Xem xét tăng hạn mức BHTG
Tại Canada, sau các sự kiện đổ vỡ ngân hàng nói trên, Hiệp hội ngân hàng và các công ty uỷ thác Canada đã kiến nghị Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) về việc nâng gấp đôi hạn mức BHTG lên 200.000 CAD (tương đương 146.400 USD) đối với mỗi người gửi tiền để bảo vệ tốt hơn hệ thống tài chính nước này. CDIC hiện đang trong quá trình xem xét đề xuất nêu trên. Canada đang áp dụng hạn mức BHTG ở mức 100.000 CAD (tương đương 73.200 USD), thấp nhất trong số các quốc gia G7.
Tại Hàn Quốc, các chính đảng tại Hàn Quốc đã đạt được sự đồng thuận khá hiếm hoi về việc tăng hạn mức BHTG, sau khi 2 đảng lớn nhất trong Quốc hội nước này đều đề xuất việc tăng hạn mức BHTG lên mức 100 triệu KRW (tương đương 76.600 USD) từ mức 50 triệu KRW (tương đương 38.300 USD) được áp dụng từ năm 2001. Hạn mức BHTG tại quốc gia này chưa được thay đổi trong 23 năm, ngay cả khi tổng sản phẩm quốc nội đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn này.
Trấn an người dân về sự an toàn của hệ thống tài chính
Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng trấn an dư luận về khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng khu vực trước nguy cơ khủng hoảng lây lan. Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cho biết lĩnh vực ngân hàng của châu Âu “đang hoạt động ổn định, có lợi nhuận và có khả năng phục hồi tốt nhờ nguồn vốn mạnh và có tính thanh khoản cao”.
Đặc biệt tại một quốc gia EU là Croatia, Cơ quan BHTG Croatia (HAOD) cũng có thông cáo báo chí nhằm trấn an người gửi tiền trong nước. Thông cáo báo chí đã đưa ra những nguyên nhân chi tiết nhằm khiến người gửi tiền an tâm hơn về tình hình ngân hàng tại châu Âu.
Phối hợp hành động để tăng cường tính thanh khoản của đồng USD
Ngày 19/3/2023, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã công bố thỏa thuận trao đổi tiền tệ nhằm khôi phục ổn định giữa cuộc khủng hoảng ngân hàng. Cụ thể, Fed và ECB cùng các ngân hàng trung ương Anh, Canada, Nhật Bản và Thụy Sĩ ngày 19/3/2023 công bố thỏa thuận trao đổi tiền tệ này, trong đó cho phép một ngân hàng trung ương nhận ngoại tệ từ ngân hàng trung ương khác và phân phối lại cho các ngân hàng thương mại trong nước. Ngoài ra, từ ngày 20/3/2023 đến ít nhất là cuối tháng 4/2023, Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ để dư đồng USD cho các ngân hàng thương mại tiếp cận mỗi ngày, thay vì hàng tuần.
Tăng cường sự hiện diện của cơ chế BHTG trong hệ thống luật pháp và mở rộng phạm vi BHTG
Tại châu Âu, ngoài các hoạt động trấn an người gửi tiền, ECB còn thúc giục các nhà lãnh đạo EU xây dựng một cơ chế BHTG chung trên toàn lãnh thổ EU, để bổ sung trụ cột cuối cùng còn thiếu cho Đề án Liên minh ngân hàng châu Âu (được đề ra vào năm 2012) có mục đích chính nhằm củng cố ổn định tài chính và tăng cường giám sát các ngân hàng trong EU.
Tại quốc đảo Barbados (Caribbean), Liên đoàn Hợp tác xã & Liên minh tín dụng đã tiếp tục kêu gọi Chính phủ thực hiện những sửa đổi pháp lý cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các liên minh tín dụng vào hệ thống bảo hiểm tiền gửi của quốc gia này nhằm bảo vệ một cách công bằng tất cả người gửi tiền tại tất cả các tổ chức tài chính.
Các sự kiện trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống BHTG và các tổ chức trong mạng an toàn tài chính đối với sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu, và cho thấy vai trò ngày càng tăng của hệ thống BHTG đối với hệ thống tài chính mỗi quốc gia cũng như các khu vực và trên thế giới. Ngoài ra sự phối hợp giữa tất cả các bên liên quan trong việc xử lý khủng hoảng và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính cũng rất quan trọng trong việc phát triển và phục hồi kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.