Độ phủ thông tin tín dụng tiếp tục được cải thiện
Theo Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), độ phủ thông tin tín dụng Việt Nam đã tăng từ 41,8% năm 2015 lên 59,6% năm 2020, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á Thái Bình Dương và khu vực nước có thu nhập cao OECD. Chi tiết trong năm 2020, độ phủ thông tin tín dụng tiếp tục được cải thiện so với năm 2019, tăng hơn 2,9 triệu khách hàng vay (trên 10,7 triệu hồ sơ vay mới), nâng tổng số khách hàng trong kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia lên trên 45,6 triệu khách hàng vay (trong đó trên 1,3 triệu khách hàng pháp nhân và gần 44,3 triệu khách hàng thể nhân), vượt trên 30% so với mục tiêu đặt ra tại Đề án phát triển giai đoạn 2015-2020.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Ngân hàng cũng không ngừng giảm lãi suất. Trong năm 2020 vừa qua, NHNN đã giảm 03 lần đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm, là 1 trong số các nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện giảm về còn 4,5%/năm) – là mức thấp trong các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam; chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của TCTD đối với khách hàng đều có xu hướng giảm (lãi suất huy động giảm từ 0.6-1.3%/năm tùy kỳ hạn, trong đó kỳ hạn từ 12 tháng giảm mạnh hơn; lãi suất cho vay giảm khoảng 1% so với cuối năm 2019).
Với những nỗ lực của cả hệ thống, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây đều có mức tăng trưởng khá, phát huy vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, năm 2016: 18,25%; năm 2017: 18,28%; năm 2018: 13,89%; năm 2019: 13,65%, năm 2020: 12,13%.
Tuy nhiên, thực tế, không ít khách hàng còn chưa nắm được cách chấm điểm tín dụng, tra cứu thông tin tín dụng, cách để tránh rơi vào tình trạng bị chấm điểm tín dụng xấu, vì đó sẽ là rào cản cho khách hàng khi tiếp cận tín dụng ngân hàng. Do đó, khách hàng cần lưu ý các vấn đề sau:
Những tiêu chí chấm điểm tín dụng
Điểm tín dụng là một điểm số do một cơ quan thông tin tín dụng độc lập hoặc các TCTD chấm điểm dựa vào lịch sử tín dụng và các thông tin khác của khách hàng. Điểm tín dụng thường được các TCTD sử dụng đánh giá mức độ tín nhiệm, khả năng trả nợ của khách hàng trong tương lai. Điểm số càng cao, mức độ tín nhiệm càng cao, khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng được tăng lên. Vì vậy, các TCTD có thể sử dụng điểm tín dụng để ra quyết định tín dụng, xác định hạn mức, lãi suất, thời hạn…của khoản vay cấp cho khách hàng.
Thông tin chủ yếu được sử dụng để tính toán điểm tín dụng bao gồm: Thông tin định danh (độ tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú, trình độ…); Số lượng và loại tài khoản tín dụng (các khoản vay thông thường như vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng…, thẻ tín dụng…); Dư nợ và tình trạng tín dụng hiện tại; Lịch sử trả nợ, thanh toán; Thời gian quan hệ tín dụng; Thông tin có liên quan khác; Lịch sử tra cứu thông tin.
Khách hàng tra cứu thông tin tín dụng tại đâu?
Theo quy định, khách hàng vay được khai thác điểm tín dụng/Báo cáo tín dụng về bản thân miễn phí 01 lần/năm và không được khai thác thông tin tín dụng của cá nhân khác trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của người đó (Khoản 5,6 Điều 10 Thông tư 03/2013/TT-NHNN).
Để tạo điều kiện cho khách hàng giám sát thông tin tín dụng bản thân, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, CIC đang hỗ trợ cung cấp miễn phí hoàn toàn trong trường hợp khách hàng khai thác nhiều lần trong năm.
Để nắm bắt về thông tin tín dụng của chính mình, khách hàng có thể khai thác điểm tín dụng do CIC cung cấp thông qua các hình thức: Trực tuyến qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay qua website htttps://cic.gov.vn hoặc trên ứng dụng điện thoại thông minh CIC Credit Connect.
Khách hàng cũng có thể đến trụ sở và Chi nhánh của CIC tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc liên lạc tổng đài số 19001082 để được hỗ trợ.
