Tài chính vi mô (TCVM) có thể coi như những “con lạch nhỏ” đi sâu vào những ngóc ngách mà nhiều khi các ngân hàng thương mại khó chạm tới trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân vùng sâu, vùng xa, với những đối tượng yếu thế trong xã hội. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2018/TT-NHNN về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức TCVM, trong đó có đề xuất mở rộng hơn đối tượng khách hàng của tổ chức TCVM.
Món vay nhỏ - hiệu quả lớn
Theo NHNN, TCVM là việc cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp các khoản vay nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. TCVM thường kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác như tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, vì những người nghèo, người có thu nhập thấp có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính, nhưng khó tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức.
Tổ chức TCVM là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ.
Tại Việt Nam, ngoài các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, hoạt động của tổ chức TCVM cũng giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn cho người nghèo, người có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, những người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu tín dụng đen.
Tính đến nay, tại Việt Nam có 4 tổ chức TCVM gồm: Tổ chức TCVM TNHH MTV Tình Thương (TYM), Tổ chức TCVM TNHH M7 (M7 - MFI), Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa (Thanh Hóa - MFI), Tổ chức TCVM TNHH MTV CEP đã được NHNN cấp phép hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Tổng số chi nhánh của 4 tổ chức TCVM là 62 chi nhánh, hoạt động tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, CEP có mạng lưới hoạt động với độ bao phủ rộng nhất, gồm 35 chi nhánh tại 9 tỉnh, thành phố; TYM gồm 20 chi nhánh tại 13 tỉnh, thành phố; M7 - MFI có 3 chi nhánh tại 2 tỉnh, thành phố; và Thanh Hóa - MFI có 4 chi nhánh trên cùng địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hoạt động của các chương trình, dự án TCVM tập trung vào cho vay vi mô phân khúc khách hàng là người nghèo, người thu nhập thấp - đối tượng khó tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng thương mại. Do vậy, các chương trình, dự án TCVM được thiết kế phù hợp cho nhóm khách hàng này, cụ thể: Quy mô khoản vay trên một khách hàng nhỏ, dao động từ 5 triệu đồng (đối với khách hàng vay lần đầu) đến 29 triệu đồng (đối với khách hàng vay nhiều vòng và có lịch sử hoàn trả tốt). Với quy mô của khoản cho vay nhỏ và phương thức cho vay thông qua bảo lãnh nhóm, hầu hết các chương trình, dự án TCVM có tỷ lệ thu hồi cao, tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ở mức thấp.
Nhìn từ góc độ hiệu quả xã hội, gần nửa triệu khách hàng đã tiếp cận được các khoản vay từ các tổ chức TCVM. Quy mô khoản cho vay trung bình của các tổ chức TCVM là khoảng 15,8 triệu đồng/khách hàng - tương đương gần 1/5 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay.
Với quy mô khoản vay như vậy cho thấy, các tổ chức TCVM đã và đang tập trung cho vay đúng phân khúc khách hàng mục tiêu của mình là những người nghèo, người có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo kênh dẫn vốn hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững và hạn chế tín dụng đen, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù đã đạt được những kết quả rất khả quan nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người nghèo và người có thu nhập thấp, nhưng hoạt động TCVM tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ.
Cụ thể, tổ chức TCVM gặp khó khăn nhất định về đối tượng khách hàng và mức vốn vay. Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Thống đốc NHNN quy định: “Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng tài chính vi mô không được vượt quá 50 (năm mươi) triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng khác không được vượt quá 100 (một trăm) triệu đồng”. Thực tế, các mức vay này được đánh giá còn khá khiêm tốn với mục tiêu toàn diện hóa đối tượng. Thông tư số 03/2018/TT-NHNN cũng không quy định đối tượng khách hàng TCVM bao gồm người “có thu nhập thấp” như quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 dẫn tới khó khăn cho các tổ chức TCVM trong mở rộng đối tượng phục vụ.
