Tại hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, Quyết định số 1726/QĐ-TTg về việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng (DVNH) cho nền kinh tế (Đề án 1726) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05/9/2016 là một trong những đề án rất quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và nhất là đối với ngành ngân hàng, đối với khu vực doanh nghiệp và người dân. Nội dung căn bản của Đề án 1726 đã khẳng định về những thành quả đạt được của ngành Ngân hàng trong phát triển và nâng cao khả năng cung ứng DVNH cho nền kinh tế. Một là, kênh cung ứng DVNH xét về kênh truyền thống hay hiện đại đã liên tục phát triển. Hai là, sản phẩm phát triển đa dạng, phong phú, có sản phẩm đã bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới. Ba là, chất lượng được cải thiện theo hướng hiện đại, tiện ích, giảm thủ tục và chi phí giao dịch, có sản phẩm DVNH tự động 24/24 giờ. Bốn là, mức độ sử dụng dịch vụ gia tăng mạnh.
Ngoài nội dung căn bản của Đề án, Phó Thống đốc cũng đề cập đến chiến lược phát triển khu vực dịch vụ của nền kinh tế nói chung, trong đó có chiến lược bộ phận phát triển DVNHvà nâng cao khả năng tiếp cận DVNH đối với doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế là rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận DVNH cho nền kinh tế là một trong Đề án bộ phận cốt lõi để thực hiện Chiến lược tổng thể về phát triển hệ thống ngân hàng đến năm 2025. Thay đổi căn bản diện mạo hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ chỗ kinh doanh chủ yếu dựa vào tín dụng chuyển sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, tăng doanh thu từ dịch vụ, giảm bớt rủi ro từ tín dụng và nợ xấu.Bên cạnh đó là những khó khăn, thách thức mà hệ thống ngân hàng cần cải thiện. Đó là tỷ lệ thu phí dịch vụ phi tín dụng còn khiêm tốn, gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn dồn lên vai hệ thống ngân hàng, cần phải được san sẻ từ thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, mức độ tiếp cận dịch vụ của dân cư và doanh nghiệp chưa đồng đều theo khu vực địa lý cũng như quy mô kinh doanh.
Về quá trình triển khai thực hiện Đề án 1726, ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược ngân hàngcũngđề cập đến 8 mục tiêu cụ thể và 7 nhóm giải pháp. Theo đó, 8 mục tiêu cụ thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 như sau: 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng; ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 dân số trưởng thành;30.000 máy ATM (khoảng 40 máy ATM trên 100.000 dân số trưởng thành);300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS;Tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại địa bàn nông thôn đạt khoảng 15%;Khoảng 35 - 40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các TCTD;Khoảng 50 - 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các TCTD;Tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại.
Cùng với những mục tiêu trên, ông Phạm Xuân Hoè đánh giá cao về bảy nhóm giải pháp bao gồm: Giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách, tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng sản phẩm DVNH, nhất là sản phẩm DVNH phi tín dụng, lành mạnh về tài chính trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Giải pháp về mở rộng mạng lưới cung ứng DVNH của các TCTD chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, có lộ trình hợp lý phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô. Bên cạnh đó là chú trọng ứng dụng công nghệ tin học và công nghệ viễn thông để phát triển sản phẩm dịch vụ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận DVNH của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ của các TCTD đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao chất lượng thông tin về khách hàng, hỗ trợ các TCTD tiếp cận thông tin đầy đủ để nâng cao chất lượng tín dụng. Thêm vào đó là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ngành ngân hàng, quảng bá sản phẩm, DVNH đến đông đảo người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tăng cường kết nối ngân hàng và doanh nghiệp và các giải pháp hỗ trợ khác trong chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo hiểm, tài chính…
Có thể thấy, mặc dù, bảy nhóm giải pháp mang đồng bộ, toàn diện và cụ thể. Song để nâng cao khả năng tiếp cận DVNH cho nền kinh tế bên cạnh sự nỗ lực của toàn ngành ngân hàng thì cũng cần đến sự phối kết hợp của bộ ngành khác.
Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)cho hay, đối với dịch vụ ngân hàng nói chung, dịch vụ thanh toán nói riêng, muốn phát triển được phải có cơ chế chính sách, xác lập hạ tầng kỹ thuật, cung cấp sản phẩm dịch vụ, xem xét trải nghiệm của khách hàng, phổ cập tài chính toàn xã hội.
Về phía NHTM, ông Phạm Đức Tuấn - Phó Tổng giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đề xuất NHNN, các NHTM nên lưu tâm đối với việc mở rộng mạng lưới, sắp xếp mạng lưới phù hợp để đảm bảo nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ ngân hàng.
Trước những ý kiến trên, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu các Vụ, Cục của NHNN, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, các TCTD, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô tập trung xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, có lộ trình thực hiện cụ thể theo nhiệm vụ được phân công làm sao đạt được các tiêu chí của Đề án 1726 về các chỉ số cũng như nâng cao khả năng tiếp cận DVNH trên 3 phương diện: Tăng về số lượng, cải thiện chất lượng dịch vụ, cải tiến sản phẩm, dịch vụ và thủ tục đơn giản để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận sản phẩm dịch vụ; đa dạng về kênh cung ứng sản phẩm dịch vụ tới khách hàng nhất là vùng sâu, vùng xa; gia tăng mức độ sử dụng DVNH đối với người dân và doanh nghiệp qua các chỉ tiêu cụ thể như mức độ sử dụng DNNH đối với người dân, số lượng sử dụng DVNH đối với DNNVV.