Cần kiểm soát khoản vay
Khi khách hàng chậm thanh toán khoản vay, lịch sử sẽ được ghi nhận lại, ảnh hưởng tiêu cực đến điểm tín dụng. Chính vì vậy để cải thiện và duy trì điểm tín dụng ở mức cao, khách hàng cần tạo thói quen kiểm soát khoản vay, khoản chi tiêu của mình thường xuyên, đảm bảo thanh toán đúng hạn để tránh phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu; chỉ vay ngân hàng và mở thêm thẻ tín dụng khi cần thiết; nên duy trì dư nợ thẻ tín dụng ở mức vừa phải so với hạn mức; quản lý chặt chẽ giấy tờ cá nhân của mình, giảm thiểu các nguy cơ bị đánh cắp danh tính, giấy tờ cá nhân và phát sinh các khoản nợ xấu ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, khách hàng cần thực hiện kiểm tra điểm tín dụng thường xuyên để hạn chế sai sót dữ liệu thông tin tín dụng cá nhân.
Một số lưu ý khi vay vốn tại các TCTD
Người dân khi có nhu cầu vay vốn có thể đến các TCTD phi ngân hàng (như Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính), tổ chức tài chính vi mô.
Theo quy định, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên (theo Thông tư 39/2016/TTNHNN như: nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) hiện tối đa là 4,5%/năm.
Người nghèo, các đối tượng chính sách có thể vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) và các tổ chức tài chính vi mô..
Đối với vay tiêu dùng qua ngân hàng: Khách hàng phải chứng minh thu nhập và cần có tài sản đảm bảo, phù hợp với những cá nhân có thu nhập ổn định và có thể chứng minh được nguồn thu nhập theo quy định của ngân hàng
Trường hợp vay tiêu dùng tại các công ty tài chính: Lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính được điều chỉnh theo mức độ rủi ro của khoản vay và phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng.
Ngoài ra, khách hàng có thể vay tiêu dùng tại các TCTD qua thẻ tín dụng cá nhân. Điều kiện cho vay tiền bằng thẻ tín dụng cho phép tất cả đối tượng có thể chứng minh được nguồn thu nhập ổn định sẽ được cấp hạn mức tín dụng qua thẻ. Khách hàng có thể tận dụng quyền miễn lãi bằng cách mua hàng vào đầu tháng hoặc mua hàng ngay sau khi ngân hàng chốt thông tin giao dịch để được miễn lãi suất tối đa trong 45 ngày.
Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biếtđã liên minh cùng 6 NHTM gồm: Công Thương Việt Nam (VietinBank), Bản Việt (Viet Capital Bank), Á Châu (ACB), Phát triển TP HCM (HDBank), Bảo Việt (BaoViet Bank) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) để phát hành thẻ chip tín dụng và thẻ ghi nợ nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở do NH Nhà nước ban hành, ra mắt chính thức hôm 25/01/2021.
Tính năng lớn nhất của thẻ tín dụng nội địa là khách hàng được chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi suất lên tới 55 ngày (thẻ tín dụng quốc tế là 45 ngày). Bên cạnh đó, loại thẻ này cho phép chủ thẻ giao dịch trong hạn mức do ngân hàng phát hành thẻ quy định, có thể lên tới 100 triệu đồng.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên, khách hàng được sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt với mức phí thấp, với kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp vốn tín dụng giá rẻ hơn, từ đó hạn chế tín dụng đen.
Thẻ tín dụng nội địa Napas kết hợp với các NHTM, hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập thấp, không chỉ là thẻ thanh toán chi tiêu trước, trả tiền sau mà khi có nhu cầu gấp về vốn còn có thể rút tiền mặt với mức phí chỉ khoảng 1,1%-1,3% giá trị giao dịch. Mức phí rút tiền mặt này có lợi thế hơn nhiều so với những loại thẻ tín dụng quốc tế đang áp dụng hiện nay là 4% giá trị giao dịch (hoặc thu phí rút tiền mặt tối thiểu từ 70.000 đồng/giao dịch).
Một số ý kiến cho rằng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng là việc không được khuyến khích nhưng thực tế, có rất nhiều đối tượng khách hàng cần tiền mặt với mục đích chính đáng như hộ kinh doanh; khách hàng cá nhân cần vốn cho kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ...Qua đó góp phần hạn chế tín dụng đen và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.