Lợi nhuận đi cùng rủi ro
Không giống thời gian trước, hoạt động kinh doanh của NH thường vẫn chỉ tập trung vào khâu tín dụng thì những năm trở lại đây, nhà băng chú trọng hơn vào tăng thu từ các mảng khác như dịch vụ, hay kinh doanh ngoại hối. Hoạt động kinh doanh ngoại hối luôn được kỳ vọng đem lại nhiều lợi nhuận và thực tế cũng đang cho thấy những con số khá tích cực.
Hay chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của BIDV đạt gần 215 tỷ đồng, tăng 75%; lãi thuần của MB ở các mảng hoạt động tăng trưởng khả quan, trong đó hoạt động ngoại hối đạt hơn 75,6 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Hoặc với ACB, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 17% đạt 78,4 tỷ đồng…Đơn cử như năm 2017, với hoạt động kinh doanh ngoại hối, LienVietPostBank có doanh số giao dịch mua bán ngoại tệ trên thị trường liên NH đạt mức khoảng 36 tỷ USD, tăng 34,33% so với năm 2016. Hoạt động kinh doanh ngoại hối của Vietcombank năm 2017 chiếm tới 27% thu nhập ngoài lãi, đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Nguồn thu lớn nên các nhà băng đang ngày càng chú trọng hơn tới mảng kinh doanh này với những đầu tư thích đáng. VietinBank đã đầu tư cho hệ thống Treasury Murex - hệ thống quản lý giao dịch hiện đại trên thế giới. Theo đó cho phép quản lý toàn diện hoạt động giao dịch kinh doanh ngoại tệ và đầu tư thông suốt từ bộ phận kinh doanh trực tiếp qua bộ phận quản lý rủi ro đến bộ phận hỗ trợ. Hệ thống cũng có khả năng tích hợp theo thời gian thực toàn bộ giao dịch, cung cấp trạng thái ngoại tệ, dòng tiền… tạo điều kiện tối đa cho phân tích định hướng kinh doanh ngoại tệ.
Theo chia sẻ của một chuyên gia, kinh doanh trên thị trường ngoại hối tương đối khắt khe, đòi hỏi các chuyên viên phải có hiểu biết để xác định những gì có khả năng xảy ra trên thị trường và tỷ giá sẽ biến động theo chiều hướng nào. Lợi nhuận lớn, nhưng kinh doanh ngoại hối cũng đi cùng với rủi ro khá cao. Do đó việc tìm ra các giải pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro ngoại hối cho hoạt động kinh doanh ngoại hối trong bối cảnh thị trường sẽ còn có nhiều biến động như hiện nay ngày càng cần thiết.
Về bản chất, kinh doanh ngoại hối chứa đựng rủi ro cao. Song TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận thấy ở Việt Nam, lĩnh vực này đang tương đối an toàn do hệ thống ngoại hối của Việt Nam vẫn được kiểm soát bởi NHNN. Khi cung - cầu thị trường có biến động sẽ được cơ quan chức năng can thiệp. “Việt Nam sẽ dần tiến tới tự do hoá, thị trường hoá, lúc đó rủi ro trong lĩnh vực ngoại hối chắc chắn ngày càng tăng”.
Hình thành từ ý thức
Bên cạnh các rủi ro thông thường khác như lãi suất, tín dụng, thanh khoản, kỹ thuật... thì rủi ro ngoại hối được xác định nằm trong rủi ro thị trường, liên quan nhiều tới tỷ giá ngoại tệ và giá vàng. Do khó xác định được chính xác biến động của tỷ giá và giá vàng nên rủi ro tỷ giá ngoại tệ và giá vàng được xem là rủi ro thường trực, trở thành rủi ro đặc trưng của hoạt động kinh doanh ngoại hối tại các NH.
Theo TS-LS. Bùi Quang Tín, rủi ro kinh doanh ngoại hối chủ yếu từ yếu tố khách quan, NH rất khó để loại trừ được tất cả mọi rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao dịch kinh doanh ngoại hối. Do đó nhà băng chỉ có thể đưa ra các biện pháp và công cụ nhằm hạn chế sự xuất hiện của rủi ro.
Quản lý rủi ro kinh doanh ngoại hối phải là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất do rủi ro gây ra. Quy trình quản lý rủi ro thông thường gồm năm bước: nhận dạng; phân tích; đo lường; kiểm soát, phòng ngừa rủi ro; và tài trợ rủi ro.
Cũng theo chuyên gia này, trong tổ chức bộ máy quản lý rủi ro, NHTM cần thiết phải thành lập, hoàn thiện uỷ ban quản lý rủi ro riêng biệt cho hoạt động kinh doanh ngoại hối. Trong đó, bộ máy giám sát rủi ro của NH cần hoạt động độc lập. NH cũng cần xây dựng ý thức về quản trị rủi ro ngoại hối trong toàn hệ thống, lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên nhằm thiết lập các chốt kiểm soát về quản lý rủi ro. Bản thân nhân sự của bộ phận kinh doanh ngoại hối tại NHTM cũng phải được đào tạo để có thể tự xác định mức độ rủi ro ngoại hối, đánh giá tất cả các rủi ro hiện có trong các giao dịch.
Cùng chung ý kiến, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để quản lý rủi ro ngoại hối trong rủi ro thị trường các NH buộc phải phân bổ vốn chủ sở hữu của mình cho loại rủi ro này. Nhưng có thực tế là, hiện các nhà băng chủ yếu vẫn còn tập trung quá nhiều nguồn lực cho rủi ro tín dụng. NH cần có những chính sách về quản lý rủi ro như những hạn mức cắt lỗ, hạn mức giới hạn trong nội bộ... và phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật về quản lý rủi ro ngoại hối.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyến nghị: Khả năng phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại hối hiện nay không chỉ còn đơn thuần phụ thuộc vào quy mô vốn mà còn ở trình độ công nghệ và nhân sự. Trong thời đại mà công nghệ đi đầu như hiện nay, thế mạnh về mảng này sẽ là nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm dịch vụ của NH. Bởi vậy, việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ cán bộ là yêu cầu cấp thiết.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN đã luôn kiên trì thực hiện chính sách quản lý hoạt động ngoại hối và điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ theo hướng phối hợp đồng bộ với các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ngoại hối hợp pháp, giữ ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế đồng Việt Nam
. Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 15/1/2018 cũng quy định việc Chủ tịch, Tổng giám đốc các NH không được đồng thời đảm nhiệm chức vụ tương tự ở các DN khác. Quy định này theo giới chuyên gia cũng gián tiếp góp phần hạn chế rủi ro cho NH trong hoạt động cấp tín dụng, kinh doanh ngoại hối, thanh toán, góp phần lành mạnh hoá, hạn chế vi phạm của các TCTD, DN.