Cá nhân có tiền gửi tại tổ chức tham gia BHTG sẽ được BHTG
Theo quy định tại Điều 4 Luật BHTG, người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Vậy tiền gửi được bảo hiểm là những loại tiền gửi nào?
Tiền gửi được bảo hiểm được quy định tại Điều 18 Luật BHTG. Theo đó, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi sau:
- Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó.
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành.
Người gửi tiền được nhận tiền bảo hiểm theo quy định và đúng thời hạn
Khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, người gửi tiền được nhận tiền bảo hiểm với hạn mức chi trả được quy định tại Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đó, số tiền tổ chức BHTG chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.
Người gửi tiền cũng có quyền được nhận tiền bảo hiểm đúng thời hạn quy định tại Điều 23 Luật BHTG. Theo đó, trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được BHTG.
Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm được quy định tại Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-NHNN ban hành ngày 06/9/2014 hướng dẫn một số nội dung về BHTG như sau:
Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt, hoặc văn bản chấm dứt áp dụng, hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản, hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Tại văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt, hoặc văn bản chấm dứt áp dụng, hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-NHNN phải nêu rõ việc TCTD không khôi phục được khả năng thanh toán (lâm vào tình trạng phá sản) để làm cơ sở cho việc trả tiền BHTG.
Người gửi tiền có quyền yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG
Người gửi tiền có quyền yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG, bao gồm một số nội dung cơ bản như:
- Người gửi tiền được bảo hiểm/ người gửi tiền không được bảo hiểm.
- Loại tiền gửi được bảo hiểm/ loại tiền gửi không được bảo hiểm.
- Hạn mức tiền gửi được chi trả.
- Số tiền gửi được chi trả.
- Địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm.
- Thủ tục nhận tiền bảo hiểm.
- Các trường hợp đặc biệt như nhiều người sở hữu, người được BHTG có khoản nợ tại tổ chức tham gia BHTG, …
Khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG phải thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia BHTG và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo.
Tuy nhiên, Điều 26 khoản 6 Luật BHTG cũng quy định sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày tổ chức BHTG có thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm, những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu nhà nước và bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức BHTG, người có quyền sở hữu khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không có quyền yêu cầu tổ chức BHTG trả số tiền bảo hiểm đó.
Người gửi tiền có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật
Người gửi tiền cũng có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG trong việc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về BHTG. Các quy định của pháp luật về BHTG là các nội dung đã được quy định trong Luật BHTG và các văn bản liên quan.
Các hành vi bị cấm, vi phạm pháp luật về BHTG được quy định tại Điều 10 Luật BHTG, bao gồm.
- Tổ chức tham gia BHTG không nộp phí BHTG.
- Tổ chức BHTG không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ về BHTG.
- Cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG, người được BHTG và cơ quan, tổ chức có liên quan đến BHTG.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật về BHTG.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện được quy định tại Điều 36 Luật BHTG. Theo đó:
- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về BHTG là tổ chức BHTG. Thời hạn giải quyết khiếu nại của tổ chức BHTG là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại;
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người khiếu nại có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
Người gửi tiền có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi
Để được nhận tiền bảo hiểm khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, người gửi tiền có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi. Theo đó, ngoài giấy tờ tùy thân, khoản 4 Điều 26 Luật BHTG quy định: Khi nhận tiền bảo hiểm, người được BHTG phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG, như thẻ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi...
Đối với trường hợp người được BHTG bị thất lạc thẻ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, trước khi thực hiện thủ tục nhận tiền bảo hiểm cần làm thủ tục xác nhận theo quy định pháp luật hiện hành.
Khi người gửi tiền biết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình về BHTG giúp họ yên tâm gửi tiền vào TCTD hoạt động hợp pháp; đồng thời, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống các TCTD, thúc đẩy huy động vốn, ngăn chặn hiện tượng đột biến rút tiền gửi, đóng góp vào sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.
Việt Nga