Đặc biệt, tỷ lệ người nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp tại Việt Nam khá cao nên nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống của các thành viên từ các tổ chức TCVM và chương trình, dự án TCVM ngày càng lớn trong khi tăng trưởng nguồn vốn của các chương trình, dự án TCVM gặp khó khăn do vốn hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn vốn ưu đãi, vốn huy động từ các tổ chức, cơ quan, đoàn thể còn hạn chế; nhiều chương trình, dự án phụ thuộc vào nguồn vốn tài trợ. Khó khăn về nguồn vốn đã khiến nhiều chương trình, dự án TCVM có quy mô hoạt động nhỏ bé, thiếu chuyên nghiệp và chưa có tầm lan tỏa sâu rộng.
Mặc dù các Bộ, Ngành, UBND tỉnh, thành phố, các tổ chức có liên quan đã có sự đánh giá, nhìn nhận đúng mức hơn về vai trò của TCVM nhưng vẫn chưa quan tâm nắm bắt đầy đủ, chính xác kết quả hoạt động của các chương trình, dự án TCVM. Các chương trình, dự án vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, hoạt động tự phát, không thống nhất, được cấp phép, quản lý bởi các đơn vị khác nhau (UBND các cấp, Hội Phụ nữ các cấp, Hội Nông dân các cấp…) nên công tác quản lý còn thiếu tập trung, công tác phối hợp còn nhiều bất cập dẫn đến việc kiểm tra, giám sát và xây dựng, ban hành các văn bản điều chỉnh đối với hoạt động TCVM còn chậm.
Bên cạnh đó, mặc dù khuôn khổ pháp lý hiện hành áp dụng cho hoạt động TCVM đã được xây dựng tương đối đầy đủ nhưng quá trình triển khai trong thực tiễn vẫn còn một số bất cập. Một số quy định cần tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động TCVM, nhất là các quy định liên quan đến việc quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; quy định tổ chức và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; quy định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ...
Hơn nữa, Hiệp hội TCVM chưa được thành lập để thực hiện vai trò là tổ chức đại diện, làm đầu mối hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM một cách có hệ thống...
Ngoài ra, khu vực TCVM không chính thức (bao gồm hoạt động cá nhân theo nhóm lẻ thông qua các hình thức như hụi/họ, vay mượn họ hàng, bạn bè, láng giềng hoặc đi vay của người cho vay lãi, vay cầm đồ...) tiềm ẩn nguy cơ về lãi suất cao quá sức chịu đựng của người vay và rủi ro mất an toàn vốn cho người tham gia gửi tiền, gây ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo và người có thu nhập thấp cũng như an ninh, trật tự tại các địa phương.
Đề xuất mở rộng khách hàng của tổ chức tài chính vi mô
NHNN đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2018/TT-NHNN về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức TCVM.
Cụ thể, dự thảo bổ sung khái niệm về “cá nhân có thu nhập thấp” vào đối tượng là “khách hàng TCVM” để các tổ chức TCVM có cơ sở thực hiện và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức TCVM hiện nay.
Sửa đổi, bổ sung khái niệm “khách hàng khác” là cá nhân đã từng là khách hàng TCVM nhằm đảm bảo nguồn vốn hướng tới phân khúc nhóm khách hàng thấp nhất trong nhóm khách hàng “dưới chuẩn” do các tổ chức TCVM cung cấp.
Theo đó, nhóm khách hàng này sẽ bao gồm: các cá nhân vẫn đang thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân đại diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và/hoặc các cá nhân này đã thoát nghèo nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn TCVM để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
Trên thực tế, khách hàng của các tổ chức TCVM thường không có tài sản thể chấp hoặc nếu có thì giá trị rất thấp nên các tổ chức TCVM thường áp dụng tiền gửi tiết kiệm bắt buộc như là một hình thức đảm bảo khoản vay.
