Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) ban hành một số tài liệu nghiên cứu và báo cáo
IADI thường xuyên xây dựng các nghiên cứu và hướng dẫn nhằm chia sẻ kiến thức về BHTG với các tổ chức thành viên. Theo đó, trong quý II/2022, IADI đã ban hành 1 tài liệu nghiên cứu về đại dịch Covid-19 và 3 báo cáo Fintech - 2 vấn đề đang được quan tâm nhất trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, ngày 30/5/2022, IADI đã công bố tài liệu nghiên cứu về “Đại dịch Covid-19 và quy mô quỹ BHTG”. Mục đích của tài liệu này là nghiên cứu mối liên hệ giữa tốc độ tăng trưởng số dư tiền gửi với quy mô quỹ BHTG trong giai đoạn đại dịch và sau đại dịch của 40 tổ chức thành viên theo khảo sát tháng 9/2021. Kết quả cho thấy quy mô quỹ BHTG ở các nền kinh tế tiên tiến đã tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế mới nổi có thể do dòng tiền gửi tại các nền kinh tế mới nổi tăng nhanh đột biến hơn hoặc do sự thay đổi chính sách phí bảo hiểm trong giai đoạn đại dịch tại các khu vực khác nhau.
Báo cáo tóm tắt Fintech số 7,8,9 của IADI đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về vấn đề Fintech và BHTG. Cụ thể, Báo cáo Fintech số 7 về Tài khoản thụ hưởng: Thách thức đối với các hệ thống BHTG với nội dung chính bao gồm: i) các phương pháp tiếp cận khả thi của các hệ thống BHTG đối với tài khoản thụ hưởng; ii) các rủi ro, thách thức mà hệ thống BHTG phải đối mặt trong bối cảnh các tổ chức phát hành tiền điện tử và các tổ chức thanh toán ngày càng phổ biến. Báo cáo Fintech số 8 giới thiệu tóm tắt “Những đổi mới về công nghệ mang lại cơ hội cho các tổ chức BHTG”. Báo cáo đã giới thiệu về thuật ngữ mới DepTech và nghiên cứu các cơ hội mà Fintech mang đến cho các tổ chức BHTG. 5 đổi mới công nghệ tài chính được áp dụng bao gồm: Chuẩn hóa dữ liệu và giao diện lập trình ứng dụng (API); Thanh toán kỹ thuật số; Trí tuệ nhân tạo/học máy (AI/ML); Điện toán đám mây và Phương tiện truyền thông mới. Báo cáo Fintech số 9 về “Nghiên cứu điển hình về tiền điện tử tại Ghana” đã chỉ ra sự phát triển của tiền điện tử tại Ghana có thể đối mặt với nhiều rủi ro do cách thức hoạt động của nhà khai thác tiền di động (MMO) là tổng hợp tất cả các khoản tiền của các khách hàng vào một tài khoản duy nhất dẫn đến vượt quá giới hạn phạm vi bảo hiểm. Theo đó, Tổng công ty BHTG Ghana (GDPC) đã đưa ra một số giải pháp như: (i) khi ngân hàng phá sản, tài khoản giám sát của MMO sẽ được khoanh vùng và chuyển cho một ngân hàng khác; (ii) GDPC thanh toán tiền bảo hiểm tối đa theo Luật khi MMO từ chối cung cấp thông tin khách hàng; (iii) bổ sung cơ chế bảo hiểm riêng cho các MMO; (iv) ban hành tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành thay thế cho tiền điện tử do các tổ chức tiền điện tử phát hành.
Từng bước chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động BHTG
Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự quan tâm và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ tại các quốc gia, nhiều tổ chức BHTG đã từng bước áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động BHTG.
Cụ thể, tại khu vực Châu Á, Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) đã có những thành công ban đầu trong nỗ lực chuyển đổi số của tổ chức. PDIC đã giảm đáng kể thời gian thanh toán bù trừ trong quá trình xử lý yêu cầu trả tiền bảo hiểm và tài khoản nợ tại các ngân hàng bị đóng cửa. Tổ chức này tiếp tục sử dụng các nền tảng truyền thông số và các mạng lưới thông tin địa phương giúp cung cấp thông tin nhanh chóng và liên tục cho người gửi tiền và các đối tượng khác. Bên cạnh đó, PDIC đã chuyển sang hình thức đấu thầu điện tử các tài sản ngân hàng đóng cửa và tài sản doanh nghiệp để xử lý những vấn đề về thanh lý tài sản để đẩy nhanh quá trình xử lý.
Tại Hàn Quốc, trong tháng 6/2022, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) ra mắt ứng dụng phần mềm Chatbot tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là “Yesom 24”. Phần mềm hoạt động 24/7, cho phép người tiêu dùng tài chính tra cứu thông tin và xử lý các vấn đề người tiêu dùng thường gặp một cách dễ dàng và nhanh chóng. Yesom 24 cung cấp thông tin trong sáu lĩnh vực phổ biến để hỗ trợ người dân cũng như khảo sát sự hài lòng với hoạt động của tổ chức. Ngoài ra, KDIC cũng thông báo chính thức áp dụng công nghệ dịch vụ thông tin đấu giá công khai tích hợp công nghệ thực tế ảo (VR), nhằm cung cấp thông tin về tài sản cần bán thông qua VR. Theo đó, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ không phải trực tiếp đến nơi tài sản có mặt, mà được tiếp cận tài sản thông qua hình thức đồ họa, do đó, nhà đầu tư sẽ không bị giới hạn về mặt không gian và thời gian.
Tại khu vực Châu Phi, Tổng công ty BHTG Kenya đã đầu tư 229 triệu Shillings (~2 triệu USD) xây dựng hệ thống dữ liệu hiện đại sẽ được đưa vào hoạt động năm 2023 để thu thập và phân tích dữ liệu từ các tổ chức tham gia BHTG nhằm tăng cường giám sát các tổ chức ngân hàng, đưa ra cảnh báo kịp thời cũng như đề xuất giải pháp xử lý, giảm thiểu sự đổ vỡ ngân hàng một cách hiệu quả. Tổng công ty BHTG Nigeria (NDIC) đã triển khai áp dụng Hệ thống dữ liệu khách hàng thống nhất (SCV) nhằm tránh sự chậm trễ trong quá trình chi trả cho người gửi tiền sau khi Ngân hàng trung ương Nigeria (CBN) thu hồi giấy phép của các tổ chức đổ vỡ. Hệ thống giúp NDIC có thể tiếp cận dữ liệu của người gửi tiền tại bất kỳ thời điểm nào nhằm củng cố quy trình chi trả và đảm bảo việc các ngân hàng tài chính vi mô cung cấp dữ liệu một cách đầy đủ, chất lượng và nhanh chóng cho NDIC.
Một số chính sách mới nhằm ngăn ngừa rủi ro và ổn định hệ thống
Sau giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, bên cạnh nâng cao hiệu quả hoạt động, một số tổ chức BHTG đã chú trọng củng cố và tăng cường các khuôn khổ, chính sách nhằm ngăn ngừa rủi ro và ổn định hệ thống. Cụ thể, tại Philippines, Hội đồng điều phối ổn định tài chính Philippines (FSCC) công bố khuôn khổ Quản lý Khủng hoảng Rủi ro Hệ thống (SRCM) vào đầu tháng 6/2022. Nhiệm vụ của SRCM là thiết lập một khuôn khổ để giám sát toàn bộ hệ thống tài chính, xác định mối quan hệ giữa các bên liên quan và cơ chế xử lý các cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Theo khuôn khổ, FSCC có thể đánh giá các điểm yếu trong hệ thống tài chính, các yếu tố có thể dẫn tới khủng hoảng và xác định những biện pháp can thiệp kịp thời để ngăn ngừa rủi ro hệ thống thông qua giám sát liên tục các xu hướng rủi ro, rà soát cơ sở hạ tầng, tiến hành kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống và việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan của FSCC trong cả điều kiện bình thường và khủng hoảng. Theo đó, FSCC cần có một nhóm quản lý khủng hoảng và một chiến dịch truyền thông về các rủi ro hệ thống để cập nhật định kỳ cho công chúng. Ngoài ra, khuôn khổ SCRM cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có mạng an toàn tài chính, bao gồm bảo hiểm tiền gửi, các cơ chế xử lý và giám sát an toàn để tăng khả năng phục hồi của thị trường. SCRM quy định rõ các quy trình mà các cơ quan của FSCC phải tuân thủ trong việc quản lý rủi ro hệ thống.
