Thứ nhất, Nhật Bản đã thông qua đề xuất sửa đổi Luật BHTG năm 2013, trong đó một số sửa đổi quan trọng có thể kể đến như: i) quy định về các biện pháp xử lý như cung cấp thanh khoản và bơm vốn cho các tổ chức trước khi đổ vỡ, hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính khi tổ chức đổ vỡ; ii) mở rộng đối tượng, bổ sung công ty bảo hiểm và chứng khoán vào danh mục các công ty có thể áp dụng khuôn khổ xử lý đổ vỡ; ii) Thủ tướng sẽ kích hoạt các biện pháp xử lý khi nhận thấy sự gián đoạn nghiêm trọng của thị trường tài chính Nhật Bản; iii) nguồn kinh phí cần thiết cho các biện pháp sẽ được trích từ nguồn kết dư Quỹ BHTG và các khoản vay, sau đó được ghi vào Tài khoản xử lý khủng hoảng của DICJ. Trong trường hợp không thu hồi được, khoản này sẽ được bù đắp từ sự đóng góp trong ngành tài chính.
Thứ hai, nhằm tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về Tổng năng lực chịu đựng tổn thất (Total Loss Absorbing Capacity-TLAC), Nhật Bản xây dựng Khuôn khổ TLAC dành cho các ngân hàng có tầm ảnh hưởng hệ thống trên toàn cầu. Theo đó, phương pháp xử lý ưu tiên đối với ngân hàng có tầm ảnh hưởng hệ thống trên toàn cầu là cách tiếp cận điểm duy nhất (Single Point of Entry-SPE). Cụ thể, trong trường hợp công ty con có nguy cơ phá sản, công ty mẹ sẽ xử lý các khoản tổn thất bằng cách xóa sổ hoặc chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu, v.v. Trong trường hợp phải tiến hành thanh lý đối với công ty mẹ, các công ty con chịu trách nhiệm hoạt động kinh doanh chính sẽ được chuyển giao cho tổ chức bắc cầu do DICJ thành lập, tiếp tục hoạt động và nhận hỗ trợ tài chính.
Thứ ba, đối với mỗi ngân hàng có tầm ảnh hưởng hệ thống trên toàn cầu, Nhật Bản thành lập một Hội đồng quản lý khủng hoảng (CMG) để quản lý ngân hàng đó. Các Hội đồng quản lý khủng hoảng này sẽ định kỳ họp vào khoảng tháng 2 hàng năm để báo cáo, thảo luận về các vấn đề chung, sau đó báo cáo kết quả cho FSB và với đơn vị chủ quản của các ngân hàng có tầm ảnh hưởng hệ thống trên toàn cầu tại nước đặt trụ sở chính.
Trong thời gian tới, Nhật Bản cam kết xử lý những vấn đề còn tồn tại, liên tục cải thiện tính hiệu quả của cơ chế xử lý, đồng thời tăng cường quản lý và giám sát hiệu quả các tổ chức tài chính trong giai đoạn bình thường. Cơ quan có thẩm quyền tại Nhật Bản, ngân hàng có tầm ảnh hưởng hệ thống trên toàn cầu và cơ quan thẩm quyền tại các nước đặt trụ sở chính của các ngân hàng này sẽ tiếp tục phối hợp làm việc để có những bước chuẩn bị cần thiết sẵn sàng cho khủng hoảng trong giai đoạn bình thường.