Thị trường thẻ thanh toán nội địa chuyển mình rõ rệt
Theo Báo cáo nghiên cứu Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội & TP.HCM cho thấy, mặc dù mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng còn thấp với 46%, nhưng đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt.
Báo cáo cũng cho thấy, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao với 34%. Đặc biệt, thẻ tín dụng đang là một công cụ thanh toán không thể thiếu trong tương lai nhờ những chính sách cho việc mở thẻ ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện và khách hàng ngày càng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.
Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, đến 31/12/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 tổ chức phát hành. Lượng thẻ ghi nợ lớn hơn so với thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng từ năm 2001 đã được phát hành nhưng độ phát triển chưa cao.
Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc NAPAS nhận định, đến nay chỉ có 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu dân thì còn rất nhỏ. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220 nghìn tỉ đồng. Thẻ tín dụng tại Việt Nam được chấp nhận tại hơn 300.000 đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT) và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. 7 tổ chức thẻ tham gia bao gồm NAPAS, Visa, MasterCard, JCB, UnionPay International, American Express và Discover Financial Services. Chủ thẻ Việt Nam có nhiều sự lựa chọn loại hình thẻ đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của mình.
Về phát hành thẻ tín dụng, phần lớn các ngân hàng Việt Nam hiện đang triển khai thông qua các bước lần lượt là đăng ký; hoàn thiện hồ sơ; ngân hàng đánh giá hồ sơ và thẩm định khách hàng; nhà băng đưa ra quyết định cấp tín dụng và phát hành thẻ; chuyển thẻ vật lý với khách rồi người nhận sẽ thực hiện kích hoạt và dùng thẻ.
Tổng thời gian phát hành thẻ tín dụng theo các bước kể trên sẽ mất khoảng 7 - 14 ngày tùy thuộc vào chất lượng hồ sơ đề nghị cấp thẻ tín dụng của khách hàng và quy trình nội bộ của ngân hàng phát hành.
Theo Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có 12/46TCPHT phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019); số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã chính thức triển khai thẻ tín dụng nội địa từ tháng 1.2021 với sự tham gia của 7 ngân hàng Việt Nam. Thẻ tín dụng nội địa NAPAS (NAPAS Credit) được phát hành theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành và tuân thủ công nghệ EMV đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn bảo mật.
Sự kiện ra mắt thẻ tín dụng nội địa NAPAS ghi nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán nội địa với các dòng sản phẩm đa dạng và đầy đủ nhất từ trước đến nay gồm Thẻ ghi nợ, Thẻ tín dụng và Thẻ trả trước theo một tiêu chuẩn thống nhất. Thẻ tín dụng nội địa NAPAS cho phép khách hàng chi tiêu trước, trả sau và miễn lãi lên đến 55 ngày. Chủ thẻ được miễn phí thường niên (áp dụng với một số ngân hàng) và được hưởng các ưu đãi đặc quyền dành cho thẻ tín dụng NAPAS khi chi tiêu tại các đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT).
Bên cạnh đó, thẻ tín dụng NAPAS được tích hợp công nghệ thanh toán “chạm” giúp cho việc thanh toán trở nên đơn giản, nhanh chóng, hỗ trợ bỏ qua xác thực chủ thẻ (bỏ qua nhập mã PIN) đối với các giao dịch giá trị thấp. Chủ thẻ tín dụng nội địa được chấp nhận thanh toán nhanh chóng tại hơn 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, các trang thương mại lớn và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. Thẻ tín dụng NAPAS hiện được phát hành bởi Agribank, Vietinbank, ACB, Sacombank, HDBank, Bảo Việt Bank, VietBank, Vietcapital Bank và VietCredit.
Trong thời gian tới, NAPAS tiếp tục mở rộng các tổ chức phát hành để đáp ứng lớn nhất nhu cầu của thị trường về sử dụng thẻ tín dụng nội địa. NAPAS kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều ngân hàng tham gia phát hành hơn và tín dụng tiêu dùng nội địa sẽ thêm phổ biến. Về dụng trong thanh toán, chủ thẻ tín dụng NAPAS được thiết kế để đáp ứng đa dạng nhu cầu thanh toán của người Việt, đáp ứng nhu cầu cao nhất của chủ thẻ trong cuộc sống hàng ngày. Một số ứng dụng thẻ NAPAS tiêu biểu trong thanh toán gồm Thanh toán giao thông, thanh toán xăng dầu, thanh toán giá trị thấp tại các ĐVCNTT (Thanh toán Tap & Go); thanh toán trả góp tại các ĐVCNTT bao gồm thanh toán trực tuyến và thanh toán tại các cửa hàng, thanh toán di động (Mobile Payment) và thanh toán qua thiết bị đeo tay (Wearable).
