệm, kiểm tra thông tin lãi suất, gửi tiền, tất toán, tái tục… cho khoản tiết kiệm của mình.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến ưu điểm của gửi tiết kiệm online là lãi suất cao hơn nhiều so với gửi tại quầy. Mức cộng thêm lãi suất của từng ngân hàng cũng có sự khác biệt rất lớn, thông thường mức cộng thêm là 0,1-0,3 điểm %, tuy nhiên cũng có ngân hàng cộng thêm tới 1,5%/năm.
NamABank là một trong những ngân hàng cộng thêm lãi suất nhiều nhất cho hình thức gửi tiết kiệm online hiện nay. Tại nhà băng này, lãi suất khi gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng chỉ ở mức 6,5%/năm, là mức tầm trung trong hệ thống. Tuy nhiên, khi gửi tiết kiệm online, NamABank niêm yết tới 7,2%/năm, tức cộng thêm tới 0,7 điểm % và là top 3 ngân hàng có lãi suất cao nhất.
Tương tự, ở kỳ hạn 16 tháng, lãi suất gửi online của NamABank ở mức 7,4%/năm, cao hơn gửi ở quầy tới 0,8 điểm %. Đặc biệt, tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất gửi online là 7,4%/năm, cao hơn gửi tại quầy tới 1,5%/năm.
MSB cũng có 2 biểu lãi suất chênh lệch khá nhiều hiện nay. Cụ thể, khi gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 6 tháng sẽ có lãi suất 5%/năm nhưng khi gửi trực tuyến thì được áp dụng tới 5,8%/năm, tức cộng thêm tới 0,8 điểm %. Hay tại kỳ hạn 11 tháng, lãi suất ở quầy của MSB chỉ ở mức 5,3%/năm, thuộc nhóm thấp nhất thị trường nhưng khi gửi online thì được cộng thêm tới 0,6 điểm %, lên 5,9%/năm. Tương tự, các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên cũng được cộng thêm 0,6 điểm %.
Thêm một ngân hàng nữa cũng cộng thêm nhiều lãi suất cho khách hàng gửi online là OCB. Tại nhà băng này, lãi suất gửi online kỳ hạn 6 – 8 tháng lên tới 6,6%/năm, trong khi gửi tại quầy sẽ chỉ 6%/năm. Theo đó, OCB là 1 trong 3 ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường ở kỳ hạn 6 tháng hiện nay. Hay tại kỳ hạn 11 tháng, OCB cũng cộng thêm 0,6 điểm %, lên 6,8%/năm.
Ở nhóm ngân hàng lớn, các nhà băng thường cộng thêm khoảng 0,1%-0,3 điểm % cho hình thức gửi trực tuyến. Chẳng hạn Vietcombank, lãi suất online cao hơn tại quầy 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn như 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng… Hay tại VPBank, khi khách hàng gửi kỳ hạn 6 tháng tại quầy sẽ có lãi suất 5,2%-6,1%/năm trong khi gửi online sẽ có mức lãi suất là 5,4%-6,3%/năm, tức cộng thêm 0,2 điểm %.
Bên cạnh đó vẫn có một số ngân hàng lớn cộng thêm tới 0,5%/năm. Điển hình là Sacombank, khách hàng gửi online kỳ hạn 6 tháng được áp dụng lãi suất 5,9%/năm, cao hơn tại quầy tới 0,5 điểm %. Tương tự, khi gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng sẽ có lãi suất cao nhất 7%/năm, tức cộng thêm 0,5 điểm % so với gửi tại quầy.
Ngoài ra, Eximbank cũng cộng thêm 0,5 điểm % ở một số kỳ hạn như 15 tháng, 36 tháng. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 6,5%/năm khi gửi trực tuyến kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
Không chỉ cộng thêm lãi suất để thu hút người gửi tiền mà nhiều nhà băng còn tập trung thiết kế các sản phẩm gửi tiết kiệm online sao cho phù hợp với nhiều nhu cầu, nhiều đối tượng khách hàng. Từ đó, khách hàng sẽ gắn bó lâu dài với nhà băng mà không phụ thuộc vào việc niêm yết lãi suất cao hay thấp.
