Cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả
Nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế, ngày 28/6/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng.
Thông tư 06 đã bổ sung thêm 1 mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho TCTD trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và định hướng, chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021. Thông tư 06 sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đây là những quy định sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Một số nội dung chính quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử tại Thông tư 06 như: quy định các nguyên tắc áp dụng chung phù hợp đặc điểm hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD; nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC); giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử; hồ sơ vay vốn được thiết lập dưới dạng tài liệu, dữ liệu điện tử, lưu trữ hồ sơ trên môi trường số; tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử (thẩm định và quyết định cho vay); giải ngân vốn vay... TCTD tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; xem xét, quyết định thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử theo quy định tại Thông tư.
Bên cạnh đó, để kiểm soát nguồn dữ liệu định danh trong hoạt động eKYC phục vụ việc cho vay bằng phương tiện điện tử, NHNN quy định cho phép TCTD triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CCCD) hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Việc cho phép tiếp cận, khai thác thông tin khách hàng từ CSDLQG về dân cư và cơ sở dữ liệu CCCD gia tăng nguồn thông tin chính thống rất có giá trị cho TCTD, đảm bảo hoạt động eKYC lành mạnh, minh bạch, an toàn, phòng ngừa kịp thời rủi ro gian lận, rửa tiền, tội phạm, tiết kiệm chi phí và nguồn lực xã hội; đồng thời, cũng phù hợp mục tiêu nghiên cứu, triển khai rộng rãi việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử rộng rãi vào các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (trong đó có hoạt động cho vay) đã được đặt ra tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, cũng như phương án, lộ trình NHNN, các TCTD đang tích cực phối hợp Bộ Công an (Cơ quan chủ quản) để kết nối khai thác CSDLQG về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD, VneID, thử nghiệm giải pháp triển khai xác minh khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ đánh giá khách hàng trong dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, Thông tư 06 cũng quy định cơ chế cho phép triển khai việc eKYC dựa trên việc khai thác thông tin đã được eKYC bởi TCTD khác (tương tự eKYC mở tài khoản thanh toán). Như vậy, các nguồn dữ liệu để đối chiếu được quy định tại Thông tư 06 rất đa dạng, mang tính chính thống và đáng tin cậy, là nền tảng quan trọng đảm bảo hoạt động eKYC an toàn, lành mạnh, kịp thời phòng ngừa rủi ro gian lận.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 06, đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như: vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng...), khách hàng không cần phải có phương án, dự án. Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống. Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Khách hàng được vay tại ngân hàng này để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác
Thông tư 06 còn bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Cụ thể, tại Thông 39/2016/TT-NHNN hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại TCTD khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có). Đơn cử, một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà tại ngân hàng A, nhưng lại thấy tại ngân hàng B, cùng khoản vay mua nhà như vậy lãi suất cho vay thấp hơn so với ngân hàng A; đồng thời còn được hưởng thêm ưu đãi đối với một số dịch vụ khác. Với quy định này, khách hàng hoàn toàn có thể đển ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay mua nhà mà khách hàng đang vay tại ngân hàng A. Như vậy, khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.
Về phía các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, các công ty tài chính tiêu dùng đã mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư. Điều này góp phần tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lao động ở các khu công nghiệp, những người có thu nhập thấp.
Chẳng hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5 nghìn tỷ đồng, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp…
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngày 4/10/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp đó, ngày 11/3/2003, Ngân hàng Chính sách xã hội chính thức hoạt động để cấp vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân
Hiện nay, NHNN và Bộ Công an đang phối hợp tích cực, chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” và triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06/QĐ-TTg). Theo đó, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án (Kế hoạch 01) ngày 24/4/2023 với 11 nhiệm vụ lớn được chi tiết hoá từng nội dung công việc như: Làm sạch dữ liệu khách hàng, xác minh khách hàng, giải pháp chấm điểm tín dụng... Chính vì vậy, việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch 01 có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 766/CĐ-TTg. Với mục đích đề ra giải pháp để công dân yếu thế được tiếp cận nhanh nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ Công an đã giao Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay.
Thời gian tới, về phía NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng; chỉ đạo các TCTD đa dạng các loại hình cho vay, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các TCTD, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động "tín dụng đen", kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai Đề án 06, hướng dẫn các TCTD trong việc khai thác CSDLQG về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về CCCD trong công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, phối hợp xử lý tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động "tín dụng đen".
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động "tín dụng đen"…
Phía ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh truyền thông, phổ biến danh sách các TCTD, tổ chức tài chính vi mô được NHNN cấp phép hoạt động và quản lý, để khách hàng hiểu được và không “đánh đồng” công ty tài chính với các công ty cho vay qua các ứng dụng, môi trường mạng và tín dụng đen; truyền thông rộng rãi, chính thống tới người dân về nghĩa vụ trả nợ, những rủi ro khi vay không trả đúng hạn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, sản phẩm tín dụng để người dân yên tâm, tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các TCTD và tổ chức tài chính vi mô được NHNN cấp phép, qua đó tránh được nạn tín dụng đen.
Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả bên cho vay và đi vay, cần có hành lang pháp lý phù hợp hơn đối với các tổ chức cho vay phi ngân hàng, đồng thời có chế tài mạnh hơn với khách hàng vay cố tính chây ỳ trả nợ.
Thanh Thủy