Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam tại khu vực các tỉnh phía Bắc tổ chức ngày 11/4/2017, tại TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức.
Tới dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh Tài chính - Tiền tệ - Đầu tư (A84), Bộ Công an; Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; đồng chí Nguyễn Hữu Thân, Vụ trưởng Vụ Kho quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cùng đại diện Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, Công an tỉnh Lạng Sơn...
Về phía NHNN, có sự tham dự của đồng chí Đào Minh Tú, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN; đồng chí Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ; đồng chí Nguyễn Học Cường, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Lạng Sơn và đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục chức năng NHNN; đại diện lãnh đạo NHNN 14 chi nhánh tỉnh, thành phố trọng điểm có đường biên giới trên bộ giáp các nước láng giềng; đại diện một số NHTM...
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Thực hiện Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, trong những năm qua, NHNN đã tích cực tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam thông qua các biện pháp nghiệp vụ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh với tội phạm tiền giả và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức, cá nhân trong giao dịch tiền mặt.
NHNN đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống và xử lý tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý triển khai thống nhất trong hệ thống ngân hàng, KBNN.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Lĩnh vực phòng, chống tiền giả và bảo vệ đồng tiền Việt Nam là lĩnh vực không mới và là nhiệm vụ thường xuyên. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia nói chung cũng như an ninh tiền tệ nói riêng.
Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc cảm ơn sự tham dự và phối hợp trong thời gian qua của các Bộ, ngành liên quan bởi phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam là nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp cao, trách nhiệm lớn của các bên trước những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, nếu chỉ riêng lẻ ngành Ngân hàng thì không thể làm được.
"Tỷ lệ tiền giả theo tính toán, quản lý, theo dõi, đánh giá của NHNN giảm đi khá nhiều so với những năm trước đây chính bởi có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực giữa các Bộ, ban, ngành từ các địa phương; sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị thuộc hệ thống ngân hàng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Bày tỏ sự vui mừng khi nhiều năm qua được thay mặt cho Ban Lãnh đạo NHNN có những quyết định khen thưởng cho những đơn vị, đặc biệt là lực lượng bộ đội biên phòng, công an của tỉnh Lạng Sơn cũng như một số tỉnh khác vì những thành tích đạt được trong phòng, chống tiền giả, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, số lượng tiền giả giảm, ngăn chặn được nhiều hành vi phá hoại đồng tiền Việt Nam, bảo đảm an ninh tiền tệ...
Tuy nhiên để bảo vệ đồng tiền Việt Nam, để người dân tuyệt đối tin tưởng khi cầm đồng tiền trong tay là đồng tiền thật của Việt Nam, theo Phó Thống đốc, cần phải tiếp tục triển khai các giải pháp, biện pháp tích cực hơn, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Bộ, ngành liên quan.
Quang cảnh hội nghị |
Thông tin thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ NHNN Nguyễn Chí Thành cho biết, đội ngũ cán bộ làm công tác tiền tệ, kho quỹ và phòng chống tiền giả của NHNN đã từng bước được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ để thực hiện công tác giám định tiền và phòng, chống tiền giả. NHNN cũng đã hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống các TCTD và KBNN trong việc đào tạo kỹ năng phân biệt tiền thật/tiền giả cho cán bộ kiểm ngân, thủ quỹ và giao dịch viên.
Trong công tác thông tin tuyên truyền, NHNN đã xây dựng gói thông tin chuẩn để giới thiệu cho công chúng về đặc điểm bảo an của tiền Việt Nam; hướng dẫn cách kiểm tra, nhận biết tiền thật/tiền giả; cảnh báo thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của tội phạm và quy định của pháp luật về phòng chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam. Đây còn là tài liệu tham khảo nghiệp vụ cho các cơ quan chức năng đấu tranh tội phạm tiền giả và hệ thống ngân hàng, KBNN... Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm tiền giả, với mạng lưới từ Trung ương đến địa phương.
Ông Thành cũng thông tin, từ năm 2003 đến năm 2006, NHNN đã phát hành và đưa vào lưu thông bộ tiền polymer gồm 6 mệnh giá từ 10.000 đồng - 500.000 đồng. Bộ tiền polymer được thiết kế với các đặc điểm kỹ thuật bảo an cao hơn so với bộ tiền trước đây nhằm nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền.
Theo số liệu thống kê của NHNN, sau khi phát hành bộ tiền polymer, số lượng tiền giả thu giữ hệ thống ngân hàng, KBNN giảm mạnh. Giai đoạn 1997 - 2004 (trước khi xuất hiện tiền giả polymer), hệ thống ngân hàng, KBNN thu giữ 1.500.000 tờ tiền giả cotton với 5 loại mệnh giá từ 5.000 đồng-100.000 đồng. Giai đoạn từ năm 2005-2012, hệ thống ngân hàng, KBNN thu giữ hơn 700.000 tờ tiền giả với 7 loại mệnh giá từ 5.000đ-500.000đ giảm gần 52% so với giai đoạn 1997-2004. Sau khi NHNN đình chỉ lưu hành tiền cotton 50.000 đồng, 100.000 đồng từ năm 2008 đến nay, số lượng tiền giả thu giữ giảm mạnh. Năm 2011 là năm thứ tư liên tiếp (2008-2011) lượng tiền giả thu giữ giảm. Trong 5 năm gần đây (2012-2016), tiền giả tiếp tục có xu hướng giảm so với năm 2011 (năm 2012 giảm 11%).
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh cho biết, tội phạm tiền giả có 4 hành vi là: làm giả, tàng trữ, vận chuyển và lưu hành. Thiếu tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng tiền, việc bảo vệ đồng tiền và điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế là vấn đề hệ trọng, huyết mạch của nền kinh tế và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Ông Lĩnh cũng cho rằng, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tiền giả cần được đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành, chuyên sâu, nâng cao hiệu quả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, có giải pháp hữu hiệu để vô hiệu hoá đường dây của các nhóm tội phạm tiền giả.
Cùng với đó là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ công chức, tinh thần cảnh giác của người dân, tạo dư luận lên án mạnh mẽ và tẩy chay đối với tội phạm cũng như các hoạt động liên quan tới tiền giả. Các cơ quan chức năng phòng, chống tiền giả, chống tội phạm tiền giả tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin tội phạm, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ và xử lý các vấn đề liên quan tới phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam...
Hội nghị cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp từ Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm; Bộ đội Biên phòng; Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an; Agribank; Công an tỉnh Lạng Sơn... về công tác đấu tranh với tội phạm vận chuyển, buôn bán tiền giả qua biên giới cũng như phương thức, thủ đoạn và xu hướng làm tiền giả... Qua đó, đề xuất các biện pháp, giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất.