Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC |
PV: Xin ông cho biết một số kết quả tiêu biểu trong xử lý nợ xấu, trong đó có việc thí điểm mua bán nợ theo giá thị trường, những tháng đầu năm 2016?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tính đến ngày 30/6/2016, VAMC đã mua nợ xấu của 41 TCTD bằng trái phiếu với số lượng khách hàng là 16.207, trong đó số lượng khoản nợ là 24.720 (tương ứng 247.713 tỷ đồng dư nợ gốc), phát hành 212.236 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 240.981 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Kết quả mua nợ xấu của VAMC đã góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống xuống dưới 3%, giúp cho các TCTD đáp ứng các điều kiện để tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Kết quả thu hồi nợ, bán TSBĐ, bán nợ 6 tháng đầu năm 2016 đạt kết quả 9.244 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2013 đến 30/6/2016, VAMC cũng phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 32.027 tỷ đồng (bao gồm thu từ, thu hồi nợ, bán nợ, TSBĐ…).
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 618/QĐ -NHNN và Thông tư 08/2016/TT-NHNN trong đó quy định cụ thể về đối tượng và các điều kiện cần thiết khác để VAMC tiến hành mua bán nợ theo giá thị trường, trên cơ sở đó mục tiêu của VAMC trong 6 tháng cuối năm sẽ cố gắng triển khai thí điểm mua nợ xấu theo giá thị trường với số tiền 2000 tỷ (sử dụng vốn điều lệ đã có), hiện nay VAMC đã xây dựng phương án mua nợ xấu theo giá thị trường và trình NHNN phê duyệt lần cuối cùng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, khi thực hiện mua nợ theo giá thị trường thì nguy cơ mất vốn của các ngân hàng thương mại dự báo là rất lớn. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Khi thực hiện mua bán nợ xấu theo giá thị trường thì cả VAMC và TCTD cần phải phân tích và đánh giá thực trạng giá trị khoản nợ trên cơ sở TSBĐ của khoản nợ, do vậy chỉ khi nào bán đứt khoản nợ lúc đó mới biết có khả năng mất vốn hay không. Tuy nhiên, theo tôi thì khi bán nợ xấu theo giá thị trường TCTD sẽ chọn những khoản nợ đã trích dự phòng rủi ro đạt ở mức độ nhất định lúc đó mới thống nhất bán theo giá thị trường, lúc này cho dù có bán dưới giá gốc thì TCTD cũng đã trích DPRR đầy đủ. Song thực tế hiện nay nhiều TCTD chỉ bán theo giá trị thị trường những khoản nợ xấu có giá trị tối thiểu thu được gốc và một phần lãi; trường hợp dưới giá gốc thì khoản nợ đó đã được trích gần như đủ, do vậy kể cả bán nợ xấu theo giá thị trường dưới giá gốc (nếu có) TCTD cũng không ảnh hưởng lớn đến thanh khoản.
Hơn nữa khi đã bán nợ xấu theo giá thị trường thì việc thu đủ gốc và lãi là khó khăn, chưa có nước nào trên thế giới xử lý nợ xấu lại thu đầy đủ gốc, đến như ở Malaxia có hẳn bộ luật Danaharta trong giai đoạn xử lý lý nợ xấu cũng chỉ thu được 58%, ở Việt Nam TSBĐ cho khoản nợ xấu là BĐS chiếm đến 65 % do vậy nếu thị trường BĐS ấm lên thì khả năng thu hồi nợ có thể cao hơn và như vậy việc xác định các TCTD có nguy cơ mất vốn rất lớn khi bán nợ theo giá thị trường là chưa có cơ sở.
PV: Vậy trong tiến trình đó, VAMC đã gặp những thuận lợi, khó khăn thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Kể từ khi thành lập đến nay, thuận lợi lớn nhất là chúng tôi được Chính phủ đặc biệt quan tâm tạo điều kiện tháo gỡ cho VAMC nhiều vướng mắc mà cụ thể là đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 bằng Nghị định 34, Nghị định 18 nhờ đó quá trình xử lý nợ xấu được hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn như:
- Khó khăn trong quá trình xử lý TSBĐ
- Khó khăn trong việc thực hiện quyền chủ nợ của VAMC
- Khó khăn trong thủ tục tố tụng, thi hành án
- Khó khăn vướng mắc về cơ sở pháp lý hoàn thiện thị trường mua bán nợ
PV: Để việc xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, ông có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?
