Kế thừa từ quan niệm của Các Mác, Lênin và Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đúc kết: Công tác dân vận của Đảng là toàn bộ các hoạt động của Đảng nhằm tuyên truyền, vận động, thu hút, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và để chăm lo, bảo vệ lợi ích của nhân dân.
Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” xác định “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”[1].
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Công tác dân vận được quan tâm và có bước đổi mới cùng với việc ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Áp dụng nhiều hình thức vận động, tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài”[2].
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”... “Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận”[3].
Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với người lao động. Công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, đồng thời là nhiệm vụ, trách nhiệm của các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể; của cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động trong các đơn vị thuộc Đảng bộ BHTGVN. Đảng ủy BHTGVN đã ban hành Quyết định số 1639-QĐ/ĐU, ngày 18/7/2023 về Quy chế công tác dân vận trong Đảng ủy BHTGVN. Quyết định gồm 4 chương và 19 Điều, trong đó trách nhiệm lãnh đạo, thực hiện công tác dân vận được quy định cụ thể cho từng cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy, tổ chức đoàn thể BHTGVN, trong đó khẳng định: Đảng lãnh đạo trực tiếp công tác dân vận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong Đảng bộ BHTGVN phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận; nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đối với công tác dân vận; thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và thực hiện phong cách dân vận trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và phương thức thực hiện công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống BHTG nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên và người lao động; tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị và các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động đối với công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, phân công lãnh đạo, cán bộ trực tiếp phụ trách công tác dân vận.
Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Đảng ủy là cơ quan tham mưu, giúp việc Đảng ủy về công tác dân vận, đã giúp Đảng ủy BHTGVN lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận; Kịp thời ban hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong đơn vị thuộc Đảng bộ BHTGVN thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận; Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trên định hướng, chỉ đạo hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong đơn vị; Lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát đối với hoạt động của đơn vị, cán bộ, đảng viên ở các cấp ủy trực thuộc và phản biện xã hội của các tổ chức đoàn thể. Lãnh đạo, chỉ đạo, phân công người đứng đầu cấp ủy, đơn vị tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên, người lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, đảng viên, người lao động, giải quyết các vấn đề phức tạp của đơn vị…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong toàn Đảng bộ BHTGVN, cấp ủy các cấp, tổ chức đoàn thể cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, tăng cường xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của người lao động. Tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận, cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt quy chế giám sát và phản biện xã hội của tổ chức đoàn thể, các tổ chức đoàn thể tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Hai là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và người lao động về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyền truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và người lao động nắm vững, nhất trí với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác dân vận; quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của nhân dân và công tác dân vận.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy BHTGVN và Ban lãnh đạo BHTGVN đối với công tác dân vận; tăng cường phối hợp hoạt động giữa các cấp trong và ngoài BHTGVN; huy động nguồn lực tổng hợp của cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động trong tiến hành công tác dân vận.
Bốn là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là ở cơ sở, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị.
Năm là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, tăng cường thu hút, tập hợp mọi tầng lớp người lao động tham gia các tổ chức, đoàn thể.
Sáu là, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách công tác dân vận và cán bộ thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận thực sự vững mạnh.
Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên đối với cấp dưới và thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác dân vận.
Phạm Thanh Bình - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy BHTGVN
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2013, tr.41.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, H2016, tr.190.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2021, tr.191.