Ví dụ, OCB đang triển khai 4 loại hình tiết kiệm online gồm Tiết kiệm trực tuyến, Tiết kiệm linh hoạt OMNI Flex, Hợp đồng tiền gửi điện tử & Tiết kiệm tích lũy điện tử. Ở loại hình tiết kiệm linh hoạt OMNI Flex, cho phép khách hàng tùy chọn ngày đến hạn linh hoạt theo nhu cầu, không cần tròn tháng/quý/năm mà vẫn nhận đầy đủ tiền lãi có kỳ hạn cho số ngày gửi thực tế. Còn khi đăng ký loại hình tiết kiệm tích lũy điện tử, khách hàng có thể gửi góp nhiều lần vào sổ tiết kiệm trong suốt kỳ hạn gửi với lãi suất được thả nổi, không giới hạn số lần nộp tiền
Ngoài tăng lãi, nhiều ngân hàng khuyến khích người dân gửi tiền qua hàng loạt chương trình khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, cộng tiền... Cùng với đó, nếu khách hàng chọn các gói tài khoản đặc biệt kèm điều kiện về số tiền, thời gian gửi, không được phép rút ra trước hạn... còn được ngân hàng áp dụng mức lãi cao hơn, có thể lên đến 7,75% cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng chuẩn bị nguồn vốn cho nhu cầu vay cuối năm ngay sau khi được nới “room” tín dụng
Theo nhận định của các chuyên gia, các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng lãi suất huy động trước nguy cơ lạm phát cùng việc chịu áp lực thanh khoản hệ thống khi tăng trưởng tín dụng luôn duy trì cao hơn tăng trưởng huy động. Nhiều nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, dao động từ 5,5 - 7,55%/năm với kỳ hạn 12 tháng, cao hơn khoảng 0,7% so với đầu năm.
Giới chuyên gia cho rằng, động thái tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian qua có thể nhằm đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) để tránh việc mất cân đối tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, tăng lãi suất huy động còn để kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng khi tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động còn nhằm mục đích chuẩn bị nguồn vốn cho vay dịp cuối năm ngay khi được Ngân hàng Nhà nước phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.
Với khách hàng, gửi tiết kiệm ngân hàng không chỉ là lãi suất đang hấp dẫn mà trong trường hợp rút một phần tiền gửi trước hạn thì phần tiền gửi còn lại sẽ được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất ban đầu. Đây là quy định mới của NHNN có hiệu lực từ 1/8/2022.
Cụ thể, ngày 16/6/2012, NHNN ban hành Thông tư số 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 04), thay thế Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại TCTD. Trong đó quy định: Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi. Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người gửi tiền và cả TCTD, cụ thể:
Đối với người gửi tiền, vẫn được hưởng mức lãi suất ban đầu đối với phần tiền gửi còn lại của khoản tiền gửi bị rút trước hạn (theo quy định trước đây, khi khách hàng rút trước hạn thì toàn bộ số tiền gửi sẽ bị áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn); Không phải chia khoản tiền gửi thành nhiều sổ tiết kiệm hoặc hợp đồng tiền gửi để dự phòng trường hợp cần đến tiền phải rút trước hạn như trước đây; có thể chủ động hơn đối với khoản tiền gửi tiết kiệm dài hạn của mình.
Đối với TCTD, có thể thu hút được nguồn tiền gửi dài hạn do khách hàng sẽ yên tâm gửi kỳ hạn dài mà không bị ảnh hưởng về lãi suất trong trường hợp cần tiền đột xuất phải rút trước hạn; da dạng các sản phẩm tiền gửi để tăng khả năng huy động vốn.
Giữ nguyên lãi suất điều hành tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại hỗ trợ khách hàng
Trong điều hành lãi suất của NHNN, trước áp lực lạm phát trong nước và bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để đối phó lạm phát, những tháng đầu năm 2022, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong điều kiện lãi suất thế giới tăng, tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo NHNN, đến tháng 7/2022, lãi suất huy động tăng khoảng 0,25%/năm. Hiện, lãi suất tiền gửi VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3%-3,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,1-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; 5,4%-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 đến 24 tháng và 6,3%-6,7% đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).
Những tháng cuối năm 2022, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong và ngoài nước, thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022, bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra. Cụ thể:
Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ trong điều tiết thanh khoản hệ thống các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, qua đó hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43/2022/QH15.
Theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. Rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó, xem xét ưu tiên đối với TCTD tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng góp phần hạn chế “tín dụng đen”; đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và phát triển.