Thực tiễn triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Chi nhánh
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản và ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh hiện nay. Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần thứ nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, gồm bài viết tổng quan của Tổng Bí thư đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng và kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo.
Phần thứ hai: Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, tuyển chọn 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên - căn nguyên, cái gốc, cái cơ bản cần phải phòng ngừa.
Phần thứ ba: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tập hợp những ý kiến, đánh giá thể hiện niềm tin sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của Đại biểu Quốc hội và sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Học tập, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua, Chi nhánh BHTGVN tại thành phố Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cụ thể:
Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và chuyên môn, đoàn thể đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Đảng ủy Chi nhánh, Ban lãnh đạo Chi nhánh thường xuyên chỉ đạo, động viên, nhắc nhở toàn thể đảng viên, cán bộ, người lao động tại Chi nhánh đẩy mạnh việc thực hiện các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng như: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kết quả đã tạo được chuyển biến sâu rộng từ nhận thức đến hành động của đảng viên, cán bộ, người lao động trong thực hiện phòng, chống tham nhũng tại Chi nhánh.
Tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Trong sinh hoạt Cấp ủy, sinh hoạt Chi bộ, các cuộc họp của tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Chi nhánh thường xuyên quán triệt đảng viên, cán bộ phải gương mẫu đi đầu trong việc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực của đảng viên, cán bộ và người lao động tại Chi nhánh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư như: Đảng ủy, Ban lãnh đạo, đảng viên, cán bộ và người lao động Chi nhánh luôn nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Qua đó, tập thể cán bộ, người lao động Chi nhánh kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu và các tiêu cực khác đồng thời tích cực học tập, rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chính trị và năng lực công tác, thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính và mua sắm, quản lý tài sản, trang thiết bị tại Chi nhánh: Chi nhánh thực hiện công khai chi tiết số liệu dự toán và thực hiện theo quy định. Việc mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc được thực hiện đúng theo quy trình quy định, dự toán chi phí nên không xảy ra tình trạng lãng phí; việc quản lý tài sản được kiểm kê định kỳ và tính khấu hao theo đúng quy định, chỉ mua sắm những tài sản, trang thiết bị thực sự cần thiết phục vụ cho công tác và phân phối cho các phòng, cá nhân trực tiếp sử dụng quản lý.
Thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, người lao động giữ chức vụ: Chi nhánh thực hiện đầy đủ việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, người lao động giữ chức vụ theo đúng quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. 100% Bản kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; Bản kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ; Bản kê khai tài sản, thu nhập bổ sung của cán bộ, người lao động giữ chức vụ tại Chi nhánh đều được công khai theo đúng quy định.
Một số giải pháp đặt ra
Để tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong thời gian tới, Chi nhánh đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động cán bộ, người lao động thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từng bước đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với tình hình thực tế tại Chi nhánh, lồng ghép với nội dung các buổi sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, các buổi tập huấn để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực của Đảng, của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của BHTGVN. Chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng ngừa; kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đảng viên, cán bộ.
Ba là, cấp ủy thường xuyên chăm lo giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, tinh thần thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh trong nội bộ Chi nhánh; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, những hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tuyên truyền nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; lấy cái đẹp, dẹp cái xấu.
Bốn là, tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Vì vậy, người được giao giữ chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi tự sửa.
Năm là, nghiêm túc thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, nhất là người đứng đầu, đúng với phương châm “Cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cấp ủy viên phải gương mẫu hơn đảng viên, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.