Cũng trong tháng 6/2022, Cơ quan giám sát tài chính của Ba Lan (KNF) thông qua đề xuất của 8 ngân hàng lớn nhất Ba Lan về việc thành lập một cơ chế bảo vệ ngân hàng với mục tiêu giúp đảm bảo khả năng thanh khoản và thanh toán của hệ thống ngân hàng. Cơ chế này sẽ thiết lập một Quỹ bảo vệ do các ngân hàng đóng góp với số tiền tương đương 0,4% số tiền được bảo hiểm theo cơ chế bảo hiểm tiền gửi bắt buộc và dự kiến sẽ có một công ty cổ phần được thành lập để chịu trách nhiệm điều hành và quản lý quỹ. Sự ra đời của cơ chế này được đánh giá là khá tích cực đối với hoạt động của các ngân hàng. Ngoài ra, Quỹ bảo lãnh ngân hàng sẽ giảm mức thu phí do có 2 quỹ cùng hoạt động, vì thế các ngân hàng không những không mất thêm chi phí mà có thể được hưởng thêm lợi ích từ sự ra đời của cơ chế mới này.
Các tổ chức BHTG thực hiện cải cách nhằm bảo vệ người gửi tiền và ổn định hệ thống
Trong Quý II/2022, một số tổ chức BHTG như Tổng công ty BHTG Hàn Quốc và Jamaica đã thực hiện cải cách tổ chức nhằm bảo vệ người gửi tiền trước những rủi ro trong hệ thống tiền gửi. Cụ thể, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) đã tiến hành tái cơ cấu tổ chức trên quy mô lớn nhằm nâng cao năng lực hoạt động. Một số phòng, ban có hoạt động liên quan đến việc quản lý hệ thống thu phí trên cơ sở rủi ro được cơ cấu lại thành một phòng duy nhất phụ trách nhằm nâng cao năng lực quản lý rủi ro và phân tích tài chính; cơ cấu lại Phòng Kế hoạch và Điều phối xử lý thành Phòng Xử lý và Thúc đẩy hệ thống tài chính và bổ sung các chức năng mới cho Trung tâm nghiên cứu về BHTG nhằm đáp ứng sự phát triển của thị trường vốn và tài chính số. Ngoài ra, KDIC tập trung cải thiện chất lượng nguồn nhân lực giữa các vị trí quản lý và nhân viên trong một số lĩnh vực chuyên biệt với các hoạt động như: bổ nhiệm và bổ sung nhân sự phù hợp chuyên về nghiệp vụ điều tra nhằm nâng cao năng lực điều tra về các tổ chức tài chính phá sản, luân chuyển nhân sự nhằm tạo ra sự đổi mới toàn diện cho tổ chức, thiết lập mối quan hệ với nhiều đối tác để tiến hành các chương trình trao đổi nhân sự nhằm bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ trong lĩnh vực ngân hàng và phân tích tài chính, lập Nhóm Quản lý đạo đức công vụ nhằm nâng cao đạo đức công vụ cho người quản lý và người lao động.
Trước đó, Tổng công ty BHTG Jamaica (JDIC) đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giảm thiểu khả năng diễn ra khủng hoảng tài chính và tác động của chúng. Các biện pháp cụ thể gồm: thiết lập các điều khoản bảo vệ các tổ chức tài chính không nhận tiền gửi, bảo vệ người tiêu dùng tài chính và chiến lược phát triển tài chính toàn diện; bổ sung các hiệp hội tín dụng (credit unions) là tổ chức tham gia BHTG sau khi Dự luật Hiệp hội hợp tác (Cooperative Societies) (sửa đổi) và Dự luật Hiệp hội tín dụng (các điều khoản đặc biệt) dự kiến được ban hành trong thời gian tới. JDIC triển khai hướng dẫn về việc chuẩn hóa các yêu cầu lưu trữ hồ sơ đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG; tăng cường nhiệm vụ quản lý, giám sát và đánh giá rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG. Các hoạt động nâng cao nhận thức và giáo dục công đồng được đẩy mạnh thông qua các chương trình tại trường học, đào tạo trực tuyến cho tổ chức tham gia BHTG và các diễn đàn công chúng.
Như vậy, xu thế chung thể hiện trong Quý II vừa qua cho thấy, các tổ chức BHTG đang có xu hướng ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Ngoài ra, các quốc gia cũng thực hiện nhiều biện pháp như cải cách tổ chức BHTG, tăng cường các chính sách hỗ trợ nhằm ngăn ngừa rủi ro, bảo vệ người gửi tiền tốt hơn và góp phần ổn định hệ thống ngân hàng./.