Thẻ tín dụng nội địa có nhiều lợi ích, tiềm năng lớn
Theo ông Lê Văn Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa gắn với công năng lưỡng dụng, vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng.
Thứ nhất, về khía cạnh tài chính toàn diện, hiện nay nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi, thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước, đóng bảo hiểm… nhưng chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này. Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các TCPHT khai phá.
Một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thể kể ra như: thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày, được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của TCPHT. Qua đó, giúp khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển TTKDTM, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
Thứ hai, thẻ tín dụng nội địa góp phần hoàn thiện danh mục sản phầm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các của các TCPHT, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Việc NHNN ban hành quy định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đối với thẻ nội địa đã tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp thẻ tín dụng nội địa phát triển. Hiện, tất cả các TCPHT đã phát hành thẻ tín dụng nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, gia tăng các tiện ích sử dụng thẻ trong các hệ sinh thái đa dạng.
Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần có thêm sản phẩm, dịch vụ mới, là công cụ quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ. Vừa qua, một số TCPHT đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ (Contact và Contactless Dual - Card), thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện (trả tiền xe buýt điện và Metro trong tương lai…) đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành côngcủa dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này trong thời gian tới.
Thứ ba, phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoăc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…), đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ. Lợi ích chi phí như trên là cơ sở để các TCPHT, tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) có thể nghiên cứu, xây dựng các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng, thu hút hơn nữa khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.
Thứ tư, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các TCPHT, TCTTT tại Việt Nam, qua đó đem lại lợi ích thiết thực, giá trị mới cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh truyền thông, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng, nếu khách hàng đã sử dụng thanh toàn điện tử không dùng tiền mặt sẽ không quay trở lại dùng tiền mặt. Nhưng, để họ sử dụng lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được điều đó.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện góp phần đẩy lùi tín dụng đen gắn với phát triển thẻ tín dụng nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng, trong đó có vai trò quan trọng của thẻ tín dụng nội địa.
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc đề nghị các TCPHT và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa, cụ thể:
Đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.
Mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế.
Tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh phát triển thẻ tín dụng, ông yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ tín dụng và Napas chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại cũng thường xuyên có những khuyến cáo, lưu ý khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản thẻ. Do đó, về phía người sử dụng thẻ tín dụng nội địa nói riêng và thẻ tín dụng nói chung, cần tuân thủ những nguyên tắc về an ninh, bảo mật, nhằm tránh rủi ro mất tiền trong tài khoản thẻ.
Theo đó, khách hàng không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thanh toán được chỉ định để làm việc với khách hàng. Khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của khách hàng. Đối với nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng.
Khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cung cấp cho khách hàng các công cụ để khách hàng có thể chủ động quản trị thẻ thông qua các ứng dụng hoặc các trang web. Khách hàng có thể chủ động tạm thời đóng/ mở thẻ, đóng/ mở chức năng thanh toán trực tuyến.
Khi khách hàng chưa có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tạm thời khóa thẻ, trường hợp khách hàng mở ra chi tiêu thì nên đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch; khách hàng cũng đồng thời có thể cài đặt các hạn mức thanh toán (số tiền giao dịch/lần/ngày), theo đó, khi nhu cầu giao dịch thông thường của khách hàng là dưới 5 triệu đồng, trong khi hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp cho khách hàng là 100 triệu đồng, khách hàng có thể tự mình đặt hạn mức số tiền giao dịch/lần hoặc/ngày là 5 triệu đồng cho đến khi có nhu cầu chi tiêu lớn hơn.
Ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hàng có nhiều tính năng khác nữa, khách hàng có thể quản trị rủi ro thẻ một cách chủ động dù khách hàng đang ở bất kỳ đâu mà không cần phải liên hệ trực tiếp với ngân hàng cũng như tự mình xử lý nhanh nhất các tình huống phát sinh để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra rủi ro.
Trong trường phát sinh rủi ro (như thất lạc, mất thẻ/ đã cung cấp thông tin thẻ cho đối tượng giả mạo,…)/nghi ngờ có rủi ro hoặc thông tin, dữ liệu thẻ của mình có thể đã bị xâm nhập, khách hàng cần lập tức: Khóa thẻ thông qua ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hàng; liên hệ ngay tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 của các ngân hàng phát hành thẻ để khóa thẻ; liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Việc làm việc với cơ quan Công an sẽ là các bằng chứng để củng cố hồ sơ nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng trước các rủi ro phát sinh.