Tiết kiệm bắt buộc trong sản phẩm cho vay được dùng để phản ánh khả năng tích luỹ, hình thành tài sản của người đi vay, đồng thời còn đóng vai trò như một cơ chế bảo đảm bổ sung cho việc hoàn trả khoản vay. Do đó, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung khái niệm “tiết kiệm bắt buộc” nhằm phù hợp với đặc thù của hoạt động cho vay TCVM của các tổ chức TCVM cũng như nhất quán với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, đảm bảo tính thống nhất trong triển khai văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, Khoản 8 Điều 3 của dự thảo quy định: “Tiết kiệm bắt buộc là số tiền mà khách hàng TCVM phải gửi theo quy định của tổ chức TCVM và dùng để bảo đảm cho khoản vay của khách hàng (nếu có). Tổ chức TCVM có trách nhiệm quy định và phải công bố công khai mức tiền gửi tiết kiệm bắt buộc và mức lãi suất tiết kiệm bắt buộc”.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng chi tiết hơn về mức cho vay đối với từng nhóm khách hàng TCVM nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay sẽ hiệu quả, hữu ích hơn đối với từng nhóm khách hàng “dưới chuẩn” khác nhau, phù hợp với thực tiên hoạt động của các tổ chức TCVM.
Theo Khoản 5 Điều 32 dự thảo, tổng dư nợ cho vay của tổ chức TCVM đối với mỗi một khách hàng TCVM quy định tại điểm a và b Khoản 6 Điều 3 Thông tư này không được vượt quá 50 triệu đồng.
Cụ thể, gồm các đối tượng sau: a) Cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân đại diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật; b) Cá nhân có thu nhập thấp.
Cá nhân có thu nhập thấp quy định tại Thông tư này là người làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoặc lao động tự do, có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật.
Tổng dư nợ cho vay của tổ chức TCVM đối với mỗi một khách hàng TCVM quy định tại điểm c Khoản 6 và Khoản 7 Điều 3 Thông tư này không được vượt quá 100 triệu đồng (Cụ thể: doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật).
Đẩy mạnh các giải pháp phát triển hoạt động của tổ chức TCVM
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp xây dựng, phát triển hoạt động TCVM, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu tín dụng đen, thời gian tới, cần sự quan tâm hơn nữa của các Bộ, ngành liên quan, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý để tăng cường năng lực tài chính cho tổ chức TCVM.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương:
Cần tiếp tục xây dựng, ban hành các quy định để tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng với hoạt động của các tổ chức TCVM; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký các chương trình, dự án TCVM đang hoạt động;
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai hoạt động TCVM và tập trung nguồn vốn dành cho TCVM; Hỗ trợ các chương trình, dự án TCVM, tổ chức TCVM được cấp phép tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khác, được hưởng nguồn vốn dành cho xóa đói, giảm nghèo từ các tổ chức, cá nhân; Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển TCVM trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế của đất nước.
UBND tỉnh, thành phố quản lý sát sao và nắm bắt đầy đủ tình hình hoạt động của các chương trình, dự án TCVM trên địa bàn để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn hoạt động của các chương trình, dự án.
Đối với tổ chức TCVM và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ cần tập trung rà soát tình hình tổ chức, hoạt động TCVM của tổ chức mình để có điều chỉnh, hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận và góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống của người nghèo và người có thu nhập thấp.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần tiếp tục chuẩn hóa mô hình tổ chức hoạt động của các tổ chức TCVM, các chương trình, dự án TCVM thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý vừa khuyến khích sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống TCVM, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hình này. Tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến để gúp người dân, đặc biệt là người dân nghèo nâng cao khả năng hiểu biết và dễ dàng tiếp cận với loại hình TCVM nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân Việt Nam.
Về phía các tổ chức TCVM và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ có chương trình, dự án TCVM cần có chiến lược, kế hoạch phát triển trong thời gian tới phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, trong đó cần chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ mới phù hợp với đặc thù của Việt Nam và các sản phẩm phi tài chính để hỗ trợ ngày càng hiệu quả hơn cho người nghèo và người có thu nhập thấp, trong đó đối tượng thụ hưởng phần lớn là phụ nữ.
Thanh Thủy