Bài viết đề cập đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG trong việc thực hiện chính sách BHTG tại Việt Nam.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG được quy định tại Điều 12 Luật BHTG, gồm các nội dung cơ bản sau:
Tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia BHTG
Ở Việt Nam, việc tham gia BHTG là bắt buộc, Theo Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi và Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG:
- Tổ chức tham gia BHTG là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
- Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.
- Ngân hàng chính sách không phải tham gia BHTG.
Như vậy, các tổ chức phải tham gia BHTG gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam.
Tổ chức tham gia BHTG có quyền được cấp Chứng nhận tham gia BHTG
Tổ chức BHTG có trách nhiệm cấp Chứng nhận tham gia BHTG cho tổ chức tham gia BHTG trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia BHTG của tổ chức tham gia BHTG.
Để được tham gia BHTG, các đơn vị này phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy Chứng nhận tham gia BHTG. Theo quy định tại Điều 14 Luật BHTG, chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai trương hoạt động, tổ chức tham gia BHTG phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia BHTG cho tổ chức BHTG. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia BHTG bao gồm:
a) Đơn đăng ký tham gia BHTG;
b) Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng hoặc giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
c) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại trụ sở chính, chi nhánh và tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi của cá nhân.
Tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm nộp phí BHTG đầy đủ và đúng hạn cho tổ chức BHTG
Luật BHTG quy định phí BHTG là khoản tiền mà tổ chức tham gia BHTG (ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân) phải nộp cho BHTG Việt Nam (BHTGVN) để bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.
Người dân khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG không phải đóng phí BHTG mà tổ chức tham gia BHTG phải chịu trách nhiệm nộp phí BHTG đầy đủ và đúng thời hạn.
Phí BHTG hiện nay là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Mức phí này được duy trì từ khi thành lập tổ chức BHTG Việt Nam. Phí BHTG được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính.
Tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm nộp phí đúng hạn cho tổ chức BHTG. Thời hạn nộp phí chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp.
Luật BHTG cũng quy định chế tài xử phạt đối với các tổ chức tham gia BHTG thực hiện không đúng quy định về nộp phí BHTG như sau:
Trường hợp nộp thừa/ thiếu phí
Tổ chức BHTG phát hiện sự thiếu chính xác trong việc tính và nộp phí BHTG, thì sẽ thông báo và truy thu số phí còn thiếu hoặc thoái thu đối với số phí nộp thừa trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện.
Trường hợp vi phạm thời hạn
Tổ chức tham gia BHTG vi phạm thời hạn nộp phí BHTG, thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.
Trường hợp không nộp/nộp thiếu phí
Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phải nộp phí BHTG mà tổ chức tham gia BHTG không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí BHTG và tiền phạt, thì tổ chức BHTG có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích tài khoản của tổ chức tham gia BHTG tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nộp phí BHTG và tiền phạt.
Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí BHTG mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trích tài khoản của tổ chức tham gia BHTG để nộp phí lần thứ hai, thì tổ chức BHTG có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức tham gia BHTG.
Tổ chức tham gia BHTG có quyền yêu cầu tổ chức BHTG chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG tại tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm
Khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia BHTG có quyền yêu cầu tổ chức BHTG chi trả cho người gửi tiền đầy đủ, đúng hạn với hạn mức và thời gian được quy định tại Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm và Luật BHTG.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được BHTG.
Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm được quy định tại Điều 22. Luật BHTG là: kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Tổ chức tham gia BHTG có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động BHTG đều phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHTG, bao gồm cả tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền và tổ chức BHTG.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân bị cấm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHTG, được quy định tại Điều 10 Luật BHTG, như sau:
- Tổ chức tham gia BHTG không nộp phí BHTG.
- Tổ chức BHTG không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ về BHTG.
- Cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG, người được BHTG và cơ quan, tổ chức có liên quan đến BHTG.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật về BHTG.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện được quy định tại Điều 36 Luật BHTG, cụ thể:
- Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHTG được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
- Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của tổ chức BHTG được thực hiện như sau:
a) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về BHTG là tổ chức BHTG. Thời hạn giải quyết khiếu nại của tổ chức BHTG là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại;
b) Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
c) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức BHTG theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức BHTG
Để người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG được bảo hiểm, tổ chức tham gia BHTG đó có trách nhiệm cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức BHTG.
Việc cung cấp thông tin này được quy định cụ thể tại Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm, ban hành kèm Quyết định số 2252/QĐ-BHTG ngày 15/12/2017 của Hội đồng quản trị BHTGVN, trong đó yêu cầu tổ chức tham gia BHTG phải thực hiện báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm cho BHTGVN. Đây được coi là kênh kiểm soát bổ sung của BHTGVN, giúp ngăn ngừa và hạn chế rủi ro đạo đức phát sinh trong hoạt động huy động tiền gửi.
Đây cũng là căn cứ quan trọng để tính phí BHTG và là cơ sở để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ chi trả.
Làm rõ nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức tham gia BHTG, ngoài việc củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, còn góp phần giúp tổ chức tham gia BHTG hiểu rõ hơn quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình, từ đó đóng góp vào việc triển khai có hiệu quả Luật BHTG.
Đắc Thành