Năm 2017, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước diễn biến tương đối ổn định; thanh khoản thị trường ngoại tệ tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm; hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; và NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung DTNHNN.
Diễn biến tỷ giá sẽ ra sao trong năm 2018?
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), 4 tháng đầu năm 2018, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, tiếp tục được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung DTNHNN. Từ ngày 07/02/2018, NHNN bắt đầu niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng để kéo dãn thời gian đưa tiền đồng ra lưu thông, góp phần kiểm soát hiệu quả lượng tiền cung ứng trong khi vẫn mua được ngoại tệ bổ sung DTNHNN, đồng thời quản lý tỷ giá linh hoạt hơn, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường sử dụng các sản phẩm phái sinh ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Năm 2018, có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động của thị trường ngoại tệ. Thứ nhất, nguồn cung ngoại tệ dự kiến tiếp tục dồi dào từ việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo kế hoạch với sự tham gia từ nguồn vốn nước ngoài. Sự ổn định và cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài. 4 tháng đầu năm, nền kinh tế xuất siêu 3,39 tỷ USD và khả năng tiếp tục được hỗ trợ bởi đà tăng trưởng mạnh mẽ toàn cầu trong ngắn hạn (gia tăng nhu cầu toàn cầu).
Thứ hai, diễn biến thị trường quốc tế vừa qua cho thấy đồng USD khó có khả năng tăng mạnh trong ngắn hạn. Mặc dù Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang trong chu kỳ tăng lãi suất và thu hẹp Bảng cân đối, nhưng đà tăng của đồng USD bị hạn chế bởi: (i) thị trường kỳ vọng các ngân hàng trung ương khác thu hẹp chính sách tiền tệ (CSTT) trong ngắn và trung hạn; (ii) quan ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại của Mỹ; (iii) quan ngại về chu kỳ đi xuống của nền kinh tế Mỹ trong ngắn-trung hạn; và (iv) quan ngại về bất ổn chính trị Mỹ và bất ổn địa chính trị toàn cầu.
Thứ ba, cơ chế tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều hành linh hoạt, giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, giảm tình trạng đô la hóa cũng như giảm bớt tác động bất lợi từ các biến động bên ngoài tới thị trường ngoại hối trong nước.
Thứ tư, với quy mô DTNHNN tăng lên thời gian qua, NHNN đủ khả năng và sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để đảm bảo hoạt động ổn định của thị trường ngoại tệ. Theo đó, dự kiến trong năm 2018 và thời gian tới, thanh khoản thị trường ngoại tệ sẽ tiếp tục diễn biến tích cực, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm dần.
Tuy nhiên, NHNN vẫn luôn thận trọng trong điều hành tỷ giá để giảm bớt những cú sốc từ thị trường thế giới, bởi những tác động có thể đến từ động thái của FED và ngân hàng trung ương các nước trong điều hành chính sách tiền tệ, cũng như chính sách bảo hộ thương mại tại một số nước phát triển...
Tỷ giá tiếp tục duy trì xu hướng ổn định
Không quá khó để có thể khẳng định rằng tỷ giá sẽ tiếp tục duy trì xu hướng ổn định trong những tháng còn lại của năm 2018.
Nguyên nhân chính là dòng vốn ngoại, bao gồm cả đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) đang khả quan. Trong năm 2017, NHNN đã mua vào lượng lớn USD. Khối lượng USD đổ vào thị trường Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, khi mà chỉ tính riêng thương vụ bán vốn cho các đối tác nước ngoài của Vingroup và Techcombank dự kiến đã vào khoảng 2,2-2,5 tỉ USD. Ngoài ra, còn rất nhiều thương vụ bán vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty lớn như Vietcombank, BIDV, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVoil, PVPower hay GENCO 3… Các thương vụ này dự kiến sẽ tiếp tục mang về cho Kho bạc Nhà nước nhiều tỉ USD.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến một sự thay đổi theo chiều hướng rất tích cực là cán cân thương mại. Trong quý I/2018, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư khoảng 2,7 tỉ USD. Diễn biến này có được do có sự đóng góp rất lớn của dự án Formosa và tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Do vậy, xu hướng cán cân thương mại thặng dư sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Với diễn biến này, cán cân tổng thể của Việt Nam được dự báo sẽ thặng dư ở mức cao hơn so với con số 13 tỉ USD của năm 2017.
Nếu không có sự can thiệp của NHNN bằng chính sách thì tỷ giá chịu sức ép giảm giá (hay tiền đồng sẽ lên giá) rất lớn khi mà cung USD tăng mạnh. Điểm đáng chú ý là phần lớn trong lượng tiền USD kể trên sẽ thuộc về NHNN. Do đó, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục có xu hướng tăng lên, từ đó sẽ gây áp lực để giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Những tháng cuối năm, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước và mục tiêu CSTT, ổn định thị trường ngoại tệ, từ đó tạo điều kiện để tăng DTNHNN khi thị trường thuận lợi; Phối hợp đồng bộ linh hoạt các công cụ CSTT, tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ CSTT để duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý, góp phần hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế và giá trị VND.