Trong 3 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành; thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ các TCTD ổn định lãi suất; tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất thị trường trong quý I/2017 diễn biến tương đối ổn định. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8-5,4%/năm; 5,6-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7-7,4%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt, các giao dịch ngoại tệ diễn ra bình thường, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời: Trong điều hành, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, duy trì thanh khoản và lãi suất VND liên ngân hàng ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá và không gây sức ép đến lãi suất thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư, tổ chức). Nhờ điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm và điều tiết VND hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá, tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần và từ giữa tháng 3 bắt đầu giảm và ổn định.
Khác với xu hướng của các năm gần đây, tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm. Đến ngày 23/3/2017 tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 1,79%) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%.
Liên quan đến gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo Chính phủ, NHNN đã: (i) Đưa nội dung triển khai chương trình vào Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/1/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động của ngành góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ; (ii) Tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn để bàn về việc triển khai chương trình. Các ngân hàng thương mại đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ và đã đăng ký số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay các dự án có hiệu quả với lãi suất ưu đãi ở mức phù hợp.
NHNN sẽ ban hành Quyết định hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường trong tháng 4/2017. Đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc cho vay phải đảm bảo đúng quy định, khách hàng có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, NHNN tiếp tục chỉ đạo từng TCTD và toàn hệ thống TCTD tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại theo đề án, phương án đã được phê duyệt, trong đó tiếp tục tập trung vào các vấn đề chính như nâng cao năng lực tài chính và quản trị điều hành, tăng cường quản trị rủi ro, đảm bảo thanh khoản... Kết quả là hoạt động của hệ thống các TCTD tiếp tục duy trì ổn định, chất lượng hoạt động và niềm tin của người dân từng bước được tăng cường; hệ thống TCTD tiếp tục thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong những tháng đầu năm 2017, các giải pháp xử lý nợ xấu (như thu hồi nợ từ khách hàng, bán nợ xấu cho VAMC…) tiếp tục được toàn hệ thống triển khai mạnh mẽ quyết liệt. Bên cạnh đó, các TCTD tập trung tăng cường chất lượng hoạt động tín dụng, tuân thủ chặt chẽ các quy định của NHNN về giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động, giảm thiểu rủi ro… Nhờ đó, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và xử lý hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tiếp tục được duy trì ổn định ở mức dưới 3% và có xu hướng giảm dần.
Hiện NHNN đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu để trình Chính phủ, dự kiến trình dự thảo Luật này để Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp tới.
Kiên định các giải pháp điều hành CSTT chủ động, linh hoạt
Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp điều hành phù hợp, sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tạo thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường vốn, ổn định thị trường ngoại tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng theo định hướng đề ra.
Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Tỷ giá được điều hành theo hướng linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông; Triển khai cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan triển khai các chính sách tín dụng, xử lý nợ tháo gỡ khó khăn cho người dân tại 4 tỉnh miền Trung; Tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành để xử lý những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh việc triển khai chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.../.