Nghị định 53 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định 34, Nghị định 18 đã quy định tương đối đầy đủ chức năng, quyền hạn của VAMC trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên trên thực thế khi đi vào xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn vướng mắc ở văn bản pháp luật. Do vậy VAMC kiến nghị:
- Kiến nghị với Quốc Hội: Quốc Hội cần xem xét ban hành một bộ luật về xử lý nợ xấu hoặc một nghị quyết của Ban thường vụ Quốc Hội có quy định hiệu lực trong vòng 3 đến 5 năm nhằm xử lý những vướng mắc những luật cụ thể sau:
+ Luật 69/2014/QH13
+ Luật đất đai 2011
+ Luật Dân sự 2015
+ Luật kinh doanh bất động sản 2014
+ Luật đầu tư 2014
Đồng thời cần quy định cụ thể trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong việc xử lý nợ xấu rất cụ thể:
+ Đối với người đi vay
+ Đối với người cho vay
+ Đối với người xử lý nợ xấu: cần có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ xử lý nợ xấu.
- Đối với Tòa án nhân dân tối cao
+ Hướng dẫn quy định về “trình tự, thủ tục giải quyết vụ án theo trình tự, thủ tục rút gọn” đối với yêu cầu xử lý TSBĐ để thu hồi nợ xấu cho VAMC quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
+ Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn, chỉ đạo tòa án nhân dân các cấp thực hiện thống nhất trong việc xem xét thụ lý và giải quyết các Đơn yêu cầu khởi kiện của TCTD được VAMC ủy quyền (theo hợp đồng ủy quyền) theo quy định tại Điểm m Khoản 1 Điều 13 Nghị định 53 sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 34/2015/NĐ – CP.
+ Từ chối, không thụ lý giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản mà tài sản đó đang là TSBĐ hợp pháp cho nghĩa vụ vay nợ tại VAMC/TCTD.
- Đối với các Bộ/Ngành
+ Bộ Tư pháp: hướng dẫn các Cơ quan Thi hành án địa phương trong việc chấp nhận VAMC được kế thừa quyền và nghĩa vụ trong quá trình thi hành án của TCTD
+ Bộ Xây dựng: hướng dẫn việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật về xây dựng và kinh doanh bất động sản đối với TSBĐ là dự án bất động sản và hướng dẫn về điều kiện bán TSBĐ của VAMC là dự án bất động sản cho nhà đầu tư khi có vướng mắc.
+ Bộ Tài chính: hướng dẫn thủ tục, hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ cho người mua. Hướng dẫn phương pháp định giá khoản nợ.
+ Bộ Tài nguyên – Môi trường: hướng dẫn thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyền quyền sử dụng đất trong quá trình xử lý TSBĐ.
+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư: hướng dẫn thủ tục thu hồi, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho người trúng đấu giá tài sản trên đất.
+ Bộ Công An: hướng dẫn các đơn vị bảo đảm an ninh trật tự, thu giữ, thu hồi, xử lý TSBĐ để VAMC có thể thực hiện hoạt động xử lý nợ xấu đúng lộ trình.
PV: Trong bối cảnh tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đang diễn ra mạnh mẽ, bên cạnh sự tham gia tích cực của VAMC và các bên liên quan, ông đánh giá thế nào về vai trò của BHTGVN trong tiến trình này?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu phải đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Tôi cho rằng, thời gian qua, cùng với các cơ quan có liên quan, BHTGVN triển khai có hiệu quả chính sách BHTG, bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD, từ đó củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng. Cụ thể: Thông qua giám sát, kiểm tra các TCTD, BHTGVN đã kịp thời phát hiện rủi ro, báo cáo NHNN để có những biện pháp xử lý cần thiết. Hay việc kịp thời cấp Chứng nhận BHTG cho các TCTD đã thể hiện cam kết của Chính phủ, NHNN, BHTGVN trong việc bảo vệ người gửi tiền và tăng cường uy tín của các TCTD. Bên cạnh đó, từ khi được thành lập đến nay, BHTGVN đã chi trả kịp thời tiền gửi cho người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể, phá sản, tham gia tích cực vào Hội đồng thanh lý tài sản của các tổ chức bị phá sản cũng góp phần quan trọng củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính ngân hàng.
Cùng với triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ bảo vệ người gửi tiền, thời gian tới BHTGVN cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân ngày càng hiểu rõ chính sách BHTG, biết quyền lợi của mình được bảo đảm như thế nào, từ đó họ sẽ yên tâm khi gửi tiền tại các TCTD.
PV: Xin cảm ơn ông!