Khung khổ pháp lý mới hoàn tất
Thông tư số 43/2016/TT-NHNN được ban hành ngày 30/12/2016 có những tác động tích cực đến hoạt động cho vay tiêu dùng, bởi đây là lần đầu tiên có quy định pháp lý riêng điều chỉnh hoạt động loại hình cho vay này của công ty tài chính.
Thông tư 43 đã có những quy định đơn giản và hợp lý, phù hợp với thực tế, giúp công ty tài chính dễ dàng cho vay, đồng thời giúp người vay tiêu dùng có thể linh hoạt vay vốn phục vụ nhiều mục đích, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhìn chung, Thông tư 43 vừa bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng, vừa tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Theo Thông tư 43, cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay đối với cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng và gia đình.
Tổng dư nợ đối với mỗi khách hàng tại một công ty tài chính không quá 100 triệu đồng cho các mục đích vay theo 3 nhóm nhu cầu là: (1) Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; (2) Chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; (3) Chi phí sửa chữa nhà ở.
Lãi suất thỏa thuận và minh bạch
Thông tư quy định, các công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống, trong từng thời kỳ, bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và được quyền thỏa thuận lãi suất với từng đối tượng khách hàng.
Theo quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh, sẽ không có sự khác nhau quá lớn về lãi suất cho vay với khoản vay cho các sản phẩm tương tự nhau.
Cũng giống như cho vay nói chung, lãi suất vay tiêu dùng phụ thuộc vào từng khoản vay và từng khách hàng. Khách hàng càng có nhiều thông tin minh bạch và tin cậy chứng minh khả năng trả nợ của mình thì mức lãi suất cho vay sẽ càng thấp.
Cũng giống như cho vay nói chung, lãi suất vay tiêu dùng phụ thuộc vào từng khoản vay và từng khách hàng. Khách hàng càng có nhiều thông tin minh bạch và tin cậy chứng minh khả năng trả nợ của mình thì mức lãi suất cho vay sẽ càng thấp.
Vì cho vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ và ngắn hạn, nên khách hàng ít quan tâm đến lãi suất ghi trong hợp đồng, mà chủ yếu chỉ quan tâm đến khoản tiền cụ thể phải trả hàng tháng. Trước đây, các công ty tài chính thường công bố lãi suất cố định đối với từng khoản vay theo tuần, theo tháng, nhưng không giải thích rõ, nên tạo cảm giác lãi suất thấp, trong khi thực chất lại khá cao. Ví dụ, cùng công bố lãi suất 1%/tháng đối với khoản vay 10 triệu đồng trong 12 tháng, trả gốc mỗi tháng 1 triệu, nhưng nếu phải trả lãi theo số dư nợ gốc cố định ban đầu thì lãi suất sẽ lên đến khoảng 22%, không còn là 12% nữa. Lãi suất cho vay thực của các công ty tài chính phổ biến ở mức 20 - 30%/năm, thậm chí có những khoản đặc biệt lên đến 60 - 70%/năm.
Để bảo đảm phản ánh đúng mặt bằng và mức lãi suất cho vay nói chung, tránh tình trạng con số lãi suất công bố giống nhau nhưng thực chất lại khác nhau rất lớn giữa các phương thức tính lãi, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN đã yêu cầu lãi suất phải được “quy đổi theo tỷ lệ %/năm”, đồng thời phải “tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó”. Như vậy, trong ví dụ nêu trên, bên cạnh việc công bố 1%/tháng, công ty tài chính phải công bố lãi suất thực tế 22%/năm.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tiềm năng phát triển cho vay tiêu dùng còn rất lớn, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tâm lý tiêu dùng đã thay đổi, nền kinh tế xã hội phát triển, thu nhập được cải thiện rõ rệt, hàng hóa thay đổi phong phú… Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn luôn bức xúc về việc mức lãi suất cho vay tiêu dùng quá cao, vượt trần lãi suất 20% theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định hiện hành, công ty tài chính không được phép huy động tiết kiệm từ dân cư như các tổ chức tín dụng khác, nên phải huy động vốn từ chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và các nguồn của dân cư, tổ chức kinh tế, các ngân hàng thương mại với lãi suất cao.
Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra yêu cầu các công ty tài chính phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 200% xuống còn 100%, sau đó sẽ giảm tiếp xuống 90% đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018. Những quy định này đòi hỏi các công ty tài chính phải tăng cường huy động vốn hơn trước.
Số lượng khoản vay của công ty tài chính rất nhiều, trải rộng ở nhiều tỉnh thành nên tỷ lệ chi phí khá cao cho mỗi khoản vay và đội ngũ nhân viên, bởi một khoản vay dù lớn hay nhỏ đều phải trải qua quy trình làm hồ sơ tương tự nhau.
Các công ty tài chính cũng khó khăn hơn ngân hàng trong việc thu thập dữ liệu thông tin, phân hạng khách hàng và quyết định cho vay. Do đặc điểm của loại hình cho vay này cần phải xử lý kịp thời, thẩm định, quyết định việc cho vay phải nhanh, thủ tục đơn giản, thuận lợi. Tuy nhiên, luôn gặp phải mâu thuẫn là khách hàng vay tiêu dùng thường cung cấp thông tin có độ tin cậy thấp, công việc và thu thập dễ bị biến động, khả năng trả nợ thiếu ổn định, ý thức tuân thủ nghĩa vụ trả nợ không cao…