Thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hệ thống điểm chấp nhận thẻ đã dần trở nên phổ biến ở những đô thị lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để việc sử dụng thẻ trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.
Thanh toán “phi tiền mặt” đang trở nên phổ biến
Thực hiện Quyết định số 2453/2011/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh
thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015, ngày 27/12/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ (
POS) giai đoạn 2014-2015, từng bước mở rộng thanh toán qua POS, đưa thanh toán qua POS trở thành thói quen của chủ thẻ.
Sau gần 2 năm thực hiện Kế hoạch nêu trên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến ngày 31/8/2015, cả nước đã phát hành gần 94,7 triệu thẻ (tăng 18% so với cuối năm 2014), trong đó có 68,4 triệu thẻ đang lưu hành với khoảng 133.200 đơn vị chấp nhận thẻ.
Riêng 37 ngân hàng thương mại đã lắp đặt được trên 203.000 POS (tăng khoảng 18% so với cuối năm 2014). Trong đó, phải kể đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với gần 64.680 máy, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với trên 60.760 máy…
Một số ngân hàng thương mại đã phối hợp với đơn vị cung cấp giải pháp để nghiên cứu triển khai dịch vụ thanh toán thẻ qua mPOS (giải pháp chấp nhận thanh toán thẻ thông qua các thiết bị di động). Đến nay, NHNN đã cho phép 7 ngân hàng triển khai dịch vụ mPOS và được thí điểm sử dụng hóa đơn thanh toán điện tử.
Tại những tỉnh, thành phố lớn có điều kiện kinh tế phát triển và có nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí, hoạt động thanh toán thẻ qua POS tiếp tục phát triển mạnh cả về số lượng POS được lắp đặt và số lượng giao dịch.
Các ngân hàng thương mại đã tích cực tuyên truyền giới thiệu dịch vụ thanh toán qua POS và quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ như lắp đặt POS mới, nâng cấp đường truyền, liên kết với các đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để phát hành thẻ, lắp đặt POS. Một số NHTM đã triển khai các chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn đối với khách hàng dùng thẻ thanh toán qua POS.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình phát triển thanh toán POS cũng còn một số khó khăn, tồn tại. Tốc độ phát triển POS có dấu hiệu tăng chậm lại, mặc dù số lượng POS và số lượng giao dịch qua POS vẫn đang tăng cao. Việc bố trí, lắp đặt POS vẫn tập trung chủ yếu tại các trung tâm thương mại, khách sạn, khu đô thị và mới chỉ có 7 ngân hàng triển khai dịch vụ mPOS.
Nguyên nhân cơ bản là do thiếu chính sách ưu đãi và giảm thuế để thúc đẩy thanh toán qua thẻ. Một số đơn vị chấp nhận thẻ chưa chấp nhận thanh toán thẻ qua POS do lo ngại phải nộp thuế nhiều hơn và phải trả thêm phí trên doanh số thanh toán cho ngân hàng.
Trong khi đó, chưa có chế tài bắt buộc các đơn vị bán hàng phải lắp đặt POS và chấp nhận thanh toán qua POS. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng một số đơn vị chấp nhận thẻ thu phụ phí giao dịch, gây tâm lý ngại thanh toán bằng thẻ cho khách hàng.
Mặt khác, việc thông tin, tuyên truyền chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng tập trung vào việc phản ánh một số trục trặc kỹ thuật, một vài hiện tượng tiêu cực mang tính cá biệt, gây tác động tiêu cực đến tâm lý của người sử dụng.
Ngoài ra, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao và trong hoạt động thanh toán thẻ qua POS diễn biến phức tạp, cản trở nỗ lực thực hiện chủ trương mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Cần thêm giải pháp để trở thành… phổ cập
Để thực hiện mục tiêu kế hoạch tổng thể phát triển thanh toán thẻ qua POS cũng như mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển thanh toán thẻ và thanh toán qua POS, nhất là trong bối cảnh đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc.
Cần khẩn trương sắp xếp, hợp lý hóa và phát triển mạng lưới POS hiện hành cũng như thanh toán mPOS. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH) tại Việt Nam nhằm xây dựng hạ tầng thanh toán bù trừ liên ngân hàng bán lẻ, hoạt động liên tục và có hiệu quả, tăng cường tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ thanh toán bán lẻ hiện đại cho các tổ chức và cá nhân, tiến tới hình thành cổng thanh toán bán lẻ tại Việt Nam, là đầu mối kết nối với các hệ thống thanh toán bán lẻ trong khu vực và trên thế giới.
Mặt khác, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như phát hành thẻ chi tiêu công vụ, thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán thẻ qua POS tại các cơ sở y tế, giáo dục, yêu cầu các điểm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải lắp đặt thiết bị POS và chấp nhận thanh toán thẻ. Hơn nữa, phải tiến hành quản lý, giám sát các hệ thống thanh toán cốt lõi, hệ thống POS, hệ thống chuyển mạch thẻ, phù hợp dần với thông lệ và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Cuối cùng, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thanh toán qua POS, mPOS, từng bước nâng cao nhận thức và thói quen sử dụng thanh toán qua POS.
Đối với các đơn vị trực tiếp triển khai dịch vụ POS, các tổ chức hội viên Hội Thẻ ngân hàng, cần tiếp tục triển khai lắp đặt thêm POS và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán qua POS, mở rộng đến các lĩnh vực tiềm năng như bệnh viện, trường học, dịch vụ công, chợ đầu mối, hộ tiểu thương, phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng triển khai dịch vụ thanh toán thẻ qua mPOS nhằm phát triển nhanh các đơn vị chấp nhận thẻ mới.
Các đơn vị chấp nhận thẻ cần niêm yết công khai và nghiêm túc thực hiện cam kết chấp nhận thanh toán tất cả các loại thẻ và không thu phụ phí của khách hàng khi thanh toán bằng thẻ. Công ty CP Chuyển mạch tài chính quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ chuyển mạch POS, tiến hành rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị chấp nhận thẻ thu phụ phí của chủ thẻ, xử lý kịp thời các sự cố về đường truyền, khiếu nại của khách hàng, phối hợp xử lý tốt việc rà soát các giao dịch thanh toán POS.