Điều hành tỷ giá cân nhắc trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế
Liên quan đến điều hành tỷ giá, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển diễn ra sáng 14/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả.
Theo Thống đốc, trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang diễn biến khó lường thì NHNN đang nỗ lực điều hành, điều tiết các giải pháp chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường kinh tế vĩ mô.
Đối với vấn đề tỷ giá, Thống đốc cho rằng, khi xuất khẩu, tỷ giá mà các nước phá giá nhiều thì giá của họ sẽ được lợi hơn, cạnh tranh về giá. Còn đối với NHNN, khi điều hành chính sách tỷ giá đứng trên cục diện của toàn quốc gia, có doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu, được lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng sẽ vất vả cho doanh nghiệp nhập khẩu vì phải chịu chi phí.
Theo số liệu được công bố, năm 2022, Việt Nam có xuất siêu là hơn 12 tỷ USD, của doanh nghiệp FDI là xuất siêu đến 36 tỷ đô la Mỹ. Sản xuất trong nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, hàng hóa, máy móc và nguyên vật liệu của nước ngoài, do vậy nếu tỷ giá tăng lên thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ rất vất vả.
Thống đốc cho biết thêm, phía các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá của chúng ta tăng nhanh thì họ cũng không yên tâm bởi nếu họ hoạt động có lãi, nếu chuyển ra ngoại tệ để chuyển về nước thì họ sẽ thấy được vấn đề. “Chính vì vậy, ổn định tỷ giá, không có nghĩa là cố định nhưng cũng phải phù hợp. NHNN cũng phải cân nhắc trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế chứ không phải trên góc độ ổn định của một doanh nghiệp nào cả"- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Thanh khoản thị trường thông suốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ
Nhìn chung, từ đầu năm 2023, tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả 2 chiều, phù hợp với điều kiện thị trường và nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hấp thu cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, về cơ bản, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định trong bối cảnh các dòng ngoại tệ chảy vào nền kinh tế được duy trì, cân đối cung cầu ngoại tệ cải thiện so với năm 2022. NHNN mua được ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Việc điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, cùng với các biện pháp khác của NHNN góp phần ổn định tâm lý thị trường, hạn chế áp lực biến động bất thường, quá mức đối với tỷ giá thị trường, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế, thời gian vừa qua, mặc dù nhiều đồng tiền châu Á khác biến động mạnh nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Về diễn biến tỷ giá, có thể thấy, từ giữa tháng 11/2022, áp lực thị trường tài chính quốc tế giảm bớt. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu giảm dần mức độ tăng lãi suất, DXY (còn được gọi là USD Index là chỉ số đo lường sức mạnh của đồng Đô la mỹ tương quan với 6 loại tiền tệ khác) giảm gần 11% so với mức cao nhất năm 2022. Cùng với các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, phù hợp của NHNN từ năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ giá giao dịch USD/VND thị trường có xu hướng giảm.
Từ giữa tháng 6/2023, khi FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao trong khi lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VND trong nước có dấu hiệu tăng trở lại.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, tỷ giá gần đây có những biến động nhỏ, đó là việc rất bình thường. Một trong những nguyên nhân là chênh lệch giữa lãi suất của Việt Nam và Mỹ, những nhu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp tạo ra những biến động này. Từ đầu năm đến nay, do tình hình kinh tế không được tích cực nên NHNN đã phải đi ngược với xu hướng thắt chặt tiền tệ chung toàn cầu, liên tục hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng. Dưới tác động của chủ trương này, có một số giai đoạn lãi suất USD cao hơn so với VND, dẫn đến tỷ giá phải chịu không ít áp lực.
Trong điều hành lãi suất, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; trong đó, có công văn yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm), qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cung cầu ngoại tệ tiếp tục thuận lợi
Thời gian tới, việc FED vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao, có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa cũng như những diễn biến quốc tế khó lường tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên, nhìn chung, cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt của NHNN là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại ước xuất siêu 20,19 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, chuyển tiền kiều hối về nước ước đạt 10,126 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhu cầu mua bán ngoại tệ nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm phái sinh ngoại tệ để dự phòng rủi ro biến động tỷ giá và lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp cân nhắc sử dụng sản phẩm hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn, tức doanh nghiệp sẽ thực hiện mua/bán ngoại tệ, tại một thời điểm nhất định trong tương lai với tỷ giá đã được xác định ở hiện tại; hay sử dụng các sản phẩm hoán đổi lãi suất 1 đồng tiền (IRS) để đề phòng rủi ro lãi suất ngoại tệ biến động hay dùng sản phẩm hoán đổi lãi suất 2 đồng tiền (CCS) để đề phòng cả rủi ro biến động tỷ giá và lãi suất ngoại tệ thay đổi.
Về phía cơ quan quản lý, thời gian tới, NHNN cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thanh Thủy