Theo số liệu vừa được Tổng cục thống kê công bố ngày 29-3, tính đến ngày 20-3, tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) đã tăng cao vượt huy động, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt và thu nhập lãi của các NH có sự cải thiện tích cực.
Trong đó, lãi suất huy động hiện khá ổn định. Lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Riêng đối với nhóm khách hàng tốt có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
Trước đó, một số NH thương mại tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, đặc biệt là lãi suất huy động kỳ hạn dài thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho cá nhân, với mức cao lên tới 9,2%/năm. NH Nhà nước cho rằng động thái điều chỉnh tăng giảm lãi suất là bình thường và thanh khoản của hệ thống NH hiện vẫn trong trạng thái khá dồi dào. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các NH vẫn giữ ổn định.
Về phía các doanh nghiệp, kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2017 của Tổng Cục thống kê cho thấy có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I tốt hơn quý trước. Dự kiến trong quý II, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn.
Đặc biệt, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh trong quý I, số doanh nghiệp cho rằng có khó khăn về tài chính khoảng 34,5% và chỉ có khoảng 27% doanh nghiệp được hỏi nói rằng lãi suất vay vẫn còn cao.