Phát hiện, xử lý các sàn Forex hoạt động trái phép
Vừa qua, Bộ Công an đã triệt phá 7 sàn giao dịch lừa đảo Forex trong 1 tháng. Bộ Công an cho biết, hiện nay trên cả nước có khoảng 240 sàn giao dịch Forex trái phép, của gần 100 đối tượng trong nước cầm đầu, có liên kết với các tổ chức quốc tế. Bản chất là lấy tiền người sau trả cho người trước, kêu gọi hàng triệu người tham gia theo mô hình đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, gần đây nổi lên hình thức đào tiền ảo Pi bằng điện thoại thông minh, đa số mọi người thấy rằng, mình không mất tiền, không phải đầu tư vẫn có khả năng có tiền trong tương lai, giống như đồng Bitcoin trước đó, mà không cần phải một hệ thống máy tính công kềnh, công nghệ kĩ thuật cao. Tuy nhiên, mọi người không lường trước được những rủi ro về việc này có thể dẫn đến mất tài nguyên điện thoại, mất thông tin cá nhân và sau đó sẽ bị dẫn dắt vào những sân chơi tài chính không lành mạnh khác khi cộng đồng đủ lớn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, đại bộ phận dân chúng không có kiến thức chuyên sâu về tài chính, trong khi đó, áp lực về làm giàu và kiếm tiền rất lớn. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, nhiều người bị thất nghiệp, thu nhập giảm, không có công ăn việc làm nên tìm các kênh đầu tư để kiếm tiền nhanh chóng. Đánh trúng tâm lý này, rất nhiều sàn giao dịch tiền ảo trá hình, Forex mở ra, mang đến những hứa hẹn cho người tham gia, chỉ cần đầu tư một số tiền rất nhỏ và sẽ được hưởng hàng trăm phần trăm, thậm chí hàng nghìn phần trăm lợi nhuận.
Theo các quy định hiện hành của Luật các Tổ chức tín dụng, Pháp lệnh ngoại hối và các văn bản hướng dẫn, chỉ có tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối được thực hiện cung ứng dịch vụ mua, bán ngoại tệ và thực hiện dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tổ chức và cá nhân thực hiện giao dịch mua, bán ngoại tệ và giao dịch phái sinh tại tổ chức tín dụng được phép.
Theo quy định nêu trên, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối là hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho bất kỳ một sàn Forex nào tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khuyến cáo người dân không nên tham gia vào các giao dịch sàn Forex để tránh rủi ro, thiệt hại về kinh tế; đồng thời người dân tham gia vào sàn giao dịch Forex (nhà đầu tư) không được pháp luật bảo vệ nếu có xung đột, tranh chấp xảy ra.
Hoạt động sàn Forex trái phép được thực hiện trên không gian mạng, vì vậy để phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động cần có sự phối hợp phát hiện và xử lý kịp thời của các cơ quan chức năng.
Kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bitcoin là tiền ảo/tiền mã hóa (crypto-currency), không phải tiền điện tử (e-money) mang tính ẩn danh cao, không chịu sự quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro, không phải là đồng tiền pháp định, không được cung ứng hoặc bảo đảm bởi Chính phủ hay Ngân hàng Trung ương.
Được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp được giao là đơn vị đầu mối triển khai Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (Quyết định 1255), Bộ Tài chính được giao làm đầu mối lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo, NHNN được giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử.
Theo báo cáo số 27/BC-BTP ngày 17/02/2021 về tình hình triển khai Quyết định 1255, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, giám sát các hoạt động phát hành, giao dịch đối với các tài sản ảo thuộc lĩnh vực chứng khoán; đồng thời đang nghiên cứu đề tài “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam”..
Liên quan đến nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền điện tử tại Quyết định 1255 nêu trên, NHNN đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có bổ sung quy định về tiền điện tử vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 và đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo trình tự, thủ tục quy định.
Đối với giao dịch Bitcoin, theo quy định cuả Luật NHNN, tại Khoản 1 và 2 Điều 17: “1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đồng thời, theo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016), Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật hiện hành (Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị định số 88/2019NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Nhận thức được những rủi ro, hệ lụy của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, từ tháng 2/2014, NHNN đã có những cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ đối với các hoạt động, giao dịch liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó khẳng định quan điểm là: “Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam”; đồng thời, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thận trọng, không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Bên cạnh đó, NHNN đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 để tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan. Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo; trong đó chỉ đạo cụ thể các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch trung gian thanh toán, giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế…
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, đối với các giao dịch nói chung, giao dịch tiền ảo, Forex, đánh bạc nói riêng thông qua các tổ chức tín dụng (như ngân hàng), các tổ chức tài chính khác (như ví điện tử là trung gian thanh toán) và một số loại hình doanh nghiệp (như kinh doanh trò chơi có thưởng, casino) chủ yếu chỉ kiểm soát việc tuân thủ các quy định của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 (như nhận biết khách hàng, báo cáo giao dịch lớn và giao dịch đáng ngờ khác). Vì vậy, muốn quản lý chặt chẽ giao dịch tiền ảo, Forex và đánh bạc với nước ngoài thì cần phải được quy định trong các điều luật một cách cụ thể, rõ ràng, đồng thời phải có giải pháp đồng bộ, chặt chẽ.